Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp cải tổ ngành du lịch để quảng bá “Destination France”

Đăng ngày:

Pháp là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới từ ba thập niên. Năm 2019, hơn 90 triệu du khách đã đến Pháp. Kế hoạch đón 100 triệu du khách nước ngoài vào năm 2020 tan thành mây khói do đại dịch Covid-19, kéo theo khoảng 237.000 việc làm trong ngành khách sạn-nhà hàng đã bị “xóa sổ” năm 2020-2021. Hiện giờ, Pháp đang thực hiện kế hoạch “Destination France” (Điểm đến nước Pháp) để phục hồi và chuyển đổi ngành du lịch, đặc biệt trong bối cảnh Paris đón Olympic 2024.

Khải Hoàn Môn (Arc-de-Triomphe) ở quảng trường Charles deGaulle, Paris, Pháp, vắng khách du lịch trong đợt dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 13/06/2021.
Khải Hoàn Môn (Arc-de-Triomphe) ở quảng trường Charles deGaulle, Paris, Pháp, vắng khách du lịch trong đợt dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 13/06/2021. AP - Lewis Joly
Quảng cáo

Chưa bao giờ, ngành du lịch Pháp phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công như hiện nay, chỉ trong mùa xuân 2023 đã cần tuyển khoảng 360.000 người. Rất nhiều nhà hàng phải đóng cửa một số ngày trong tuần vì thiếu phục vụ bàn, nhiều khách sạn không khai thác phòng ở một hoặc nhiều tầng do thiếu nhân viên. Trong “Sách Trắng” gửi đến bộ trưởng Du Lịch Olivia Grégoire, Liên minh Du lịch Pháp (Alliance France Tourisme) - gồm các đại tập đoàn trong lĩnh vực - nhận định “cho dù đỉnh khủng hoảng đã qua nhưng khó khăn về tuyển dụng vẫn tồn tại”.

Bỏ nghề “làm dâu trăm họ”

Làm thế nào để thuyết phục, thu hút giới trẻ đến với ngành du lịch nói chung ? Một mạng lưới gồm 6 trường đại học chuyên ngành du lịch đã đến giới thiệu chương trình đào tạo tại Hội chợ Du Lịch Quốc tế Paris (Salon mondial du Tourisme) từ ngày 16-19/03/2023. Tiếp theo, lần đầu tiên Tuần lễ các ngành nghề Du lịch (Semaine des métiers du tourisme) được tổ chức trên cả nước từ ngày 03-09/04.

Tại sao một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Pháp, đóng góp đến 8% GDP, liên quan trực tiếp và gián tiếp đến 2 triệu việc làm, lại bị khủng hoảng như vậy ? Bà Sylvie Durand, giám đốc Dịch vụ, Trường Du lịch, Văn hóa và Hiếu khách - ESTHUA, Đại học Angers, giải thích với RFI Tiếng Việt tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Paris :

“Thực ra, đại dịch Covid-19 đã khiến một số người làm trong các ngành nghề liên quan đến du lịch, ví dụ khách sạn-nhà hàng, nhận ra rằng điều kiện lao động của họ khó khăn hơn những người làm việc văn phòng vì họ phải đi làm trong khi người khác được nghỉ, họ phải làm việc thứ Bẩy, Chủ Nhật với các ca trực khác nhau. Khi làm trong ngành khách sạn hoặc nhà hàng, người ta phải làm việc tối khuya và cả hai ngày cuối tuần. Vào tháng Bẩy, tháng Tám, khi những người khác được nghỉ hè thì họ lại phải làm việc nhiều hơn.

Đến lúc xảy ra dịch Covid-19, một số người trong ngành thấy rằng nhịp sống của họ hơi bị lệch nên họ muốn điều khác nên rất nhiều người thôi việc. Và hiện giờ, phải thuyết phục giới trẻ rằng đó là những nghề cao đẹp, cần tính kiên nhẫn”.

Ngành du lịch theo nghĩa rộng bao gồm 9 lĩnh vực hoạt động với khoảng 100 ngành nghề khác nhau, từ giao thông hàng không, đường bộ đến lữ hành, hay hoạt động giải trí và thể thao, lưu trú, nhà hàng, cũng như lĩnh vực văn hóa. Chỉ riêng mảng khách sạn-nhà hàng, Liên hiệp các ngành nghề công nghiệp khách sạn (Union des Métiers et des Industries de l’Hôtellerie, Umih), được trang 20 minutes trích dẫn ngày 27/01/2023, cho biết hiện thiếu 100.000 nhân viên, từ dọn phòng, quản lý hoặc trợ lý quản lý.

