Vào nội dung chính
DI SẢN - VĂN HÓA - THỂ THAO

Pháp : Thể thao chắp cánh cho Ngày Hội Di sản châu Âu 2023

Trong hai ngày hôm nay và ngày mai, 16 và 17/09/2023, tại Pháp và hơn 40 quốc gia châu Âu khác, hàng chục nghìn di sản văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc… mở cửa cho công chúng trong khuôn khổ ‘‘Ngày Hội Di sản toàn châu Âu’’ thường niên. Hàng năm ước tính hơn 30 triệu du khách tham gia hoạt động này. Chủ đề chính năm nay là ‘‘các Di sản sống’’ (Patrimoine vivant). Thể thao cũng được chọn làm tâm điểm của Ngày Hội Di sản châu Âu đúng vào dịp 10 tháng trước Thế vận hội Paris.

Một vũ công của đoàn L'Oublié(e) trình diễn vở "Chân trời" trên nóc nhà Domaine national du Palais-Royal, trong khuôn khổ Ngày Hội Di sản châu Âu, Paris, ngày 15/09/2023.
Một vũ công của đoàn L'Oublié(e) trình diễn vở "Chân trời" trên nóc nhà Domaine national du Palais-Royal, trong khuôn khổ Ngày Hội Di sản châu Âu, Paris, ngày 15/09/2023. AFP - DIMITAR DILKOFF
Quảng cáo

Bắt nguồn từ một sáng kiến riêng của bộ Văn Hóa Pháp cho nước Pháp năm 1984, ‘‘Ngày Hội Di sản’’ đã trở thành sự kiện lớn toàn châu Âu kể từ năm 1999, với tôn chỉ ‘‘Châu Âu, một di sản chung’’, do Hội Đồng Toàn Châu Âu và Ủy Ban Châu Âu đồng chủ trì. Trong hai Ngày Hội Di sản châu Âu, những người quan tâm có cơ hội khám phá những địa điểm vốn thường đóng cửa với công chúng, như phủ tổng thống, nhà Quốc Hội, tòa án, tòa thị chính, các thánh đường, nhà hát, lâu đài, hầm mộ cũng như các tư dinh, ngân hàng, hoặc thậm chí là phòng thương mại…. Theo bộ Văn Hóa Pháp, những ngày này cũng là ‘‘cơ hội duy nhất để công chúng biết đến hoạt động của những người hàng ngày âm thầm bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa thuộc nhà nước, hay của tư nhân, của các hiệp hội hay của chính quyền địa phương’’.

Chủ đề chính năm nay là ‘‘các di sản sống’’, tức các tập quán, tri thức, thực hành được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như các lễ hội carnaval hay các nghề thủ công truyền thống… Nhưng thể thao cũng là một di sản sống. Các di sản Thể thao được các định chế châu Âu năm nay chọn làm chủ đề chính của ngày Hội Di sản, nhân dịp Thế Vận Hội tại Pháp.

Thể thao : ‘‘Di sản văn hóa sống’’

Du khách nhân dịp này có thể đến thăm công trường xây dựng Làng vận động viên điền kinh quốc tế tại tỉnh Seine-Saint Denis, ngoại ô Paris, hay đặt chân vào INSEP, Viện Thể thao Quốc gia Pháp rộng 28 hecta, ở rừng Bois de Vincennes, cũng tại ngoại ô Paris. Tại đây, người hâm mộ có cơ hội tìm hiểu về đời sống hàng ngày, nơi đào tạo, tập luyện của các vận động viên đỉnh cao, trong đó có các sàn tập của võ sĩ nhu đạo Teddy Riner hay ngôi sao bóng rổ Tony Parker trước khi thành danh.

Những người mê bóng rổ có thể thăm khu bảo tàng của Liên đoàn Bóng rổ Pháp FFBB, hay sân bóng rổ được coi là ‘‘cổ xưa nhất thế giới’’ ở quận 9 Paris. Người mê xe đạp và có đủ sức khỏe có thể tham gia cuộc đi dã ngoại, theo chương trình phát hiện sông Seine bằng xe đẹp : ‘‘La Seine à Vélo’’ (Sông Seine với xe đạp), xuất phát từ bảo tàng Montmartre (Paris), xuyên qua nhiều địa điểm đẹp, nối liền thủ đô với bờ biển Đại Tây Dương, dài khoảng 500 cây số...

Kết hợp văn hóa, nghệ thuật với thể thao, kết hợp “cơ bắp với tâm hồn” (‘‘le muscle et l'esprit’’) là một trong những nền tảng của tinh thần Thế Vận Hội, như tâm niệm của nam tước Pierre de Coubertin, người thường được coi là cha đẻ của Olympic thời hiện đại. Thể thao và văn hóa là tâm điểm của ngày Hội Di sản châu Âu tại Pháp, với tổng cộng khoảng 70 sự kiện được tổ chức trong hai ngày này.

Vở diễn ‘‘Chân trời’’ : Khi ‘‘cơ thể và kiến trúc hòa quyện’’...

Truyền thông Pháp đặc biệt chú ý đến vở diễn mang tên ‘‘Horizon’’ (hay ‘‘Chân trời’’) tại Domaine national du Palais-Royal, được xây dựng cách nay bốn thế kỷ. Đoàn diễn L’Oublié(e) giúp công chúng cảm nhận và thưởng thức công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng tại Paris với một cái nhìn khác, qua ‘‘Parkour’’, môn thể thao – nghệ thuật nhào lộn, vượt chướng ngại vật trong thành phố bằng các chuyển động nhanh, linh hoạt không cần trợ giúp của thiết bị (Horizon được tổ chức vào thời khắc hoàng hôn của ba ngày 15, 16 và 17/09).

Vở vũ ballet nhào lộn ngoài trời này là một trình diễn được tích hợp một cách độc đáo với địa điểm, gắn liền với những nét đặc trưng của công trình kiến trúc. Nghệ sĩ Vassiliki Rossillion, 22 tuổi, thành viên đoàn diễn, tâm sự: ‘‘với vở diễn này… chúng tôi muốn làm cho công trình kiến trúc trở nên đẹp hơn… có một sự hòa quyện giữa cơ thể với vật liệu kiến trúc…, mang lại một sự sống mới cho ngôi nhà này…’’. Raphaëlle Boitel, biên đạo múa và đạo diễn tiết mục này giải thích: “Ý nghĩa của vở Horizon là đưa con người trở lại với vị trí trung tâm của kiến ​​trúc, mang lại cho công chúng cơ hội nhìn về cùng một hướng’’.

Thể thao và nghệ thuật liên hệ mật thiết. Nghệ thuật và thể thao có một điểm chung : ‘‘nỗ lực vượt lên chính mình’’, như nhận định của bộ trưởng bộ Văn Hóa Pháp Rima Abdul Malak. 70 sự kiện Thể thao – Văn hóa trong ngày Hội Di sản Châu Âu ở Pháp nói trên nằm trong hơn 1.600 sự kiện của ‘‘Kỳ Olympic Văn hóa’’ (‘‘Olympiade Culturelle’’), được tổ chức tại Pháp trước và trong thời gian Thế Vận Hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.