Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Pháp vui mừng vì du khách nước ngoài trở lại

Đăng ngày:

Vài nghìn du khách đã đến lâu đài Versailles tối 15/08/2022 để thưởng thức chương trình Nhạc nước, đêm đặc biệt ngày lễ Đức Mẹ lên trời. Bắt đầu từ 20 giờ 30 nhưng ngay từ 19 giờ, dòng người đổ về lâu đài chờ màn trình diễn mãn nhãn. Không còn dấu hiệu của khẩu trang, nước khử khuẩn, cuộc sống như trở về thời trước đại dịch. Pháp mừng vì tìm lại được nhịp độ năm 2019, dù vẫn vắng bóng khách Trung Quốc.

Cổng vào Vườn Tuileries, đối diện bảo tàng Louvre, tại Paris, Pháp, ngày 11/08/2022.
Cổng vào Vườn Tuileries, đối diện bảo tàng Louvre, tại Paris, Pháp, ngày 11/08/2022. AP - Aurelien Morissard
Quảng cáo

Như mùa hè hàng năm trừ những năm bị dịch Covid-19, vào tối thứ Bẩy hàng tuần, du khách có thể thả hồn trong tiếng nhạc cổ điển, nhẹ nhàng dạo bước trên những lối đi dưới tán cây và trầm trồ trước màn vũ đạo của nước trong lâu đài Versailles. Tất cả đều được tái hiện như thời Vua Mặt trời (Louis XIV), theo đúng truyền thống và tinh thần từ thế kỷ 17-18. Kết thúc đêm thần tiên là màn pháo hoa rực rỡ, kết hợp với những ngọn đuốc rực lửa và drone xếp hình.

Khách Mỹ, châu Âu chiếm đa số du khách nước ngoài đến Pháp mùa hè năm 2022. Có thể nhận thấy điều này trong khu vườn rộng lớn của lâu đài Versailles qua đủ ngôn ngữ, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha… và cả tiếng Việt. Cô Thanh Vân, một du khách Việt Nam, lần đầu đến Pháp và gặp lại con cháu sau 3 năm dịch bệnh, cảm thấy may mắn vì được du lịch theo cách khác, không vội vàng như đa số du khách Việt đến Pháp lần đầu :

« Sang bên này thăm con cháu nhưng lại thành lợi thế khi mình chưa bao giờ đặt chân đến Paris và có các con ở bên này dẫn đi chơi. Thật tuyệt vời, không có gì hơn khi đặt chân đến Paris. Sắp tới tôi rất thích quay lại và quay lại liên tục Paris để chiêm ngưỡng hết mọi khu du lịch ở đây. Tôi sẽ rất thích được đi du lịch dọc đất nước Pháp để hiểu được văn hóa và những nét cổ kính ở Pháp »

Khách châu Âu và Bắc Mỹ cứu mùa du lịch của Pháp

Ngoài những công trình kiến trúc, cảnh quan đa dạng khắp nước, du lịch Pháp còn nổi tiếng ở những sự kiện văn hóa-lịch sử như vậy : các buổi trình diễn ở Puy du Fou, Fête de la Moisson (Hội Mùa gặt) ở Provins… các liên hoan kịch, phim hay lễ hội âm nhạc. Mùa du lịch 2022 cũng bắt đầu sớm hơn một tuần, ngay từ ngày 05/07 so với ngày 14/07 hàng năm, theo nhận định trên đài France Info của bà Virginie Gendrot, cố vấn cho văn phòng Pro-tourisme. Số lượng khách nước ngoài trở lại Pháp cao hơn và nhanh hơn dự đoán đã khiến ông Serge Cachan, chủ tịch chuỗi khách sạn Astotel, bất ngờ khi trả lời AP ngày 01/07 :

« Tất cả các chuyên gia đều nói rằng phải chờ hai, ba, bốn năm nữa mới tìm lại được nhịp độ những năm 2019, 2018. Đó là những năm thành công. Vậy mà, chỉ cần vài tuần, vài tháng, kể từ ngày 15/02, không những hồi phục mà còn vượt qua cả kết quả tốt nhất mà chúng tôi chưa từng có ở Paris về mặt du lịch. Tôi nghĩ là khắp nước Pháp đều như thế và có thể là nhiều nước cũng vậy ».

Dù chưa có tổng kết chính thức cho mùa hè 2022, nhưng tất cả các vùng ở Pháp đều ghi nhận số lượng khách tăng trong tháng 7, ví dụ vùng Bretagne tăng 9%, trong đó khách nước ngoài chủ yếu là Đức, Hà Lan và Anh. Tỉ lệ đặt phòng tại thành phố Strasbourg cũng từ 80-90% trong tháng 7, tương đương với trước Covid, nhờ khách hàng truyền thống quay lại trong khi du khách Pháp cũng đông hơn từ 3 năm nay. Ông Serge Cachan giải thích tiếp :

« Trước tiên, rất nhiều người Pháp ở thành phố đặt phòng khách sạn vào cuối tuần. Tiếp theo là người châu Âu, vì khách Trung Quốc không tới và người châu Âu không đi được Trung Quốc. Vậy thì họ đi đâu ? Họ ở lại châu Âu. Điều này giải thích cho xu hướng tăng ở các nước châu Âu. Và thứ ba là du khách Mỹ. Họ thích Paris và họ đến thường xuyên hơn, thậm chí mới chỉ đến cách đây 2, 3 năm ».