Tuyển người cao tuổi và người nhập cư

Theo văn phòng tuyển dụng PageGroup, có hơn 10 bộ phận được tìm kiếm nhiều trong năm 2023. Ví dụ, trong lĩnh vực nhà hàng-khách sạn là các vị trí lễ tân, quản lý khách sạn, phụ trách bộ phận, giám đốc nhà hàng, bếp trưởng, phụ trách rượu hoặc giám đốc cụm nhà hàng ăn nhanh. Còn trong lĩnh vực lữ hành là các vị trí chịu trách nhiệm tổ chức các chuyến công tác, đại lý du lịch, giám đốc nhà nghỉ hoặc làng nghỉ dưỡng, nhân viên bán vé…

Giải pháp trước mắt để giảm thiểu phần nào tình trạng thiếu nhân lực, được Liên minh Du lịch Pháp nêu trong Sách Trắng gồm 10 điểm. Trong số này có đề xuất đa dạng hóa lý lịch nhân viên ngành du lịch, có thể mở rộng đến ba đối tượng chính : người cao tuổi, người tìm việc trong những lĩnh vực khác và người nhập cư. Đối với người lớn tuổi, điều kiện lao động cũng được điều chỉnh thích ứng như làm việc bán thời gian và tái bố trí trong trường hợp gặp vấn đề sức khỏe. Các doanh nghiệp cũng cải thiện điều kiện làm việc nói chung, ví dụ làm việc 4 ngày/tuần, ấn định những đợt nghỉ hai ngày cuối tuần, lương trong lĩnh vực nhà hàng-khách sạn được tăng 16,3%. Hiện còn có đề xuất không đánh thuế thu nhập tiền thưởng pourboire khai báo từ sau năm 2023…

Về khả năng tuyển người nhập cư, các công ty tư nhân đã đi trước một bước. Ví dụ tập đoàn Accor đã kết hợp với các tổ chức tiếp nhận người di cư, còn Liên hiệp Umih dự kiến ký thỏa thuận với Maroc hoặc Tunisie. Tuy nhiên, theo Sách Trắng, “Pháp vẫn bị chậm so với nhiều nước du lịch khác”, như trường hợp Tây Ban Nha, gần đây đã nới lỏng các quy định liên quan đến thị thực lao động cho người nước ngoài để giảm tình trạng thiếu nhân lực trong ngành du lịch.

 

Bà Marithé Crozet (T), giảng viên Viện Quản lý Doanh nghiệp (IAE), Đại học Savoie Mont-Blanc và bà Sylvie Durand, Trường ESTHUA, Đại học Angers, trả lời RFI Tiếng Việt tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Paris ngày 19/03/2023, Pháp.
Bà Marithé Crozet (T), giảng viên Viện Quản lý Doanh nghiệp (IAE), Đại học Savoie Mont-Blanc và bà Sylvie Durand, Trường ESTHUA, Đại học Angers, trả lời RFI Tiếng Việt tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Paris ngày 19/03/2023, Pháp. © RFI / Thu Hằng

Cải tổ chương trình đào tạo đại học du lịch

Về lâu dài, Pháp tập trung vào đào tạo đại học chính quy và tại chức để hình hành một thế hệ quản lý có chuyên môn hoặc cải thiện kiến thức, kĩ năng của những người đã làm trong nghề. Đây là điểm đầu tiên của 5 trụ cột trong kế hoạch 10 năm “Destination France” được thủ tướng Pháp Jean Castex giới thiệu ngày 20/11/2021. Bà Sylvie Durand, Trường ESTHUA, Đại học Angers, giới thiệu mạng lưới các trường du lịch Pháp :

“Hệ thống trường đại học về du lịch có tổng cộng 6 trường. Mục đích là giúp ngành đạo tạo du lịch được biết đến rộng rãi hơn và hấp dẫn hơn đối với thanh niên. Tại sao ư ? Bởi vì sau cuộc khủng hoảng, thủ tướng Pháp đã thông báo kế hoạch “Điểm đến nước Pháp” nhằm hỗ trợ lĩnh vực du lịch gặp khó khăn.Vì thế, nhiệm vụ của chúng tôi là quảng bá cho các chương trình đào tạo về du lịch.

Sáu trường đại học của chúng tôi gồm Đại học Angers với Viện ESTHUA điều phối dự án, Đại học Toulouse với Viện ISTHIA (Đào tạo Du lịch, Khách sạn và Đồ ăn),Đại học Paris I - Panthéon Sorbonne với Viện IREST (Nghiên cứu và Cao học ngành Du lịch), Đại học Gustave Eiffel với Viện  IFIS (Kỹ thuật Dịch vụ Ile-de-France), Đại học Nice Côte d'Azur và Đại học Savoie Mont-Blanc với các chuyên ngành đào tạo du lịch của Viện Quản lý Doanh nghiệp (IAE).

Mạng lưới được hình thành tháng 11/2021. Đến đầu năm 2022, chúng tôi bắt đầu làm việc cùng nhau và đã có những chương trình đạo tạo vừa học vừa làm đầu tiên vào tháng 09/2022. Sáu đại học có hơn 100 chương trình đào tạo về du lịch, từ trình độ cử nhân đến cử nhân chuyên ngành và thạc sĩ, có nghĩa là những bằng cấp được Nhà nước công nhận. Sáu trường cũng có tổng cộng hơn 6.000 sinh viên được đào tạo hàng năm về  du lịch”.

