Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Đức giáo hoàng phê chuẩn Tự sắc cập nhật việc bài trừ nạn lạm dụng tính dục

Đăng ngày:

Ngày thứ bảy 25-03-2023, đức giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn Tự sắc về việc bài trừ nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội sau gần bốn năm áp dụng thử nghiệm.

Ảnh minh họa: Giáo hoàng Phanxicô trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ AP ngày 24/01/2023 tại Vatican.
Ảnh minh họa: Giáo hoàng Phanxicô trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ AP ngày 24/01/2023 tại Vatican. AP - Andrew Medichini
Quảng cáo

Tự sắc mang tựa đề “Vos estis lux mundi”, Các con là ánh sáng thế gian, dài 10 trang. Sau phần dẫn nhập, được chia làm hai thiên với tổng cộng 19 điều khoản. Thiên thứ I gồm 5 điều khoản trình bày những quy định tổng quát, và thiên thứ II liệt kê trong 14 điều khoản những quy định liên quan đến các giám mục và các vị tương đương. Văn kiện pháp lý này được công bố lần đầu tiên ngày 09 tháng Năm năm 2019 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng Sáu mang tính chất thử nghiệm. Còn Tự sắc cập nhật này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30 tháng Tư.

Từ Bỉ, linh mục Phạm Hoàng Dũng giải thích rõ về những thay đổi trong tự sắc mới.

**********

Bản văn ngày 09 tháng năm 2019

Tự sắc “Vos estis lux mundi”, Các con là ánh sáng thếgian, công bố hồi tháng năm 2019 mang tính thử nghiệm, nhưng đã được đánh giá là một bước tiến bộ to lớn, có thể nói cách mạng trong Giáo hội Công giáo khi thẳng thắn đấu tranh chống lại việc lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ. Cách mạng, vì đây không chỉ là văn bản mang tính pháp lý cụ thể đối với những hành vi lạm dụng tình dục của các giáo sĩ.

Mà còn vì Giáo hội qua trung gian đức giáo hoàng Phanxicô đã gọi đích danh những hành vi lạm dụng này mang tính tội phạm “những tội ác lạm dụng tình dục chống lại Thiên Chúa, gây nên những thiệt hại về mặt thể chất, tâm lý và tinh thần đối với các nạn nhân, và làm tổn hại đến cộng đoàn các tín hữu”. Và vì thế những người có trách nhiệm trong Giáo hội (tức là các giám mục) và trong các cộng đoàn tu trì (các bề trên) phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm và nếu không có những việc làm cụ thể họ sẽ phải chịu những trách nhiệm do sự bao che. Tức là thay vì bảo vệ nạn nhân lại đi che giấu tội phạm.

Bản văn đã mở rộng định nghĩa đối tượng là nạn nhân của các vụ lạm dụng. Đó là những người dễ bị tổn thương – personnes vulnérable. Tức là mở rộng đối tượng không chỉ là những trẻ vị thành niên (nam hay nữ) mà cả những người trưởng thành không có khả năng tự vệ như những người thiểu năng về thể chất hay tâm thần. Cụ thể hơn là chúng ta sẽ không còn thấy dùng những từ ngữ ấu dâm (pédophile) cho những vụ việc hay các văn bản mà thấy nhiều hơn cách dùng từ “lạm dụng tình dục – abus sessuel”. Khi thay đổi từ ngữ như vậy sẽ kéo theo nhiều hệ quả mà ta sẽ thấy trong bản văn cập nhật sau 4 năm thử nghiệm.

Mặt khác, theo văn bản này, các giáo phận và các dòng tu phải có những nơi và nhân sự sẵn sàng lắng nghe và tiếp đón những nạn nhân của các vụ việc lạm dụng gây nên bởi các giáo sĩ và có những bước giải quyết vụ việc cụ thể tuân theo Giáo Luật (luật đạo) và Luật Hình sự (luật đời) của nước sở tại. Tuy nhiên, vẫn luôn tuân theo nguyên tắc là khi Toà án (đạo hay đời) chưa tuyên bố có tội thì đương sự vẫn vô tội. Và một khi hồ sơ được mở ra thì sau 30 ngày phải có thông báo về Toà Thánh và sau 90 ngày phải có kết quả điều tra báo cáo về các bộ ngành liên quan ở Toà Thánh, chẳng hạn Bộ Giáo Lý Đức Tin, hay Bộ Tu sĩ.

