Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hình sự hóa nạn ấu dâm, một bước tiến lớn ở Vatican

Đăng ngày:

Ngày 01/06/2021, tòa thánh Vatican công bố một bản tu chính mới của Bộ Giáo Luật của Giáo Hội. Đặc biệt, phiên bản mới năm nay thiết lập những công cụ pháp lý cụ thể để bài trừ nạn ấu dâm trong hàng tu sĩ.

Tòa Thánh Vatican những năm gần đây phải đối mặt nhiều vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em trong hàng giáo sĩ.
Tòa Thánh Vatican những năm gần đây phải đối mặt nhiều vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em trong hàng giáo sĩ. AP - Gregorio Borgia
Quảng cáo

Nhật báo Công giáo La Croix, trong bài viết có tựa đề « Ấu dâm, tham nhũng… Giáo Hội cải cách luật hình sự », nhận định đây chính là một trong những chương trình cải cách của tòa thánh Vatican, từng có nguy cơ bị rơi vào quên lãng do những cải cách này đã được đưa ra cách nay rất lâu. Hơn nữa, đây còn là một sự sửa đổi sâu rộng về giáo luật, luật nội bộ của Giáo Hội, kết thúc một công trình do Đức Bê-nê-đíc-tô XVI khởi xướng từ năm 2007.

Nạn ấu dâm, cuộc chiến chống tham nhũng, áp dụng hình phạt, thời hạn xét xử… Với Tông Hiến, mang tên Pascite gregem Dei (Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên Chúa), giáo hoàng còn vượt xa qua cả việc trau chuốt lại quyển thứ Sáu của Bộ Giáo Luật dự trù cả một hệ thống chế tài của luật nội bộ ngay trong bộ giáo luật năm 1983.

Điểm nhấn nổi trội nhất của lần chỉnh sửa này chính là việc hình thành một đạo luật cụ thể về nạn lạm dụng tình dục từ các linh mục nhắm vào trẻ vị thành niên hay những người trong tình trạng yếu đuối.

Luật mới quy định ra sao về những tội lạm dụng tình dục và nạn ấu dâm ? Những hình phạt nào các tu sĩ có nguy cơ phải đối mặt nếu vi phạm những điều trên ? Để hiểu rõ vấn đề này, RFI Tiếng Việt mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn với linh mục Phạm Hoàng Dũng từ Roma.

**********

RFI Tiếng Việt trước hết cảm ơn Linh mục đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Từ gần nửa thế kỷ nay, đặc biệt từ đầu những năm 2000, Giáo Hội phải đối mặt nhiều với những cáo buộc về nạn ấu dâm trong hàng ngũ các tu sĩ. Thưa ông, Kinh Thánh giảng giải như thế nào về vấn đề « tình dục » ?

LM. Phạm Hoàng Dũng : Bộ Kinh Thánh của Giáo hội Công giáo là nền tảng của đời sống đức tin và của các tín hữu Kitô giáo. Kinh Thánh không chỉ dùng cho giáo hội Công giáo, mà còn cho tất cả giáo hội Tin Lành, Chính Thống, và ngay cả một phần cũng được dùng cho người Hồi giáo nữa. Vấn đề ở đây là chuyện ấu dâm hay những vấn đề tình dục nói trong Kinh Thánh không phải là chuyện đơn giản, đó không phải là một bài học hay một điều gì đó cụ thể.

Vấn đề đặt ra ở đây là chuyện chúng ta đọc Kinh Thánh như thế nào. Bởi vì một câu chuyện Kinh Thánh được viết trong một hoàn cảnh, một lối văn, tác giả, con người trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, của một nền văn hóa cụ thể là vùng Do Thái – Palestin, ở Trung Cận Đông.

Khi Kinh Thánh trở thành một điều phổ quát cho toàn thế giới, đặc biệt là giáo hội Công giáo, mà giáo hội Công giáo không phải chỉ ở châu Âu, mà còn có ở cả Mỹ châu, Á châu, thì mỗi nền văn hóa, việc đọc và giải thích Kinh Thánh như thế nào là một vấn đề lớn của giáo hội.

Chẳng hạn như một câu chuyện cụ thể về ông Abraham, khi được Thiên Chúa kêu gọi đi đến miền đất hứa, có tên gọi cụ thể là Sodome et Gomorrhe. Từ câu chuyện về ông Abraham và người cháu, nó trở thành một thuật ngữ trong các nền văn hóa là « Sodome et Gomorrhe », ám chỉ đến những chuyện có dính dáng đến tình dục khác người.

Ví dụ như Gomorrhe là những chuyện có quan hệ đồng tính, giữa người nam với người nam. Vậy câu chuyện này, Kinh Thánh giải thích như thế nào ? Đây là một trong những vấn đề chính của giáo hội Công giáo trong hai ngàn năm qua, được lan truyền từ Jerusalem cho đến Roma rồi ra toàn thế giới.

