Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN

Seoul tố cáo Bình Nhưỡng âm mưu tấn công các tòa đại sứ Hàn Quốc

Chính quyền Hàn Quốc ngày 03/05/2024 cáo buộc Bắc Triều Tiên có âm mưu tấn công « khủng bố » nhắm vào các tòa đại sứ và công dân Hàn Quốc ở nước ngoài, đồng thời nâng mức báo động đối với các phái bộ ngoại giao tại năm nước.

Ảnh minh họa : Một tấm biển Bắc Triều Tiên trên tấm bản đồ tại đài quan sát thống nhất ở Paju, Hàn Quốc, ngày 22/11/2023.
Ảnh minh họa : Một tấm biển Bắc Triều Tiên trên tấm bản đồ tại đài quan sát thống nhất ở Paju, Hàn Quốc, ngày 22/11/2023. AP - Lee Jin-man
Quảng cáo

Trong thông cáo, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Hàn Quốc cho biết đã « phát hiện có những dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị tấn công khủng bố nhắm vào nhân viên các tòa đại sứ hay công dân Hàn Quốc tại nhiều nước », chủ yếu tại Trung Quốc, Đông Nam Á và Trung Đông.

Hôm qua, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc thông báo nâng mức báo động chống khủng bố đối với các tòa đại sứ của nước này ở Cam Bốt, Lào, Việt Nam cũng như các tòa lãnh sự ở Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc và ở Vladivostok, miền Viễn Đông Nga. Đây cũng là những nước Bắc Triều Tiên có đại diện ngoại giao.

Theo NIS, « Bắc Triều Tiên đã gởi nhiều nhân viên đến những nước này nhằm gia tăng hoạt động theo dõi các đại sứ quán Hàn Quốc và thực hiện các hoạt động chuyên biệt như truy tìm những công dân Hàn Quốc nào có thể trở thành mục tiêu tiềm tàng » cho các hành động khủng bố.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc đánh giá mối đe dọa này của Bình Nhưỡng dường như có liên quan đến một đợt đào tẩu của nhiều công dân Bắc Triều Tiên bị mắc kẹt ở nước ngoài trong thời gian đại dịch Covid-19, và những người này đã tìm mọi cách để tránh không trở về nước vào lúc chế độ đã cho mở cửa biên giới trở lại.

Đại dịch chấm dứt, Bình Nhưỡng rộng tay hành động

Bộ Thống Nhất Hàn Quốc gần đây cho biết trong năm 2023, tổng cộng có 196 người Bắc Triều Tiên đào thoát đến Hàn Quốc, mức cao nhất tính từ năm 2017, trong số này có khoảng một chục người thuộc tầng lớp tinh hoa, như các nhà ngoại giao cùng với gia đình họ.

AFP nhắc lại, hành động đào tẩu là một tội nghiêm trọng tại Bắc Triều Tiên, và bị trừng phạt rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, khi đến sống ở nước ngoài, « những người Bắc Triều Tiên này có thể gởi con cái đến học tại những trường bình thường, do đó tránh được nền giáo dục tuyên truyền và việc phải thường xuyên tuân theo chế độ », theo như giải thích của Ahn Chan Il, một người đào thoát và hiện đang điều hành Viện Nghiên cứu Triều Tiên Toàn cầu.

Cũng theo vị chuyên gia này, « các nhà ngoại giao và đặc vụ Bắc Triều Tiên tại nhiệm ở nước ngoài liên tục phải chịu những áp lực thô bạo từ Bình Nhưỡng để đối phó với nạn đào tẩu của những công dân ưu tú ở nước ngoài. Không thể loại trừ khả năng xảy ra một vụ tấn công nhắm vào công dân Hàn Quốc ở nước ngoài ».

Lee Man Jong, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Khủng bố của Hàn Quốc nhận định, mối đe dọa này là có thể do « đại dịch kết thúc ,nên nhân viên tình báo Bắc Triều Tiên, trước đây bị giữ chân trong nước, có thể đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài, cùng lúc công dân Hàn Quốc cũng có thể được đi du lịch mà không chịu những hạn chế nào ».

Những tiền lệ

AFP nhắc lại, một cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên nhắm vào người Hàn Quốc ở nước ngoài không phải là điều mới mẻ. Năm 1996, Bình Nhưỡng bị nghi ngờ đứng sau vụ đầu độc lãnh sự và cũng là nhân viên tình báo Choi Duk Keun ở Vladivostok, đang điều tra các hoạt động bất hợp pháp của Bắc Triều Tiên ở vùng Viễn Đông của Nga như buôn thuốc phiện và tiền giả.

Tháng 11/1987, một quả bom do tình báo Bắc Triều Tiên cài đã làm nổ tung một phi cơ của hãng Korean Air đang bay từ Baghdad về Seoul, giết chết 115 hành khách, phần đông là công dân Hàn Quốc.

Trước đó 4 năm, tháng 10/1983, ba nhân viên tình báo Bắc Triều Tiên đã cho cho nổ một quả bom ở Rangun, Miến Điện, trong chuyến thăm của tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Chun Doo Hwan. Vị tổng thống này may mắn sống sót, nhưng 21 người khác, phần lớn là các bộ trưởng, đã thiệt mạng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.