Vào nội dung chính
PHÁP - KHAN HIẾM THUỐC

Pháp khan hiếm thuốc kháng sinh do lệ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc

Tình trạng khan hiếm Amoxicilline và Paracetamol, hai loại thuốc rất thông dụng, đang xảy ra ở Pháp cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Nguyên nhân là vì hệ thống sản xuất đã bị giảm mạnh từ khi có đại dịch Covid-19. Tình trạng thiếu thuốc thêm trầm trọng với việc giờ đây dịch lại bùng lên dữ dội ở Trung Quốc.

Dịch Covid-19 bùng lên mạnh ở Trung Quốc kéo theo tình trạng khan hiếm thuốc ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Người dân Trung Quốc đổ xô đi vơ vét các loại thuốc ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, ngày 19/12/2022.
Dịch Covid-19 bùng lên mạnh ở Trung Quốc kéo theo tình trạng khan hiếm thuốc ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Người dân Trung Quốc đổ xô đi vơ vét các loại thuốc ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, ngày 19/12/2022. AFP - STR
Quảng cáo

Tháng 12 này là dịp để các bệnh như cúm và Covid-19 bùng phát. Tại Pháp lúc này, có được một số loại thuốc vẫn được kê đơn phổ biến nhất trở nên rất khó khăn.

Ông Pierre-Olivier Variot, chủ tịch Hiệp hội các nghiệp đoàn dược sĩ ở Pháp (USPO) cho biết : « Tình hình đã trở nên rất căng thẳng từ đầu năm 2022. Tình trạng cạn kho thuốc đã tăng 15% so với năm ngoái. Việc cung ứng 3000 loại phân tử dùng để chế biến thuốc cũng rất căng thẳng. Vào lúc này chúng ta đặc biệt thiếu các loại thuốc Paracetamol và Amoxicilline. »

Hai loại thuốc dưới dạng dành cho bệnh nhi này đang bị thiếu, trong khi dịch viêm phế quản bùng lên dữ dội và Amoxicilline chiếm tới 90% kháng sinh được kê cho trẻ em. Cơ quan quản lý thuốc đã báo động tình trạng này ngay từ tháng 11 và đã dự trù khả năng khan hiếm có thể kéo dài cho đến tháng 3. Phủ tổng thống Pháp cũng đã có buổi làm việc với một đoàn các nhà chuyên khoa nhi về vấn đề này.

Vấn đề mang tính toàn cầu

Ông Andréas Werner, chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Ngoại trú Pháp (AFPA), cho biết, hiện tại, các bác sĩ có thể cố xoay sở được bằng cách kê dạng thuốc kháng sinh người lớn cho trẻ em. Tiếp theo cha mẹ phải lo thích ứng liều lượng tùy lứa tuổi của con mình theo chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa. Nhưng giải pháp này không lâu dài được, theo ông Andréas Werner, bởi vì sự chậm trễ trong điều trị có nguy cơ gây ra hiệu ứng domino và gây ra tình trạng khan hiếm mới, cũng như sự phát triển kháng thuốc.

Tình hình trên không chỉ giới hạn trong nước Pháp. Theo hiệp hội các hãng dược Liên Âu, 25 trên 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu hiện đang thiếu thuốc Amoxicilline, đặc biệt là Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Bên kia bờ Đại Tây Dương, có Hoa Kỳ, Canada, tương tự còn có Úc cũng gặp nhiều khó khăn. Những nước này từ tháng 10 đã đặt các loại kháng sinh vào danh sách các loại thuốc có nguy cơ khan hiếm. Thực tế là 80% trên số 35 nước trong diện theo dõi của Tổ chức Y tế Thế giới hiện rơi vào tình trạng thiếu thuốc, trong đó đặc biệt thiếu các loại thuốc thông dụng như Paracetamol.

Trung Quốc ngừng xuất khẩu 

Tình trạng khan hiếm thuốc diện rộng trên thế giới hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc dịch Covid bùng trở lại ở Trung Quốc. Đối phó với tình trạng lây nhiễm bùng nổ sau khi chấm dứt chính sách « Zero Covid », Bắc Kinh đã cho trưng dụng các nhà máy sản xuất thuốc để có đủ nguồn cung cấp cho thị trường trong nước. Trong tỉnh Sơn Đông, ở phía nam Bắc Kinh, một nhà máy bào chế Ibuprofene thậm chí đã cho ngừng toàn bộ các hoạt động xuất khẩu.

