Vào nội dung chính
PHÁP - DI SẢN

Quỹ Di Sản Pháp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập

Trong tuần qua, tổ chức ''Fondation du Patrimoine'' - Quỹ Di Sản - đã tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 25 tại Paris. Trong vòng một phần tư thế kỷ hoạt động, cơ quan này đã nỗ lực vận động quyên góp tài trợ việc trùng tu các di sản trên lãnh thổ Pháp. Kết quả là trong số các dự án bảo tồn, có tới 35.000 công trình đã được hoàn tất.

Sau vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris hồi tháng 04/2019, chỉ trong ít ngày, tổ chức Fondation du Patrimone đã huy động quyên góp được số tiền nhiều kỷ lục, hơn 226 triệu euro, để trùng tu công trình.
Sau vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris hồi tháng 04/2019, chỉ trong ít ngày, tổ chức Fondation du Patrimone đã huy động quyên góp được số tiền nhiều kỷ lục, hơn 226 triệu euro, để trùng tu công trình. BERTRAND GUAY AFP/File
Quảng cáo

Sở dĩ Quỹ Di Sản có được một thành quả như vậy trước hết là vì tổ chức phi lợi nhuận này đã thu hút được nhiều cảm tình của người Pháp. Mặt khác, cơ quan này nắm bắt được sự quan tâm của ngành văn hóa, để rồi nhờ vào các chiến dịch quảng bá, thông tin báo chí hay trên mạng xã hội, thu hút được sự chú ý của công chúng về các di sản cần được bảo tồn. Đa số những người sống tại Pháp thường hay nghe nhắc tới tổ chức này thông qua sự kiện ''Loto du Patrimoine'' thường diễn ra mỗi năm 2 lần (nhân lễ Quốc Khánh 14/07 và Ngày Di Sản châu Âu vào mùa thu), tổ chức xổ số có giải thưởng quan trọng hầu gầy dựng kinh phí trùng tu các di sản.

35.000 dự án trong vòng 25 năm hoạt động

Kể từ ngày khai sinh, ''Fondation du Patrimoine'' (Quỹ Di Sản) được giao một nhiệm vụ rõ ràng. Nếu như các công trình kiến trúc, di tích lịch sử cấp quốc gia đều do bộ Văn Hóa Pháp tài trợ nhờ công quỹ, thì Quỹ Di Sản là một tổ chức tư nhân, do có mục đích ''bất vụ lợi'' cho nên nhận được sự hậu thuẫn của Nhà nước Pháp thông qua các biện pháp ưu đãi thuế. Tổ chức này hàng năm liệt kê các di sản rồi vận động quyên góp vốn trùng tu. Các di sản có giá trị (nhà nguyện, nhà hát nhỏ, bảo tàng, cầu đáhải đăng ...) nằm rải rác trên lảnh thổ Pháp, tại những vùng sâu vùng xa, những làng xã thị trấn hay quận hạt thưa thớt dân cư.

Theo ông François de Mazière, hiện là thị trưởng thành phố Versailles và từng là chủ tịch đầu tiên của tổ chức này, một thời gian ngắn sau khi được thành lập, Quỹ Di Sản đã phát động chiến dịch quyên góp đầu tiên cách đây hai thập niên, trong giai đoạn 2001-2002. Thành công của chiến dịch này trước hết là nhờ vào sự hào phóng của công chúng Pháp, bên cạnh đó quan trọng không kém là sự huy động của giới tình nguyện viên, tham gia quyên góp để bảo tồn các di sản địa phương, bất kể thời gian hay công sức, đi ''gõ cửa'' từng nhà, gọi điện cho các công ty tư nhân đóng góp vì lợi ích chung. Về phía nhà nước Pháp, kể từ đầu những năm 2000, chính phủ đã cấp trực tiếp cho Quỹ Di Sản quyền gắn nhãn hiệu "miễn thuế" cho những ai đầu tư vào việc trùng tu một di sản. Nhờ vậy, các di sản ''nhỏ'' có thêm khả năng thu hút vốn, người chịu chi tiền có thể được miễn thuế từ 50% đến 100%.

Theo nhà nghiên cứu Michel Kneubühler, đồng tác giả quyển Tự điển về Lịch sử ngành Di sản do nhà xuất bản Fage Éditions phát hành, có thể nói là quy định của chính phủ Pháp là ''đòn bẩy'' giúp cho tổ chức Quỹ Di Sản được phát triển thêm. Về mặt mô hình, hoạt động của Fondation du Patrimoine giống như tổ chức National Trust tại Vương quốc Anh. Nhưng với thời gian, vai trò song hành của Quỹ Di Sản càng trở nên quan trọng, có thể xem như là một ''vệ tinh'' bay gần quỹ đạo của Bộ Văn hóa, khẳng định được vị trí của mình nhờ làm việc có hiệu quả và huy động dễ dàng mạng lưới tình nguyện viên trên khắp lãnh thổ. Điều đó dĩ nhiên dẫn tới một số tranh chấp bất đồng, một số chuyên gia về bảo tồn của Bộ Văn Hóa không hiểu vì sao Nhà nước Pháp khi đưa ra một số quyết định, lại giành ưu tiên cho Quỹ Di Sản.