Bà Marithé Crozet, phụ trách chương trình đào tạo đại học chuyên ngành Du lịch, Viện Quản lý Doanh nghiệp (IAE), Đại học Savoie-Mont Blanc, cho biết thêm :

“Chúng tôi đề xuất từ cấp đại học, đại học chuyên ngành đến các bằng cao học. Chúng tôi có những chương trình vẫn gọi là “truyền thống” đi từ đào tạo ban đầu hoặc vừa học vừa làm. Còn đối với những người làm ngành du lịch muốn học chuyên sâu, cải thiện kinh nghiệm, nâng cao năng lực, chúng tôi sẽ đề xuất những chương trình đào tạo thường xuyên ở mỗi trường đại học tham gia mạng lưới. Có một điểm quan trọng cần lưu ý là chúng tôi đào tạo các nhà quản lý, đó là những người sau này sẽ đồng hành, phát triển du lịch tại chỗ, tại địa phương”. 

Dịch Covid đã kéo theo nhiều thay đổi về phương pháp làm việc và giảng dạy, đặc biệt qua hình thức trực tuyến. Đây là một lợi thế, được sáu trường dạy về du lịch khai thác để phổ biến “kiểu đào tạo hỗn hợp, một phần học trực tuyến từ xa và phần còn lại học trực tiếp”. Lợi thế tiếp theo là chương trình học giữa các trường được liên thông, theo giải thích của bà Sylvie Durand, phụ trách điều phối mạng lưới :

“Ý tưởng là để giúp sinh viên của chúng tôi bắt đầu học ở một trường có thể tiếp tục học ở một trường khác trong mạng lưới  tùy theo kế hoạch nghề nghiệp của họ. Chúng tôi muốn cùng cố gắng mang lại cho sinh viên quá trình đào tạo thú vị nhất, triển khai những công cụ để đồng hành với sinh viên, ví dụ các khóa đào tạo trực tuyến, những môn học có thể chia sẻ giữa các trường trong mạng lưới, triển khai hoạt động đào tạo dành cho giới chuyên nghiệp. Vì vậy, việc hình thành mạng lưới mang lại sức mạnh hơn, đồng hành giới trẻ và những nhà chuyên ngành du lịch được tốt hơn”.

Quảng cáo chương trình đào tạo ngành Du lịch của mạng lưới 6 trường đại học Pháp.
Quảng cáo chương trình đào tạo ngành Du lịch của mạng lưới 6 trường đại học Pháp. © RFI / Thu Hằng

Tại nhiều địa phương, vai trò của nhà tuyển dụng trong ngành khách sạn-nhà hàng và ứng viên đã thay đổi. Ví dụ Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Finistère (miền tây Pháp) tổ chức “Job’tourisme”, ngày hội tuyển dụng “dạo” ở 13 địa điểm, từ ngày 25/02 đến 05/04. Trong cuộc gặp bàn tròn, mỗi nhà tuyển dụng có 3 phút để thuyết phục ứng viên với những điều kiện lao động, đãi ngộ thích hợp. Có thể thấy tương lai sự nghiệp trong ngành du lịch nói chung sẽ rất sáng lạn cho người lao động trẻ, theo giải thích của bà Marithé Crozet và bà Sylvie Durand :

“Điều chắc chắn là khi làm việc trong ngành khách sạn, du lịch hay tổ chức sự kiện, khoảng 80-90% sinh viên các trường chúng tôi tìm được việc làm trong vòng 6 tháng. Đúng là có nhiều cơ hội tìm được việc làm”.

“Vì thế, mục tiêu của mạng lưới các trường dạy du lịch là quảng bá rộng rãi những chương trình đào tạo về du lịch và biến những nghề này trở nên hấp dẫn hơn, tạo cảm hứng cho giới trẻ dấn vào những ngành nghề du lịch vì du lịch chiếm đến 8% GDP của Pháp. Có đến 2 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp liên quan đến lĩnh vực này nên có rất nhiều việc làm. Vì thế, điều quan trọng là tạo được cảm hứng cho thanh niên tham gia những ngành nghề đó”.

Pháp đặt tham vọng trở thành điểm du lịch số 1 thế giới, du lịch bền vững. Và để thực hiện được mục tiêu này, kế hoạch 10 năm của chính phủ đặt ra 5 trục phát triển chính : thu hút nhân tài trong ngành du lịch ; hỗ trợ nâng cao chất lượng phục vụ du lịch ; nâng cao và củng cố lợi thế du lịch của Pháp ; đáp ứng những thách thức trong việc chuyển đổi của ngành, bằng cách thúc đẩy du lịch bền vững, giảm tác động sinh thái, đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch bền vững hoặc chuyển đổi kỹ thuật số ; quảng bá “điểm đến Pháp” và củng cố thị phần thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông với khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.