Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Pháp : Ngày Di sản châu Âu năm 2022 có gì mới ?

Hàng năm như thông lệ, nước Pháp tổ chức ''Ngày Di Sản Châu Âu'' vào cuối tuần lễ thứ ba của tháng 9. Năm nay, chương trình này diễn ra vào hai ngày 17 và 18/09. Nhằm khuyến khích giới trẻ tham gia, chương trình còn dành riêng ngày mai (16/09) để tiếp đón giới học sinh đi tham quan theo trường lớp. Đây chính là cơ hội để người dân vào tham quan miễn phí các di sản văn hóa, lịch sử, đặc biệt là các cơ sở mà thường ngày không tiếp khách tham quan.

Xưởng sản xuất sô cô la ở oisiel, ngoại ô Paris, Pháp.
Xưởng sản xuất sô cô la ở oisiel, ngoại ô Paris, Pháp. © mairie Noisiel
Quảng cáo

Với chủ đề năm nay là "Patrimoine durable'' (Di sản bền vững), chương trình Ngày Di sản châu Âu 2022 quy tụ hơn 16.000 công trình kiến trúc nổi tiếng, cũng như các di tích lịch sử đủ loại nằm trên khắp lãnh thổ nước Pháp. Vào cuối tuần này, tất cả đều được mở cửa để đón khách vào thăm miễn phí. Còn tại Paris và vùng phụ cận (Île-de-France) có tới hơn 1.500 điểm tham quan, chỉ riêng trong chương trình sinh hoạt. Tuy nhiên, cứ mỗi năm khách tham quan buộc phải xếp hàng nhiều giờ để vào thăm những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất, chẳng hạn như Phủ tổng thống ( Palais de l'Élysée )  hay Phủ thủ tướng ( Matignon ). Những năm gần đây, điều kiện tham quan các cơ quan công quyền lại càng trở nên khó khăn hơn, do khách phải đăng ký khá sớm để giữ chỗ trước.

Cho nên ban tổ chức chương trình ''Les Journées Européennes du Patrimoine'' thường khuyến khích người dân cũng như du khách nên đi thăm những di sản lịch sử văn hón, tuy ít nổi tiếng hơn, nhưng lại có thể tạo cho người xem nhiều điều bất ngờ lý thú. Trong chiều hướng đó, trang thông tin ''Sortir à Paris'' đã liệt kê khoảng 100 địa điểm tại Paris và các vùng phụ cận được cho là khác lạ độc đáo. Đặc biệt hơn nữa là các cơ sở này cũng ít khi nào mở cửa cho công chúng vào xem tự do.

Viện kim hoàn Cartier lần đầu tiên mở cửa đón khách

Đó là trường hợp của Viện kim hoàn Cartier (Institut Joaillerie Cartier) lần đầu tiên tham gia vào chương trình ''Ngày Di sản châu Âu''. Thương hiệu xa xỉ phẩm này được khánh thành vào năm 1847, và chỉ có các nghệ nhân trung thành nhất với Cartier mới được quyền tiếp thu các bí quyết ''gia truyền'' để chế tác các món trang sức cao cấp, tinh xảo, quý giá. Sau hơn 150 năm hoạt động, mãi tới năm 2002, hiệu Maison Cartier mới mở xưởng kim hoàn chuyên đào tạo các thợ có tay nghề cao. 

Mang tên là Viện kim hoàn Cartier, xưởng đào tạo này tọa lạc tại Hôtel Pinsot, một dinh thự được xây từ thế kỷ XVIII với lối kiến trúc tân cổ điển, hiện nằm ở quận 9 Paris. Khách tham quan nên đăng kỹ giữ chỗ để vào xem xưởng kim hoàn này, bao gồm các phòng trưng bày nữ trang cũng như đá quý, với lối bài trí ngoạn mục của thương hiệu Cartier. Năm 2022 cũng đánh dấu đúng 20 năm thành lập xưởng đào tạo. Đó chính là động lực thúc đẩy hiệu Cartier tham gia chương trình ''Ngày Di sản châu Âu '' lần thứ 39 hầu giới thiệu rộng rãi hơn nữa với công chúng kỹ năng sáng tạo của mình .

Cũng nhân hai ngày cuối tuần, khách yêu chuộng lịch sử cũng như ẩm thực có thể ghé thăm Viện bảo tàng về lịch sử bánh mì (Musée de la Maison du Pain) nằm ở ngôi làng Commeny thuộc vùng ngoại ô Val d'Oise (vùng 95). Theo trang thông tin Sortir à Paris, đây là một bảo tàng nhỏ nằm tại một ngôi làng tí hon ở vùng đồng bằng Vexin, nổi tiếng là một trong vựa ngũ cốc quan trọng tại Pháp, có truyền thống chăn nuôi trồng trọt từ lâu đời. Điều đó giải thích vì sao tuy Commeny chỉ có khoảng 500 cư dân, nhưng nông trại của ngôi làng lại xưa hơn 4 thế kỷ, nhà thờ chính cũng được xếp vào hàng di tích lịch sử quốc gia và ở gần kế bên là Bảo tàng về lịch sử bánh mì.

