Vào nội dung chính
DÂN CHỦ - Ả RẬP XÊ ÚT

Ả Rập Xê Út : Lần đầu tiên phụ nữ được đi bầu

Ả Rập Xê Út đang trải qua một thời điểm quan trọng trong lịch sử của nước này. Ngày 12/12/2015, lần đầu tiên, phụ nữ có quyền đi bầu và có quyền ứng cử tại các cuộc bầu cử địa phương. Tổng cộng có 900 phụ nữ Ả Rập Xê Út ra tranh cử vào 284 hội đồng địa phương trên toàn lãnh thổ, cùng với 6000 nam ứng cử viên.

Hai phụ nữ Ả Rập Xê Út đăng ký danh sách bầu cử, Djeddah, ngày 30/08/2015.
Hai phụ nữ Ả Rập Xê Út đăng ký danh sách bầu cử, Djeddah, ngày 30/08/2015. AFP PHOTO / STR
Quảng cáo

Cuộc bỏ phiếu lần này đánh dấu một bước tiến quan trọng tại quốc gia bảo thủ, thường xuyên bị chỉ trích vì không tôn trọng nhân quyền và đặc biệt là quyền của phụ nữ.

Từ Riyad, đặc phái viên RFI Nicolas Falez tường trình :

« Haifa Al Bakr là một nữ ứng cử viên tại khu vực bỏ phiếu thứ năm ở thủ đô Riyad. Đây là một khu dân cư mới, nơi nữ chuyên gia dinh dưỡng này ra tranh cử với chương trình quy hoạch và tạo thêm nhiều dịch vụ phúc lợi cho người dân.

Khi được hỏi liệu bà có nghĩ là chỉ có phụ nữ mới bỏ phiếu cho bà không. Bà trả lời : Tôi nghĩ là có cả đàn ông và phụ nữ. Vì các thế hệ mới muốn có sự thay đổi và kết quả. Mọi người đều hỏi chương trình tranh cử của tôi như thế nào? Cử tri giờ không còn bầu theo tên của ứng cử viên mà theo chương trình của họ. Những người đi bầu đặt câu hỏi : Ông hay bà làm gì cho khu vực nơi họ sống? Có nghĩa là họ muốn chúng tôi phải làm được điều gì khác biệt. Như vậy tốt cho cả Ả Rập Xê Út.

Haifa vừa là ứng cử viên, vừa là cử tri lần đầu tiên trong đời. Cậu con trai Abdelrahman của bà cũng được đi bầu lần đầu tiên. Chàng thanh niên năm nay 18 tuổi hiểu rõ rằng không phải ai cũng tán đồng quyền bầu cử của phụ nữ tại Ả Rập Xê Út.

Anh nói: Có rất nhiều người chưa sẵn sàng chấp nhận điều này. Họ nói rằng phụ nữ không được phép lái xe, không được có quyền nào, hay phụ nữ không được ra khỏi nhà nếu không có một người đàn ông đi kèm… Nhưng tất cả các quan niệm này hoàn toàn bất công. Phụ nữ phải được bình quyền với nam giới. Họ có quyền được tự do đi lại. Họ phải được hưởng quyền bầu cử và họ phải được thực hiện mọi quyền của mình ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.