Vào nội dung chính
VIỆT NAM - TRUNG QUỐC - ASEAN

Diễn đàn Kinh tế ASEAN : Trung Quốc đả kích bảo hộ mậu dịch

Tại Diễn đàn Kinh tế ASEAN tổ chức tại Hà Nội, hôm nay 12/09/2018 phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) cho rằng các biện pháp bảo hộ mậu dịch là « mối nguy hiểm lớn ». Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang vất vả đối phó với cuộc chiến tranh thương mại do Washington khởi xướng.

Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa phát biểu trong phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế ASEAN tại Hà Nội ngày 12/09/2018. September 12, 2018.
Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa phát biểu trong phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế ASEAN tại Hà Nội ngày 12/09/2018. September 12, 2018. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Theo ông Hồ Xuân Hoa, « các biện pháp bảo hộ đơn phương của một số nước làm phương hại nặng nề đến hệ thống thương mại đa phương (…), gây nguy hiểm rất lớn cho nền kinh tế thế giới ». Cũng theo phó thủ tướng Trung Quốc, « chủ nghĩa cô lập sẽ không đi đến đâu, chỉ có mở cửa với tất cả các nước mới là con đường tốt đẹp ».

Lời đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump là sẽ đánh thuế 25% trên 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc, có thể trong tháng Chín này, đang là trung tâm chú ý của hội nghị quy tụ các nhà lãnh đạo và chủ doanh nghiệp châu Á diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13/9.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được theo dõi sát sao tại Đông Nam Á. AFP dẫn lời chuyên gia của văn phòng luật sư Baker McKenzie tại Việt Nam nhận định, các nước như Việt Nam và Cam Bốt vốn dựa vào xuất khẩu, có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến này.

Nhiều công ty Trung Quốc đã di dời sản xuất sang các nước khác trong khu vực để né tránh thuế quan của Mỹ. Trước đó không ít nhà máy Trung Quốc đã chuyển dịch sang Đông Nam Á do giá nhân công Hoa lục tăng lên.

Trong khi đó tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde hôm qua lo ngại chiến tranh thương mại sẽ gây thiệt hại cho một số quốc gia mới nổi, đặc biệt là Achentina và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng tại Diễn đàn, tuy Trung Quốc cố gắng lôi kéo đồng minh, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vẫn nói rằng không chắc có thể đạt được một thỏa thuận về RCEP trong năm nay. Đây là hiệp định tự do mậu dịch giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, do Bắc Kinh khởi xướng ; được cho là nhằm thay thế hiệp định TPP trong đó Trung Quốc bị đứng ngoài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.