Vào nội dung chính
Ý - PHÁP - VĂN HÓA

2020, năm của danh họa Raphaël

Nếu như trong năm 2019, Ý và Pháp đã tưởng niệm trọng thể 500 năm ngày giỗ của thiên tài Leonardo da Vinci thì năm 2020 được dành riêng cho danh họa Raphaël (tên tiếng Ý là Raffaello) do ông qua đời vào mùa xuân năm 1520, tức cách đây vừa đúng 5 thế kỷ.

Mặc dù có virus corona, nhưng triển lãm tại Roma về Raphael (Raffaello) đã bán hơn 50.000 vé
Mặc dù có virus corona, nhưng triển lãm tại Roma về Raphael (Raffaello) đã bán hơn 50.000 vé REUTERS/Remo Casilli
Quảng cáo

Cùng với Michel-Ange (Michelangelo) và Léonard de Vinci (Leonardo da Vinci), Raphaël được xem là bậc thầy vĩ đại của làng hội họa thời Phục Hưng. Sinh thời, ông đã là một nghệ sĩ nổi tiếng. Ra đi quá sớm vì bạo bệnh (ở tuổi 37) trước ngày lễ Phục Sinh, tên tuổi của Raphaël đi vào huyền thoại, các bức tranh của ông qua bao thế kỷ liền vẫn luôn được ngưỡng mộ, đến nỗi tác phẩm đi vào dòng văn hóa đại chúng từ lúc nào không hay.

Raphaël sinh trưởng tại Urbino, một thị trấn nhỏ nằm cách Bologna và Firenze khoảng 150 cây số về phía đông nam. Thời trẻ, ông đã từng dùng nghệ danh là Ubinas, để bày tỏ sự gắn bó lòng tôn kính của mình với nguyên quán cũng như với hai người thầy của ông đều là họa sĩ Ý nổi tiếng vào thế kỷ XV : Paolo Uccello và Piero della Francesca.

Tài năng được hai đức giáo hoàng ân sủng

Tuy là thị trấn nhỏ, nhưng Urbino cũng như thành phố Firenze (Florence), lại là một trong những chiếc nôi nghệ thuật của thời Phục hưng. Môi trường ấy rất thuận lợi trong việc đào tạo tay nghề của một họa sĩ có nhiều tham vọng. Tuổi trẻ tài cao, Raphaël có thêm cơ hội phát huy tài năng của mình khi về học vẽ với thầy là danh họa Pietro Perugino (Le Pérugin).

Khi đến lập nghiệp tại Florence, Raphaël đã từng có cơ hội tiếp xúc với Leonardo da Vinci (năm sinh 1452) và Michelangelo (1475), có thể xem như là hai bậc đàn anh do Raphaël nhỏ tuổi hơn rất nhiều (1483). Thế nhưng trong ba gương mặt này, Raphaël lại được xem như là tài năng có cơ hội tỏa sáng sớm nhất. Ông ký hợp đồng đầu tiên vào năm 17 tuổi, và chưa đầy 6 tháng sau, ông đứng đầu một xưởng vẽ nhờ sớm được đào tạo với nhiều thầy rất giỏi. Có người cho rằng trong các tên tuổi lớn thời Phục Hưng, Raphaël sinh sau mà lại về đầu.

Thật vậy, chỉ trong vòng vài năm, Raphaël đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong làng hội họa thời bấy giờ. Tuy mới 25 tuổi, nhưng ông lại được giáo hoàng Julius II giao trọng trách trang trí các gian phòng trong cung điện giáo hoàng ở tòa thánh Vatican và sau này được gọi là "thánh thất của Raphaël’’. Đức giáo hoàng Leo X (người kế vị Julius II) sau đó cũng đã ủy thác cho Raphaël việc xây dựng nhà thờ Thánh Phêrô với tư cách là kiến trúc sư. Tài năng của Raphaël lại càng đáng khâm phục vì sinh thời, ông đã được công nhận khá sớm như một tài năng xuất chúng. Cái chết đột ngột của ông ở tuổi 37 càng tạo thêm vầng hào quang bí ẩn mà lộng lẫy cho các bức kiệt tác của Raphaël, tạo thêm nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ phương Tây, nhiều thế kỷ sau ngày ông qua đời.