Đó không chỉ là kỹ thuật đọc Kinh Thánh, và giải thích Kinh Thánh, mà còn là sự phát triển nghĩa là người ta hiểu như thế nào vấn đề này từ Cựu ước qua Tân ước. Nói tóm lại là từ Cựu ước đã có thập điều, trong đó có điều răn thứ 6 và thứ 9. Điều thứ 6, nói đến những tội phạm phải cụ thể như tội ngoại tình, có liên hệ tình dục một cách khác thường… Còn điều răn thứ 9 là những tội phạm trong tư tưởng. Đây chính là những nền tảng để giải thích sau này, để phát triển thành Thần học về luân lý, về tội, giải thích những vấn đề tội phạm liên quan đến tình dục, đời sống tình dục, đời sống đạo đức của người Kitô hữu trong cách thực hành về vấn đề này.

Điều 1398 của Bộ Giáo Luật (Canon 1398) quy định bất kỳ linh mục nào phạm tội tình dục với trẻ vị thành niên hoặc một người mà luật pháp công nhận một sự bảo hộ tương tự, có thể sẽ bị trừng phạt, thậm chí bị loại khỏi chức tư chế. Quy định này có khác so với trước đây để có thể được xem như là một cuộc cải cách, một bước tiến quan trọng trong bộ luật mới hiện nay ?

LM. Phạm Hoàng Dũng : Cụ thể trong bộ Giáo Luật không có một chữ nào nhắc đến một linh mục hay một người nào trong hàng giáo sĩ, hay một giáo dân làm việc trong giáo hội phạm những tội có liên quan đến tình dục. Điều luật này phạt về tội phá thai. Những người thực hành phá thai gồm có người phụ nữ mang thai, những người giúp phá bào thai, thì lập tức, nói nôm na là  bị cắt phép thông công.

Theo như nguyên tắc trước đây, khi linh mục nào, kể cả những giáo dân cộng tác cho giáo hội, có những hành vi lạm dụng tình dục – không chỉ đối với trẻ vị thành niên, mà cả đối với những người không có khả năng tự bảo vệ mình, người yếu thế, người tàn tật, những người mới vào tập tu – thì phải đợi đến khi tòa án phán có tội thì lúc đó mới xem là có tội.

Ở đây, khi cải tổ lại cuốn số 6 về các hình phạt, thì những người khi thực hành việc lạm dụng tình dục, thì lập tức họ bị xem có tội và bị rút phép thông công, không phải đợi đem đưa ra xét xử, là một trình tự tuyên bố như thế này mới là có tội. Đây là một bước tiến trong việc cải tổ điều luật về hình phạt của bộ giáo luật.  

Điều đó có nghĩa là sửa đổi này sẽ cho phép những người bị nghi ngờ phạm tội, một khi bị bên tư pháp dân sự điều tra ra có phạm tội, thì họ cũng sẽ bị truy tố như là một người bình thường ?

LM. Phạm Hoàng Dũng :  Ở đây chúng ta phải hiểu một điều là bộ Giáo Luật dùng trong nội bộ của giáo hội công giáo. Có lẽ cũng nên hiểu sơ qua một chút về lịch sử giáo hội. Có những thời mà giáo hội có ảnh hưởng không chỉ về mặt đời sống tinh thần, đức tin của các tín hữu, mà còn có quyền trên các vua chúa như chúng ta thấy trong lịch sử.

Từ thời Constantinople, hoàng đế Constantin của La Mã trở lại đạo, vua Clovis của Pháp trở lại đạo, thì lập tức nước Pháp, toàn dân của đế quốc Roma phải dưới quyền của giáo hoàng. Nước Ý chúng ta cũng thấy là đến thời Mussolini, thì lúc đó người ta mới tách được ra quyền hành giữa đạo với đời.  

Hiểu được điều này thì chúng ta mới thấy được bộ Giáo Luật mang tính chất nội bộ, mang tính chất về đời sống tinh thần, giống như là luật của một nhóm người trong một quốc gia. Và vì thế nếu một linh mục sống ở Việt Nam, sống ở Pháp, hay ở Ý có phạm tội lạm dụng tình dục, không những phải chịu về mặt hình sự theo bộ luật hình sự tại nước sở tại mà còn phải chịu cả hình phạt của bộ Giáo Luật.

Còn đối với các nạn nhân, Giáo Hội sẽ có những biện pháp nào để bù đắp cho những tổn thương tinh thần mà họ phải gánh chịu trong trường hợp vụ việc bị tố giác ?

LM. Phạm Hoàng Dũng : Từ vài năm gần đây, giáo hội đã có những bước tiến rất lớn, chẳng hạn như trong các dòng tu, các giáo phận, người đứng đầu khi nghe những lời tố cáo về những trường hợp như vậy phải cộng tác với bên tư pháp của địa phương để điều tra. Khi tòa án tuyên bố có tội, thì ngoài những bồi thường về vật chất tinh thần – vật chất không chỉ là một phần nhỏ, nhưng tinh thần thì còn nặng nề kéo dài suốt cả một cuộc đời của nạn nhân. Giờ thì  còn có những ủy ban, người ta lật lại các hồ sơ từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, có những vụ trong các dòng tu giờ không còn nữa, nhiều thành viên đã lớn tuổi, nhưng cũng có những người còn sống, hoặc những người đã từng trải qua muốn kể lại những câu chuyện, thì có những ủy ban để lắng nghe, rồi tùy từng trường hợp mà có những giải pháp cụ thể.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn linh mục Phạm Hoàng Dũng tại Roma.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.