Với công cụ pháp lý này, đức giáo hoàng Phanxicô và Giáo hội Công giáo đã có bước tiến cụ thể trong cuộc chiến chống lại những vụ lạm dụng. “Để những hiện tượng này, dưới mọi hình thức, không còn có thể xảy ra, thì phải có sự hoán cải liên tục và tự tận đáy lòng, được xác nhận bằng những hành động cụ thể và hiệu quả mà nó liên quan đến từng người trong Giáo hội”.

Những thay đổi liên quan

Như đã biết, trong thời gian qua, Giáo hội đã có những thay đổi nhằm thích ứng với sự ra đời của văn bản này.Thứ nhất, đó là xem xét lại tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela (2021). Đây là văn bản công nhận tính chất hợp pháp và đúng đắn của các thay đổi do tự sắc này gây ra về mặt bí tích, nhất là bí tích giải tội hay bí tích thánh thể.  

Tiếp đến là những thay đổi trong cuốn VI của Bộ Giáo Luật (mà tôi đã có nói đến trong một chương trình trước đây). Đây là phần Giáo luật nói đến những hình phạt và cách thức thi hành. Với thay đổi này, thì những người có hành vi lạm dụng tình dục thì lập tức bị cắt phép thông công ngay tức thì chứ không phải chờ đến khi có tuyên bố có tội sau một quá trình điều tra. Hay những người này phải chịu trừng phạt về hình luật cả theo luật đạo và luật đời. Chứ không đơn thuần chịu một hình thức phạt lấy lệ (mà tiếng nhà đạo gọi là vạ).

Và cuối cùng là Tông hiến về Giáo triều Roma, Praedicate Evangelium, năm 2022. Với Tông hiến này, Giáo triều Roma được thay đổi mà Uỷ ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên (Commission Pontificale pour la Protection des Mineurs – Tutela Minorum) được thành lập và là thành phần của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tuy nhiên, Uỷ Ban này lại hoạt động độc lập và tự trị (indipendenza e autonomia) đối với Bộ Giáo Lý Đức Tin và trực thuộc giáo hoàng. Uỷ ban này liên hệ trực tiếp với các hội đồng giám mục các nước và các hội đồng giám mục này phải có báo cáo hàng năm cho uỷ ban này.

Điều mới mẻ của bản văn ngày 25/03/2023

Trong Tự sắc, đức thánh cha thiết định các quy luật và thủ tục về việc trình báo những vụ xách nhiễu và bạo hành tính dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, đồng thời cũng đảm bảo sao cho các giám mục và các Bề trên dòng tường trình trách nhiệm về hoạt động của các vị. Tự sắc ấn định nghĩa vụ buộc các giáo sĩ và tu sĩ phải trình báo các vụ lạm dụng. Mỗi giáo phận phải có một hệ thống có thể được dân chúng lui tới, liên lạc dễ dàng để đón nhận những lời tố giác lạm dụng.

Điểm mới nhất trong Tự sắc cập nhật là: ngoài các giám mục và bề trên dòng, nay cả các giáo dân điều hành các hiệp hội quốc tế các giáo dân được Tòa Thánh nhìn nhận, cũng có trách nhiệm trong lãnh vực này, giống như các giám mục và bề trên dòng.

Tự sắc cập nhật củng cố những quy luật về việc giữ thanh danh và lãnh vực riêng tư của tất cả những người liên hệ, và người bị điều tra phải được coi là vô tội, trong khi chờ đợi xác nhận trách nhiệm của họ khi bị cáo buộc.

Ngoài ra, Tự sắc tiếp tục nói về những vụ xách nhiễu và bạo hành tính dục, không những trên các trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương, nhưng cả những vụ bạo hành và xách nhiễu tình dục như kết quả của sự lạm dụng quyền bính. Vì thế, điều này cũng bao gồm cả trường hợp giáo sĩ bạo hành tình dục các nữ tu, các chủng sinh và các tập sinh đã trưởng thành.

