Vào nội dung chính
COVID - 19 - PHÁP

Covid 19: Pháp đứng trước nguy cơ tử vong tăng cao vì thiếu “giường hồi sức”

Tính đến hết ngày 04/04/2021, trên toàn nước Pháp số người chết vì Covid-19 đã lên đến 96.678 người, Với đà lây lan vẫn rất mạnh của virus hiện nay, ngưỡng biểu tượng 100.000 ca tử vong chẳng bao lâu nữa sẽ bị vượt qua, nhất là khi một số chuyên gia dự báo một làn sóng tử vong trong những tuần lễ tới đây do việc các khoa chăm sóc đặc biệt trong các bệnh viện tại Pháp đang trên đà bị bão hòa và số bệnh nhân nguy kịch không ngừng gia tăng.

Tại một phòng chăm sóc bệnh nhân covid, bệnh viên thành phố   Cambrai, miền bắc nước Pháp. Ảnh ngày 01/04/2021.
Tại một phòng chăm sóc bệnh nhân covid, bệnh viên thành phố Cambrai, miền bắc nước Pháp. Ảnh ngày 01/04/2021. REUTERS - PASCAL ROSSIGNOL
Quảng cáo

Nhật báo Pháp Le Monde ngày 01/04 vừa qua đã lên tiếng báo động về nguy cơ số tử vong vì Covid-19 tại Pháp tăng mạnh do tình trạng thiếu chỗ trong các khoa chăm sóc đặc biệt để tiếp nhận các bệnh nhân Covid càng lúc càng đông. Theo tờ báo, nhiều công trình nghiên cứu khoa học gần đây đã nêu bật mối liên quan chặt chẽ giữa một tỷ lệ tử vong cao hơn mức bình thường với tỷ lệ chiếm dụng các giường bệnh trong các khoa chăm sóc đặc biệt, còn được gọi là “hồi sức”. Các nghiên cứu đó đã được các bác sĩ và chuyên viên kỹ thuật trên hiện trường xác nhận.

Theo số liệu chính thức, tính đến ngày 04/04, tổng số bệnh nhân Covid trong các khoa chăm sóc đặc biệt tại Pháp đã vượt mức 5.300 người (chính xác là 5.341 người). Đây là một con số cao hơn nhiều so với mốc 4.000 bệnh nhân, từng được cho là mức báo động về tình trạng bão hòa của các cơ sở điều trị tích cực.

Theo Le Monde, nguy cơ một “làn sóng tử vong” vì Covid-19 không thể loại trừ, và các mô hình dự báo được công bố hạ tuần tháng Ba nhân cuộc họp của Ban Giám Đốc các bệnh viện Paris (AP-HP), thì vào ngày 22/04 tới đây, tại vùng Ile-de-France, tức Paris và ngoại ô, một trong những nơi bị dịch bệnh nặng nề nhất, từ 2.900 đến 4.000 bệnh nhân có nguy cơ phải vào điều trị trong các khoa chăm sóc đặc biệt.

Con số này thật đáng sợ vì vào lúc đợt dịch đầu tiên lên đến đỉnh cao cách nay một năm, con số này không vượt quá 2.700 người.

Để đối phó, các bệnh viện ở khu vực Ile-de-France đang bắt đầu mở thêm giường bệnh mới, nhưng chiến lược này có giới hạn, như một số công trình khoa học được công bố gần đây đã nêu bật.

Mối liên quan giữa tỷ lệ tử vong và tình trạng bão hòa của các khoa chăm sóc đặc biệt

Trong một nghiên cứu được công bố vào ngày 19/01 vừa qua trên tạp chí của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ đã xem xét cụ thể tiến triển của tỷ lệ tử vong tại bệnh viện trong tương quan với mức bão hòa của các khoa chăm sóc các ca bệnh nguy kịch.

Dựa trên một nhóm gồm 8.516 bệnh nhân, hầu hết là nam (94,1%), nhập viện tại 88 cơ sở do Cơ Quan Y Tế Cựu Chiến Binh quản lý từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2020, bản nghiên cứu kết luận rằng có một tỷ lệ tử vong cao hơn mức bình thường một cách rõ rệt, tương ứng với tỷ lệ chiếm dụng “giường hồi sức”.

Một cách cụ thể, những bệnh nhân được điều trị khi các khoa này hoạt động ở mức hơn 100% công suất quy định, có nguy cơ tử vong cao hơn 2,35 lần so với những bệnh nhân được điều trị khi tỷ lệ chiếm dụng thấp (dưới 25%).

Một nhóm nhà khoa học Anh cũng đi đến kết quả tương tự. Trong một nghiên cứu được công bố trước trên trang Medrxiv, dựa trên cứ liệu liên quan đến 6.686 bệnh nhân nhập viện ở Anh từ ngày 2 tháng 4 đến ngày 1 tháng 12 năm 2020, các nhà nghiên cứu Anh đã ước tính rằng một bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao hơn 18% khi tỷ lệ lấp đầy các phòng hồi sức vượt mức 85%, so với lúc tỷ lệ này chỉ là từ 45% đến 85%.