Hubert Testard, chuyên gia về châu Á và về những thách thức kinh tế quốc tế tại trường Khoa học Chính trị Pháp (Science Po) giải thích Trung Quốc là nước sản xuất đại đa số các nguyên liệu cơ bản thiết yếu cho việc bào chế Amoxicilline và Paracetamol:

« Các loại thuốc « cơ bản » như Paracetamol và Amoxicilline đều được các nước phương Tây đặt gia công tại Ấn Độ và Trung Quốc từ ba chục năm nay. Vì sản xuất các loại thuốc này không có lời nhiều, trong khi việc sản xuất lại đòi hỏi đầu tư lớn. Đó là lý do việc chế biến các loại thuốc đó được di dời sang Trung Quốc và tạo ra sự lệ thuộc khá lớn vào nước này. Trái lại, Trung Quốc lại phụ thuộc vào các nước phương Tây về những loại thuốc điều trị các bệnh mãn tính phức tạp khác. »

Được tập trung hóa cao như vậy, việc sản xuất các loại thuốc gọi là « cơ bản » đó đặc biệt nhạy cảm với những khủng hoảng y tế hay địa chính trị. Vấn đề này đã có từ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 và càng trầm trọng thêm. Từ năm 2000, số lượng các loại thuốc khan hiếm tại Pháp được cảnh báo đã nhân lên gấp 20 lần.

« Tình trạng thuốc men không sẵn có đã tăng mạnh ở Châu Âu và vấn đề khan hiếm thuốc là một mối lo ngại toàn cầu », các giới chức y tế nhiều nước đã liên tục báo động trong các báo cáo hàng năm. Khan hiếm thuốc là vấn đề mang tính cấu trúc, liên quan đến các loại thuốc thiết yếu cũng như thuốc rất thông dụng.

Sản lượng thấp nhất từ 2020

Tình trạng thiếu thuốc như vậy lại càng trầm trọng với việc bùng nổ các bệnh mùa đông, hệ miễn dịch của dân chúng đã bị suy giảm rất nhiều sau hai năm giãn cách xã hội, trong khi đó ngành công nghiệp dược phẩm cũng đã cắt giảm sản xuất mạnh trong thời gian đại dịch.

« Năm 2022 người ta dễ bị nhiễm bệnh hơn là năm 2020, tỷ lệ kháng thể trung bình đã giảm ». Mọi người không bị các bệnh nhiễm trùng trong nhiều năm qua. Theo chuyên gia Andréas Werner, chính « điều đó làm nhu cầu kháng sinh giảm và các nhà công nghiệp chế biến thuốc cũng phải cắt giảm nguồn cung của họ ».

Các nhà sản xuất thuốc cũng khó mà trở lại mức sản xuất thuốc kháng sinh như thời trước khủng hoảng dịch. Dù Sandoz, một trong những hãng bào chế thuốc kháng sinh nguyên gốc chủ yếu, khẳng định đã tăng lại sản xuất, nhưng hãng cũng cần phải mất từ 4 đến 6 tháng mới có thể bắt đầu phân phối thực sự các loại thuốc ra thị trường. Như vậy, tình hình khan hiếm thuốc sẽ không được giải quyết ngay. Giới chuyên gia hy vọng tình trạng căng thẳng về thuốc sẽ phải được hạ nhiệt trong vài tuần nữa khi mà Trung Quốc qua được đỉnh dịch Covid hiện nay.

Trong khi chờ đợi, các giới y tế khuyến cáo nên phổ biến các xét nghiệm tầm soát bệnh để tránh tình trạng kê đơn kháng sinh không cần thiết, làm cạn kho thuốc, đồng thời thay thế các loại thuốc khác khi có thể được. Để tránh tình trạng này lặp lại, hiệp hội các hãng dược Liên Âu khuyến cáo nên bắt buộc các nhà bào chế thuốc phải đưa ra bán các sản phẩm của mình tại tất cả các nước thành viên và thành lập một cơ chế phân phối thuốc trong trường hợp khủng hoảng. Một nhà máy sản xuất Paracetamol đang được xây dựng và sắp sửa đi vào hoạt động tại Pháp, nhưng những viên thuốc đầu tiên của nhà máy chưa thể có mặt trên các hiệu thuốc trước năm 2025.

(Theo france24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.