Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HẢI QUÂN

Trung Quốc sẽ điều tầu chiến đến Cam Bốt, khiến Mỹ thêm quan ngại

Hai tầu chiến Trung Quốc sẽ đến Cam Bốt và Đông Timor trong khoảng nửa đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 tới, theo thông báo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm nay, 09/05/2024. Hoạt động này sẽ khiến Hoa Kỳ thêm quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở căn cứ hải quân miền nam Cam Bốt.

This satellite photo taken by Planet Labs PBC shows two Chinese corvettes docked at the Ream Naval Base on the Gulf of Thailand on Wednesday, May 8, 2024. Cambodia's Defense Ministry insisted Wednesda
Ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC chụp cho thấy hai tàu hộ tống Trung Quốc neo đậu căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt trong Vịnh Thái Lan, ngày 08/05/2024. AP
Quảng cáo

Theo kế hoạch, tàu huấn luyện hải quân Thích Kế Quang (Qijiguang) và tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) sẽ tham gia huấn luyện với học viên hải quân tại hai nước Cam Bốt và Đông Timor để "tăng cường sự tin cậy lẫn nhau".

Tàu Tỉnh Cương Sơn có khả năng chứa nhiều tàu đổ bộ loại nhỏ, máy bay trực thăng, xe bọc thép và khoảng 1.000 quân nhân. Tàu Thích Kế Quang là tầu huấn luyện quân sự có công nghệ tiên tiến nhất của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong thông cáo hôm nay, bộ Quốc Phòng Trung Quốc không nêu rõ địa điểm neo đậu của hai tầu.

Theo Reuters, chuyến thăm của hai tàu nói trên có thể sẽ khiến Hoa Kỳ thêm lo ngại về sự hiện diện của Trung Quốc ở quân cảng Ream, được Trung Quốc tài trợ mở rộng vào tháng 06/2022. Hai chiến hạm khác, có thể là tàu hộ tống hoặc tàu khu trục của Trung Quốc, đã neo đậu tại căn cứ Ream từ tháng 12/2023. Ngày 08/05, bộ Quốc Phòng Cam Bốt trấn an là sự hiện diện của hai tàu này không đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc triển khai thường trực ở Cam Bốt.

Căn cứ Ream từng là khu vực huấn luyện hải quân chung giữa Mỹ và Cam Bốt. Tuy nhiên, tháng 10/2020, chính phủ Phnom Penh cho phá dỡ cơ sở được Hoa Kỳ xây trước đó ở Ream. Washington lo rằng căn cứ Ream ở tỉnh Sihanoukville, có vị trí chiến lược bên bờ vịnh Thái Lan, trở thành tiền đồn của Trung Quốc tại khu vực nam Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền đến 80%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.