Quỹ Di Sản tài trợ các dự án ở mức 500 triệu euro

Dù gì đi nữa, trong bản tổng kết công bố trong tuần qua, Quỹ Di Sản có thể tự hào là đã tham gia vào việc tài trợ cho khoảng 35.000 dự án lớn nhỏ khác nhau. Theo chủ tịch hiện thời Guillaume Poitrinal, hiện có khoảng 2.700 công trình và cơ sở đang cần được giúp đỡ khẩn cấp. Chỉ trong năm 2019, Quỹ Di Sản đã quyên góp được 102 triệu euro vốn tài trợ trực tiếp. Trong số 3.400 dự án đã được duyệt qua, có tới gần 65% đã được trùng tu xong. Chi phí bảo tồn các công trình lịch sử này, chỉ riêng về mặt sửa chữa và mua vật liệu xây cất lên tới 553 triệu euro.

Tầm hoạt động của ''Fondation du Patrimoine'' lại càng quan trọng từ năm 2017 trở đi, khi các cuộc xổ số gây quỹ bảo tồn di sản có thêm sự hợp tác của ngôi sao truyền hình Stéphane Bern, giúp cho trò chơi loto này càng trở nên quen thuộc gần gũi với công chúng. Việc bán vé xố số hiện chiếm tới 38% ngân sách của Quỹ Di Sản và nhờ vậy có thể tài trợ nhanh chóng hơn cho một số dự án ''khẩn cấp''. Trường hợp điển hình là vào giữa tháng Tư năm 2019, ngay sau khi có vụ hỏa hoạn lớn tại Nhà thờ Đức Bà Paris, tổ chức Fondation du Patrimone đã huy động quyên góp toàn dân Pháp. Kết quả là số tiền quyên góp đạt mức kỷ lục hơn 226 triệu euro, được thu thập chỉ trong vài ngày nhờ vào sự đóng góp của 236.000 cá nhân và hơn 600 công ty tài trợ, đỡ bớt phần nào ''gánh nặng'' về mặt phí tổn hầu tái thiết Nhà thờ Notre-Dame de Paris.

Trùng tu tư gia trước lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Pasteur

25 năm sau ngày ra đời, có thể nói là Quỹ Di Sản đang trên đà phát triển mạnh. Các nguồn vốn tài trợ tăng chậm mà đều (+9% vào năm 2020, và có thể đạt tới 11% trong năm nay). Tuy nhiên, Quỹ Di Sản vẫn đứng trước hai thách thức lớn, thứ nhất là không thể tăng thêm các cuộc xổ số ''di sản'' và như vậy phải đi tìm các nguồn kinh phí khác. Thứ nhì là giới tình nguyện viên (hơn 750 người) ngày càng già đi, buộc tổ chức này phải đi tìm một đội ngũ mới và trẻ hơn để thay thế trong tương lai gần.

Trong số các dự án quan trọng hàng đầu được công bố cho thời gian tới, có việc trùng tu dinh thự Saint-Hippolyte (còn có tên là Manoir de Pont-Mauvoisin) được xây cất vào thế kỷ XV ở vùng Normandie. Theo dự án, dinh thự này sẽ được sửa chữa để biến thành một bảo tàng hay thư viện. Ngoài ra, còn có dự án trùng tu khuôn viên và ngôi nhà riêng của nhà văn nổi tiếng Colette tại vùng Yonne, cách thành phố Auxerre vài chục cây số. Tư dinh của nhà văn Pierre Loti tại thành phố cảng Rochefort, còn được gọi là Bảo tàng thế giới bỏ túi, do được trang trí với muôn đồ vật được ông đêm về từ các chuyến hành trình viễn du, kể cả Tahiti, Sénégal, Nhật Bản hay Thổ Nhĩ Kỳ. Ngôi nhà của ông sẽ được trùng tu và chỉ mở lại đón khách vào năm 2023.

Dự án quan trọng hàng đầu vẫn là việc bảo tồn tư gia của nhà khoa học nổi tiếng trên khắp địa cầu Louis Pasteur. Tọa lạc ở thị trấn Arbois vùng Jura, cách thành phố Dole khoảng 30 cây số, ngôi nhà Pasteur bị bỏ trống từ nhiều năm qua. Quỹ Di Sản đã ngỏ lời kêu gọi quyên góp ở mức 350 ngàn euro để trùng tu căn nhà này thành một viện bảo tàng Pasteur. Thời gian sửa chữa có thể kéo dài trong nhiều tháng, nhưng buộc phải kết thúc vào mùa xuân năm tới, thời điểm khởi động chương trình sinh hoạt nhằm kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Louis Pasteur (1822-1895), được xếp vào hàng vĩ nhân không những của Pháp, mà còn của cả thế giới. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.