Tự sắc coi những thái độ che đậy, như một loại hành động đặc thù, hệ tại “hành động hoặc bỏ sót nhắm can thiệp vào hoặc tránh né những cuộc điều tra dân sự hoặc điều tra theo giáo luật, hành chánh hoặc hình luật, đối với một giáo sĩ hay một tu sĩ về các tội ác “lạm dụng tính dục”. Đây là trường hợp những người có vị thế trách nhiệm đặc thù trong Giáo hội, thay vì truy tố những lạm dụng do người khác phạm, thì lại che giấu, bao che kẻ bị coi là có tội, thay vì bảo vệ các nạn nhân.

Tự sắc minh xác rằng nghĩa vụ tiến hành cuộc điều tra khi có những tố giác là của giám mục tại nơi xảy ra những vụ được tố giác.

Những kết quả và mong chờ

Trong buổi họp báo công bố bản văn này, Hồng y Charles J. Scicluna, tổng giám mục Malta, Phó thư ký Bộ Giáo Lý Đức Tin, đánh giá Tự sắc này như một luật phổ quát (una loi universelle). Vì từ nay, đã có những trình tự để thi hành các bản án đối với các đối tượng dù là giáo sĩ hay là nguời giáo dân.

Như đã thấy cụ thể trong năm vừa qua, Hàng giám mục Pháp đã phải xin lỗi và tiến hành bồi thường cho các nạn nhân bị lạm dụng bởi hàng giáo sĩ tại Pháp. Trong khoá họp mùa xuân của Hội đồng giám mục Pháp trong năm nay từ ngày 28 – 31 tháng ba, tại Lộ Đức. Hội đồng giám mục đã thông qua 60 điểm liên quan đến việc chống lại việc lạm dụng này trong bối cảnh của nước Pháp. Đây luôn là đề tài nóng hổi của Giáo hội Pháp.

Hội đồng Giám mục Việt Nam, tại Hội nghị thường niên kỳ I năm 2023, tiến hành từ chiều thứ Hai ngày 17/4/2023 đến thứ Sáu ngày 21/4/2023, tại Tòa Giám mục giáo phận Vinh, đã thảo luận về Tự sắc này, và đã thành lập tiểu ban soạn thảo Các Qui tắc Đạo đức Ứng xử trong Mục vụ để áp dụng tại Giáo Hội Việt Nam. 

Gần đây, Hai vị giáo hoàng sau cùng, đức Benedetto XVI và đức thánh Gioan Phaolo II, đều được nhắc đến trách nhiệm trong quá khứ. Nhưng sau đó tư pháp đã bãi bỏ ở Đức và Ba Lan. Vì một hành vi mang tính lạm dụng thì rất phức tạp để đánh giá. Nó cần đến những chuyên gia thuộc nhiều lãnh vực. Chứ không đơn thuần dựa trên lời khai của nạn nhân.

Tự sắc cũng mới chỉ là bước khởi đầu cho tiến trình chống lại tệ nạn trong lòng Giáo hội. Nó cũng cần được hoàn thiện với thời gian. Mà sau 4 năm thử nghiệm đã cho thấy những thay đổi phải thực hiện. Vào ngày 29 tháng ba, Linh mục Hans Zollner, một thành viên và một chuyên gia uy tín của ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên chống lạm dụng tình dục đã từ chức khỏi uỷ ban này. Lý do của việc từ chức này là đã có những bất đồng nội bộ và những chồng chéo trong tổ chức, những bất cập giữa uỷ ban và Bộ Giáo Lý Đức Tin. Và đã có sự thiếu minh bạch trong tiến trình lựa chọn của các thành viên dẫn đến những quyết định thiếu quyết của uỷ ban. Cũng như không minh bạch về thu chi tài chánh.

Như vậy, tuy đã có sự khởi đầu tốt đẹp, nhưng con đường dài và chông gai còn phải đi trong cuộc chiến chống lại nạn lạm dụng tình dục trong lòng Giáo hội Công giáo vì vẫn còn nhiều việc phải làm và đòi hỏi nhiều hơn nữa những đổi mới thích ứng với sự thay đổi của xã hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.