Vào nội dung chính
PHÁP- VIỆT NAM

Pháp giúp Việt Nam chống biến đổi khí hậu

Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về khí hậu COP21 Paris, Cơ quan Phát triển Pháp AFD giới thiệu về một số các hoạt động hỗ trợ các nước chậm phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. AFD nhấn mạnh đến hai dự án được thực hiện tại Đà Nẵng và Cần Thơ. RFI phỏng vấn bà Alix Françoise, chủ nhiệm quỹ hỗ trợ đầu tư Cơ quan Phát triển Pháp.

Nguồn AFD
Quảng cáo

06:35

Alix Françoise, chủ nhiệm quỹ đầu tư phát triển của AFD- Agence Française de Développement.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên nhận được tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp AFD. Cơ quan này hợp tác xây dựng với các cơ quan chính phủ Việt Nam cho giai đoạn 2013-2015, tập trung vào ba hướng : phát triển đô thị, hiện đại hóa khu vực sản xuất có tác động đến môi trường và xã hội, hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trả lời đài RFI qua điện thoại, chủ nhiệm quỹ hỗ trợ đầu tư AFD, bà Alix Françoise đầu tiên giải thích vì sao Cơ quan này của Pháp đã chọn giới thiệu công trình tại Đà Nẵng và Cần Thơ trong khuôn khổ Hội nghị khí hậu tại Le Bourget : 

Alix Françoise : "Tiến trình đô thị hóa tại Việt Nam hiện đang phát triển rất nhanh, đặc biệt là tại hai thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn. Do vậy Việt Nam cần mở rộng những thành phố có tầm cỡ kém phát triển hơn như là Đà Nẵng ở miền Trung hay Cần Thơ trong vùng đồng bằng sông Mêkông. Thể theo yêu cầu của chính quyền thành phố, AFD cấp tín dụng cho các chương trình phát triển bền vững.

Đối với Cần Thơ và Đà Nãng, Cơ quan Phát triển Pháp đã đặc biệt chú ý đến yếu tố khí hậu. Cả hai thành phố này đều có những quỹ đầu tư, trên cơ sở đó AFD hỗ trợ tín dụng cho mỗi quỹ 10 triệu euro. Chương trình được thực sự khởi động từ năm 2012. Một cách cụ thể hơn, tại Đà Nẵng chúng tôi đã đồng ý tài trợ để phát triển hệ thống cung cấp điện lực cho thành phố. AFD cũng đã hỗ trợ dự án xây dựng một trung tâm lọc chất thải tại khu công nghiệp của thành phố, hỗ trợ hiện đại hóa khu vực sản xuất … Tất cả những dự án đó đều được quyết định trên cơ sở giúp đỡ các thành phố liên quan đối phó với biến đổi khí hậu. Nhưng thực ra yếu tố khí hậu chỉ là một trong những tiêu chí của cả một chiến lược hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững.

Mỗi dự án như vậy được AFD cấp vốn tín dụng khoảng từ 500.000 đến 2 triệu euro là tối đa. Bên cạnh việc hỗ trợ tài chính thì Cơ quan Phát triển Pháp còn giúp đỡ Việt Nam trong việc nghiên cứu, kỹ thuật, các dự án phát triển bền vững. Đây hoàn toàn là một khoản tặng không. Tôi xin nhấn mạnh là các hoạt động của AFD ở Việt Nam không chỉ thu gọn trong lĩnh vực môi trường, hay khí hậu mà chúng tôi nhìn rộng hơn đến cả các vấn đề xã hội, và phát triển đô thị … mà Việt Nam đang phải đối mặt".

RFI : Tại Hội nghị COP21, AFD đã nhấn mạnh đến những đóng góp nào tại Việt Nam vì môi trường ?

Alix Françoise : "Cụ thể là chúng tôi đã tài trợ cho chương trình mở rộng mạng lưới điện lực của thành phố Đà Nẵng, giảm lượng than, qua đó giảm thiểu lượng thải khí carbon làm hâm nóng trái đất. Thế rồi chúng tôi cũng chú ý đến việc chôn dây cáp điện xuống lòng đất, bảo đảm được an toàn cho dân cư trong vùng hơn trước thiên tai, như bão, lụt . Bên cạnh đó chúng tôi cũng phải quan tâm tới các chương trình tài trợ xây dựng hệ thống lọc nước thải để bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch cho dân cư thành phố Đà Nẵng. Qua đây giúp thành phố này giải quyết luôn một số vấn đề như y tế, vệ sinh... Một yếu tố khác được chúng tôi quan tâm là việc di dời hay bảo vệ một số các khu nhà ở của dân cư địa phương đến các vùng an toàn hơn, ít có khả năng bị bão lụt hơn".

Về mặt tài chính, AFD hỗ trợ Việt Nam dưới dạng nào ?

Alix Françoise : Trên thực tế, sau ba năm được khởi động, cả hai chương trình của AFD ở Cần Thơ và Đà Nẵng đều triến triển rất tốt, trong nhiều lĩnh vực từ dự án xây dựng hệ thống diện lực đến các chương trình xây nhà xã hội ở cả đồng bằng sông Mêkông lẫn miền Trung Việt Nam. Tôi cũng xin lưu ý ở đây là Việt Nam từ năm 2012 đến nay đã có nhiều thay đổi và ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những thách thức do môi trường và khí hậu đặt ra.

Nhiệm vụ của AFD là cùng với Việt Nam để vượt qua những thử thách đó. Khâu cố vấn kỹ thuật chiếm một vị trí quan trọng trong hợp tác giữa AFD với phía Việt Nam. Để trả lời câu hỏi AFD hỗ trợ tài chính dưới dạng nào thì : không chỉ với Đà Nãng, Cần Thơ mà với tất cả mọi hoạt động của chúng tôi ở Việt Nam, AFD luôn phối hợp với các chính quyền thành phố, xem xét các dự án phát triển và những dự án đó phải đem về lợi nhuận sau này. Bởi vì các dự án đầu tư phát triển vào hạ tầng cơ sở được tài trợ nhờ vốn đi vay. AFD cấp tín dụng cho các quỹ đầu tư của thành phố, tức là chúng tôi cho thành phố Đà Nẵng và Cần Thơ vay vốn với những điều khoản khá thuận lợi : lãi suất thấp, và tín dụng được cấp trong thời hạn từ 3 đến 15 năm".

Thế bước kế tiếp của AFD tại Việt Nam là gì ?

Alix Françoise : « Hoạt động của AFD cho hai khu vực Đà Nẵng, Cần Thơ bước vào giai đoạn cuối, chương trình sẽ kết thúc vào năm 2016. Từ nay tới đó chúng tôi phải kiểm tra xem dự án đã được thực hiện tới đâu, hiệu quả tới mức độ nào và có đem lại những kết quả mong muốn trước các mục tiêu phát triển đô thị, bảo vệ môi trường … hay không. Cơ quan Phát triển Pháp ngày càng nhận được nhiều đơn từ phía các thành phố ở Việt Nam yêu cầu được hỗ trợ. AFD đang triển khai những dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai và Nha Trang".

RFI xin cảm ơn bà Alix Françoise, chủ nhiệm chương trình phát triển và đầu tư, Cơ quan Phát triển Pháp AFD.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.