Viện bảo tàng bánh mì hoặc nhà máy sô cô la

Thật ra, bảo tàng nho nhỏ này trước kia là một nhà kho dùng để trữ lúa và bột mì, nằm ngay bên cạnh một lò nướng bánh và tiệm bánh mì cho tới nay vẫn còn hoạt động. Nếu như khách có thể mua bánh và thưởng thức bánh mì ngay tại chỗ, thì ngược lại bảo tàng không phải là một cơ sở văn hóa tiếp khách tham quan hàng ngày. Thông thường, bảo tàng này chỉ mở cửa đón một số các đoàn tham quan của giới trong ngành, theo lịch hẹn. Các chuyến thăm dành cho công chúng nói chung chỉ diễn ra trong hai Ngày Di sản châu Âu.

Giới mê các món ăn ngọt thì hẳn chắc sẽ ghé thăm nhà máy sản xuất sô cô la Menier ở thành phố Noisiel (vùng 77). Nằm bên bờ sông Marne, thị trấn Noisiel lại ẩn chứa nhiều di sản tuyệt vời và hấp dẫn, trong đó có ''La Chocolaterie'' Menier, một trong những vết tích của ngành công nghiệp sản xuất tại Pháp trong thế kỷ XIX. Mặc dù nhà máy đã không còn sản xuất sô cô la từ năm 1992, nhưng nơi này vẫn được giữ nguyên như một di sản lịch sử của thời kỹ nghệ hóa, bởi vì xung quanh nhà máy chế biến sô cô la, có nguyên một thành phố được dựng lên cho các gia đình công nhân. Được xây vào năm 1898, thành phố này có thể tiếp đón khoảng 320 gia đình trong một môi trường xanh tươi, mỗi căn nhà đều có vườn trồng rau. Còn ở trong ''thành phố công nhân'' có cả trường học, nhà giữ trẻ, phòng mạch để khám răng hay chữa bệnh, viện dưỡng lão … mô hình xã hội này khá phát triển vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Tại thủ đô Paris và vùng phụ cận, bên cạnh các lâu đài, nhà thờ, công viên, bảo tàng lịch sử, các nhà hát lớn hay rạp phim xưa, trang thông tin Sortir à Paris còn chú ý tới Điện Panthéon nhân chương trình năm nay. Ngoài là nơi yên nghỉ cuối cùng của các danh nhân có công với nước Pháp, Điện Panthéon lần này đặc biệt mở cửa từ chiều mai để tiếp đón học sinh, nhất là nhiều gương mặt nổi tiếng trong lịch sử đều xuất hiện trong sách giáo khoa, đúng theo chương trình học của các em. Quan trọng hơn nữa là vào buổi chiều chủ nhật 18/09 kể từ 16 giờ, dàn nhạc quân đội sẽ biểu diễn tại đại sảnh Điện Panthéon một chương trình âm nhạc nhằm tôn vinh các bậc vĩ nhân, những vị anh hùng của nước Pháp.

Chương trình thắp sáng mặt tiền Gare de l'Est

Cũng mở cửa sớm hơn một ngày so với chương trình chính thức có buổi biểu diễn âm thanh và ánh sáng độc đáo tại Gare de l'Est (Nhà ga miền Đông). Cùng với Montparnasse, Gare de Lyon, Gare du Nord, Gare d'Austerlitz và Gare Saint-Lazare, Gare de l'Est là một trong 6 nhà ga thuộc vào hàng lớn nhất nước Pháp nằm tại thủ đô Paris trong hệ thống đường sắt SNCF. Ra đời vào năm 1849 ở Paris quận 10, nhà ga phía đông do nhà kiến trúc François-Alexandre Duquesney và kỹ sư Pierre Cabanel de Sermet cùng xây dựng. Mặt tiền của nhà ga vừa được tân trang, chương trình biểu diễn video mapping sẽ dàn dựng lại lối kiến trúc của nhà ga này với nhiều âm thanh và ánh sáng tân kỳ. Chương trình này phản ánh những biến chuyển của mạng lưới đường sắt Pháp, bắt đầu từ 8 giờ rưỡi tối cho tới 10 giờ đêm và cứ 15 phút lại có một suất biểu diễn.

Điểm nhấn của chương trinh năm nay là nỗ lực phát triển hệ thống ''Di sản bền vững''. Nước Pháp hiện có hơn 45.000 di tích lịch sử, trong đó khoảng một phần ba thuôc vào hàng di sản quốc gia. Việc mở cửa đón khách tham quan miễn phí giúp cho người dân ý thức về việc bảo tồn các ''kho báu'' quốc gia. Theo số liệu của bộ Văn Hóa Pháp, tính tổng cộng hàng năm có hơn 12 triệu lượt khách đi xem 16.000 công trình kiến trúc và di tích lịch sử nhân hai Ngày Di Sản châu Âu. Nước Pháp đã thành lập sinh hoạt này lần đầu tiên vào năm 1984, vài năm sau đó nhiều nước láng giềng bắt đầu làm theo. Năm 1991, Ngày Di sản châu Âu chính thức được cho ra đời, để rồi gợi hứng tổ chức Ngày Di sản quốc gia cho khoảng 50 nước trên thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.