Các sinh hoạt lớn trong năm Raphaël

Khá nhiều họa sĩ lớn từng ca ngợi nét hài hòa tuyệt đối trong các bức tranh của ông. Danh họa Delacroix từng nói rằng : chỉ cần nghe cái tên của Raphaël, người ta đều nghĩ tới một trình độ thượng thừa nếu không nói là cao nhất trong làng hội họa. Còn danh họa Ingres bày tỏ sự ngưỡng mộ tuyệt đối của mình với Raphaël. Giới yêu hội họa có thể tìm thấy nét gần gũi cũng như sự đối đáp giữa các tác phẩm của danh họa Ingres và bậc thầy.

Nhân 500 năm ngày giỗ của Raphaël, Roma Luân Đôn hay Paris đều sẽ tổ chức nhiều cuộc triển lãm về danh họa thời Phục Hưng, cho dù bệnh dịch Covid-19 đang gây rất nhiều khó khăn cho các ban tổ chức trong việc duy trì các sinh hoạt thay vì đơn thuần hủy bỏ, do đã đầu tư rất nhiều. Sau Bảo tàng lịch sử Ambrosiana trực thuộc thư viện cùng tên tại thành phố Milano, đến phiên dinh thự Palazzo Ducale ở Urbino mở cuộc triển lãm quan trọng về Raphaël và thời Phục Hưng với hơn 80 tác phẩm được trưng bày.

Kể từ đầu tháng 3 cho tới tháng 6 năm 2020, thủ đô Roma cũng khai mạc chương trình sinh hoạt hoành tráng nhân năm Raphaël, riêng cuộc triển lãm ‘‘Raffaello’’ tại Viện bảo tàng Di sản Scuderie del Quirinale đối diện với Dinh tổng thống tập hợp hơn 200 tác phẩm đủ loại, trong đó có các bức vẽ phác thảo cho các bức bích họa trưng bày tại thư phòng tòa thánh Vatican. Bức kiệt tác khổ lớn này có từ 5 thế kỷ và lần đầu tiên được trưng bày cho công chúng sau hơn bốn năm trùng tu.

Bộ sưu tập tranh Raphaël của Pháp

Sau Ý, nước Pháp cũng sẽ tham gia vào năm Raphaël trước hết vì bảo tàng Louvre hiện nắm giữ một trong những bộ sưu tập tranh và bản vẽ của Raphaël quan trọng nhất trên thế giới, tính tổng cộng là 14 bức nguyên tác khổ lớn cộng thêm nhiều bản phác họa khác, trong đó có các bức vẽ chân dung như "Castiglione", "Tranh tự họa với một người bạn" hay là hoàng hậu "Marguerite de Naples", các bức tranh với chủ đề tôn giáo như "Vương miện xanh của Đức Mẹ Đồng Trinh", "Thánh Jean-Baptiste giữa sa mạc" hay tranh vẽ về điển tích các Thánh Georges, Thánh Marguerite hay Thánh Michel. Viện bảo tàng Strasbourg cũng như Bảo tàng Condé ở Chantilly cũng khá phong phú, với nhiều bức tranh sưu tầm, nổi tiếng nhất là bức "Les Trois Grâces".

Có một điều mà đa số các du khách có thể chưa biết là khi họ đến thăm Roma và mua quà lưu niệm, có rất nhiều món quà tạc hình các vị thiên thần nho nhỏ xinh xắn với khuôn mặt bụ bẫm. Những thiên thần tí hon ấy thật ra là một chi tiết của bức tranh ‘‘Đức Mẹ Sistina’’ (La Madone Sixtine vẽ vào năm 1513) nay hiện diện ở khắp nơi, in trên áo thun, ô dù, chén đĩa, tách trà, hộp bút chì, vỏ điện thoại di động hay nam châm dán trên tủ lạnh ….. hình tượng này của Raphael đã trở nên nổi tiếng không thua gì bức La Joconde (Mona Lisa) của Léonard de Vinci hay là bức bích họa Thiên Chúa tạo người đàn ông đầu tiên trên vòm nhà nguyện Sistina của thiên tài Michel-Ange.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.