Kết luận của các nhà nghiên cứu Anh cũng giống như kết quả từ một nhóm nghiên cứu Bỉ, vào tháng 12 năm 2020, đã cho thấy nguy cơ tử vong cao hơn 42% trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt của nước này  khi chúng bị bão hòa.

Bản nghiên cứu của Viện Pasteur Pháp công bố ngày 21 tháng 3 vừa qua trên tạp chí The Lancet, cũng đưa ra kết luận tương tự. Dựa trên dữ liệu của một nhóm 198.846 trường hợp nhập viện (từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 30 tháng 11 năm 2020), các chuyên gia Pháp cũng nêu bật xác suất tử vong cao hơn ở những bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 khi các đơn vị chăm sóc đặc biệt bão hòa.

Những lý do dẫn đến hiện tượng tử vong cao

Theo ghi nhận của Le Monde, có nhiều cách giải thích cho những hiện tượng tử vong cao khi các cơ sở chăm sóc đặc biệt bị bão hòa: Không đủ số lượng người chăm sóc hoặc nhân viên không quen với việc chăm sóc các ca nguy kịch, khó khăn trong việc “điều chỉnh” liệu pháp đối với từng bệnh nhân, và tình trạng bác sĩ phải chọn bệnh nhân được “ưu tiên” chữa trị.

Về lý thuyết, số người chăm sóc phải phù hợp với số giường “hồi sức” được  mở ra: hai y tá cho năm bệnh nhân trong khoa chăm sóc đặc biệt, và tám bệnh nhân trong phòng chăm sóc thường xuyên.

Ông Alexandre Demoule, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris cho biết:  “Nếu chúng ta tôn trọng tỷ lệ này, chúng ta phải thành công trong việc chăm sóc bệnh nhân một cách đúng đắn”. Với một đội ngũ nhân viên không thay đổi, bộ phận của ông đã chỉ hoạt động được nhờ tăng ca và hoãn các ngày nghỉ. Vị bác sĩ thừa nhận: “Đó có thể là một nguồn gốc của sự mệt mỏi dẫn đến sai lầm” trong chữa trị.

Theo ông, nguy cơ chăm sóc kém hơn bình thường, đặc biệt khi việc mở thêm giường mới dẫn đến việc sử dụng những người chăm sóc ít hoặc không quen với việc hồi sức. “Trong trường hợp này, chúng tôi không thể loại trừ việc chất lượng chăm sóc giảm sút”.

Nicolas Van Grunderbeek, bác sĩ hồi sức ở Arras, vùng Pas-de-Calais phía bắc, khẳng định: “Khi sự chăm sóc bị giảm sụt, kết quả sẽ bị kém đi.” Ông nhấn mạnh: “Đối mặt với một căn bệnh nghiêm trọng và phức tạp như Covid, chúng ta cần nhiều người hơn để suy nghĩ về cách cá nhân hóa việc chăm sóc. Chúng tôi không thể làm y học dây chuyền”.

Vị Bác sĩ nhắc lại rằng “máy thở mà không có ai điều khiển chỉ vô dụng mà thôi”. Tại khoa của ông, gần 140 bệnh nhân đã được nhập viện trong tình trạng nguy kịch so với hơn 120 bệnh nhân vào lúc cao điểm của đợt đầu tiên.

Vấn đề phải chọn lọc bệnh nhân

Trong bối cảnh đó, các khoa hồi sức, chăm sóc tích cực không thể đón nhận tất cả các bệnh nhân nguy kịch, và vấn đề chữa ai, bỏ ai được đặt ra.

Theo Bác sĩ Nicolas Van Grunderbeek: “Chúng tôi buộc phải lựa chọn nhiều hơn, và xem xét lại các tiêu chí nhận bệnh của mình. Có rất nhiều điều không thể nói công khai về vấn đề này”.

Về số phận của những người bị từ chối, một số có thể vượt qua nguy khốn, nhưng một số khác sẽ chết đi mà không ai biết được là liệu họ có được cứu hay không nếu được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Các bác sĩ cũng nhắc lại tỷ lệ lấp đầy "100%" của các giường chăm sóc đặc biệt - hoặc thậm chí nhiều hơn - của bệnh nhân Covid-19 có nghĩa là phải hủy bỏ các chương trình khác để có thể mở đủ số giường cần thiết cho bệnh nhân Covid. Hậu quả, theo Bác sĩ Alexandre Demoule rất tai hại: “Khi chương trình điều trị bị hủy, bệnh nhân không được chăm sóc kịp thời và điều này có một cái giá về mặt sức khỏe cộng đồng”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.