Vào nội dung chính
TƯ PHÁP - CHẤT ĐỌC DA CAM

Chất độc da cam: Tòa phúc thẩm Paris xử vụ kiện của Trần Tố Nga

Hôm nay, 07/05/2024, phiên xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga được mở ra tại Tòa phúc thẩm ở Paris. Là một trong những nạn nhân của chất độc màu da cam, bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, 82 tuổi đã kiện 14 doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong đó có Monsanto, vì đã sản xuất và buôn bán loại thuốc diệt cỏ được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

In this Jan.30, 2021 file photo, Tran To Nga waves as she delivers a speech during a gathering in support of people exposed to Agent Orange during the Vietnam War, in Paris.
Ảnh tư liệu: Bà Trần Tố Nga phát biểu trước những người ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, ngày 30/01/2021 tại Paris, Pháp. AP - Thibault Camus
Quảng cáo

Từ năm 2014, bà Trần Tố Nga đã đệ đơn kiện tại tòa án Evry, ngoại ô Paris, Pháp. Vụ kiện các tập đoàn hóa chất đã được đưa ra xét xử vào năm 2021, nhưng thời điểm đó, tòa án Evry đã bác vụ kiện vì cho rằng các doanh nghiệp này có đủ cơ sở để sử dụng « quyền miễn trừ », do họ đã  hành động theo yêu cầu từ chính phủ Mỹ, và tòa không có đủ thẩm quyền để xét xử hành động của một quốc gia có chủ quyền khác.

Đọc thêm : Trần Tố Nga : Tiếp tục “cuộc chiến của những con người bảo vệ công lý

Trả lời RFI Tiếng Việt về phiên xử tại Tòa phúc thẩm Paris hôm nay, Bertrand Repolt, một trong những luật sư tình nguyện hỗ trợ bà Trần Tố Nga trong  vụ kiện, cho rằng tòa đã « đánh đồng vai trò của các doanh nghiệp Mỹ với chính phủ Washington, nhưng các doanh nghiệp Mỹ trên thực tế lại có quyền tự chủ, tự quyết trong việc sản xuất chất độc màu da cam. Họ nhận thức được độc tính cao của sản phẩm, nhưng không hề có ý định sửa đổi các thành phần và vẫn cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ ». Do vậy, các doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ chứ không thể "núp sau « quyền miễn trừ » của nhà nước Hoa Kỳ".

 

Bà Trần Tố Nga bên ngoài phòng xét xử của Tòa Phúc Thẩm Paris, Pháp, ngày 07/05/2024.
Bà Trần Tố Nga bên ngoài phòng xét xử của Tòa Phúc Thẩm Paris, Pháp, ngày 07/05/2024. © Chi Phuong

 

Trước các thẩm phán tại Tòa Phúc Thẩm Paris, đồng biện hộ cho bà Nga, luật sư William Bourdon nhấn mạnh đến "quyền được xét xử" là quyền cơ bản của một nạn nhân như bà Nga và mong có thể đưa vụ án trở lại thẩm quyền của tòa Evry để có thể đề cập đến những hồ sơ chi tiết. 

Về phần mình, luật sư của các doanh nghiệp hóa chất phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của thân chủ, khẳng định họ chỉ thực hiện theo yêu cầu rất tỉ mỉ, đầy tính kỹ thuật của quân đội Mỹ trong thời chiến và đôi khi họ bị trưng dụng. Luật sư của hãng hóa chất Hercules đã không ngần ngại công kích bà Nga, cho rằng bà thực chất không có bệnh gì, tập hợp những người ủng hộ mình để gây « náo loạn », thu hút truyền thông.

Bà Trần Tố Nga đứng cùng nghị sĩ đảng Xanh Sandrine Rousseau trong một buổi tập trung tại quảng trường République trước vụ kháng cáo tại Tòa Phúc Thẩm Paris, Pháp, ngày 04/05/2024.
Bà Trần Tố Nga đứng cùng nghị sĩ đảng Xanh Sandrine Rousseau trong một buổi tập trung tại quảng trường République trước vụ kháng cáo tại Tòa Phúc Thẩm Paris, Pháp, ngày 04/05/2024. © Chi Phuong

Biểu tình ủng hộ bà Trần Tố Nga, nạn nhân chất độc màu da cam

Trả lời báo chí sau phiên điều trần hôm nay, bà Nga nhận định rằng luận điểm của các luật sư bên bị đơn "cho thấy thế yếu của họ, nghe thì thấy đau lòng vì mình phải tự kiềm chế, nhưng mình không thấy bị xúc phạm nữa, vì mình đã biết là sẽ như vậy." Bà khẳng định lại sẽ theo đuổi vụ kiện đến cuối cuộc đời.

Tòa phúc thẩm Paris sẽ đưa ra quyết định vào ngày 20/08 tới. Nếu tòa đưa ra quyết định có lợi cho bà Nga, thì sẽ buộc tòa Evry phải xét xử yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà Nga, còn nếu không thì bên nguyên đơn sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa phá án (Cour de cassation). Bà cùng các hiệp hội ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, khẳng định lại sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng. 

Đứng trước những người ủng hộ mình trong một buổi tập hợp ngày 4/5 tại quảng trường République ở Paris, bà Trần Tố Nga khẳng định sẽ « đây là cuộc chiến của đời mình », nhưng hy vọng những người trẻ tiếp tục "cuộc chiến đòi công lý" này.

Bà Keo Le Guydaer, đại diện của hiệp hội Collectif Vietnam Dioxine, đồng hành cùng bà Nga từ nhiều năm qua, khẳng định vụ kiện này là « cơ hội cuối cùng » để kết tội các doanh nghiệp hóa chất Mỹ, như Monsanto, phải chịu trách nhiệm vì sản xuất ra thuốc diệt cỏ dioxin. Tổ chức này kêu gọi sự ủng hộ của công luận Pháp, vì theo họ, Monsato không chỉ « giết người » ở Đông Nam Á, mà cả ở Pháp hay các lãnh thổ khác, « ủng hộ cuộc đấu tranh của bà Nga không chỉ là ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam, mà còn cho các nạn nhân của thuốc diệt cỏ ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.