Tại vùng Ile-de-France nơi có thủ đô Paris, doanh thu hè 2022 đã vượt qua mùa du lịch 2019 trước khủng hoảng dịch tễ. Thực ra, hoạt động du lịch phục hồi ngay từ mùa xuân, chủ yếu là khách châu Âu từ giữa tháng 03 đến 05. Đến tháng 07, số khách châu Âu còn cao hơn năm 2019. Tiếp theo, khách du lịch Bắc Mỹ, nổi tiếng có mức chi cao, cũng trở lại đông đảo. Khách sạn và nhà hàng có lẽ là hai ngành mừng nhất : Số lượng đặt bàn ở nhà hàng mùa hè này đã tăng 35%. Ngay từ tháng 06, tỉ lệ đặt phòng lên đến 88,6%. Ông Serge Cachan, chủ tịch chuỗi khách sạn Astotel, không giấu vui mừng :

« Ai có thể nói rằng cách đây 6 tháng, rằng tháng 05/2022, chúng tôi đã vượt qua tỉ lệ đặt của năm 2018, 2019 ? Khi mỗi chuyên gia và nhà phân tích về du lịch, mỗi dữ liệu khoa học dự đoán là « phải chờ đến « năm 2024 », nếu chúng ta may mắn, chúng ta mới đạt được mức độ trước đó. Phải mất ít nhất trong 3 hay 4 năm để tăng trở lại ». Thế mà không, thậm chí còn không mất đến 3 tháng ».

Vắng bóng khách Trung Quốc

Trong tháng 07/2022, hai sân bay lớn của Paris, Orly và Charles-de-Gaulle đã đạt được 84,9% lượng lưu thông tháng 07/2019, riêng sân bay Orly là 99%. Tuy nhiên, lưu thông với châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 36,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nhìn vào chiến dịch Zero Covid của chủ tịch Tập Cận Bình thì người dân Trung Quốc còn lâu mới được du lịch nước ngoài. Trước khi xảy ra đại dịch, có khoảng 1 triệu du khách Trung Quốc đến vùng Ile-de-France hàng năm. Khách Nga, với khoảng 300.000 người hàng năm, cũng vắng mặt mùa hè 2022. Ông Serge Cachan nhận định :

« Mặc dù buồn vì phải thốt ra từ « chiến tranh » trong thời gian gần đây vì những chuyện đang xảy ra, nhưng đúng là chúng ta đã thoát được cuộc chiến chống Covid. Tôi nói với nụ cười trên môi, chúng ta đang sống trong những năm tháng điên rồ. Có nghĩa là như một kiểu hồi sinh sau hai năm thất vọng, bực bội, một phần người dân Pháp và thế giới gần như bị Covid giam hãm, bỗng được tự do phần nào. Và thế là có sự bùng nổ trong tất cả các lĩnh vực ».

Paris trong mắt du khách Việt

Rất nhiều du khách Việt Nam như cô Thanh Vân đã chọn châu Âu làm điểm xuất phát cho kỳ nghỉ hè sau nhiều năm Việt Nam đóng cửa chống Covid, trong khi châu Âu đã giảm các biện pháp phòng dịch. Số hồ sơ xin visa Schengen tại đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tăng đột biến trong mùa hè 2022 khiến thời gian xét hồ sơ có thể bị kéo dài, theo thông tin trên trang Facebook của đại sứ quán Pháp tại Hà Nội.

Hầu hết du khách Việt Nam đến Pháp chọn Paris là điểm dừng chân chính, sau đó di chuyển xuống miền Nam hoặc sang các nước lân cận như Đức, Hà Lan, Đan Mạch,  đặc biệt là Thụy Sĩ, hiện trở thành trào lưu check-in từ sau thành công của bộ phim truyền hình Hàn Quốc Hạ Cánh Nơi Anh (Crash Landing On You). Paris trong mắt họ cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Đa số là thiện cảm, yêu kinh đô Ánh sáng, như ý kiến của cô Thanh Vân :

« Cảm thấy Paris rất đẹp và cổ kính. Con người rất lịch sự và mọi người rất thân thiện. Quang cảnh thực sự là có một không hai trên thế giới : có thể thăm tháp Eiffel, thăm Nhà thờ Đức Bà Paris, thăm bảo tàng Louvre đẹp nhất thế giới và đại lộ đẹp nhất thế giới, rồi Khải hoàn môn. Rất đẹp ! Rất cổ kính ! Đi du lịch ở Paris nếu vào mùa hè, thời tiết rất đẹp. Trời nắng nhưng là nắng rất dễ chịu và khi vào trong nhà thì cảm thấy như đang ở cuối thu ở Việt Nam. Rất là mát mẻ ».

Trộm cắp, cướp giật là ác mộng của khách nước ngoài, đặc biệt là khách châu Á, luôn bị tội phạm « ưu tiên » nhắm đến do nghĩ mang nhiều tiền mặt và hàng hiệu. Trên trang Facebook Du Lịch Châu Âu, nơi chia sẻ hình ảnh, trải nghiệm du lịch châu Âu, không thiếu bài chia sẻ về cách phòng chống cướp giật ở Paris. Phải nói rằng đây là vấn nạn lớn nhất cho Paris. Trong hai năm hạn chế đi lại vì dịch Covid, Paris vắng khách du lịch, tội phạm nhắm vào người dân Pháp, mở rộng hoạt động sang những tuyến tầu điện ngầm không phải là địa bàn thông thường.

Một số du khách khác thấy Paris bẩn, bề mặt nhiều công trình nhuốm đen, đi lại khó khăn vì nhiều tuyến giao thông công cộng bị đóng cửa sửa chữa. Phải nói rằng đây là một « đặc sản rất Paris » : các cơ quan quản lý giao thông công cộng đều chờ người dân Paris và vùng phụ cận đi nghỉ hè để sửa chữa từ khoảng giữa tháng 7 đến giữa tháng 8. Và du khách nước ngoài được trải nghiệm khổ ải vì tầu xe.

Một hiện tượng khác, được báo 20 Minutes ngày 27/07 nêu lên, là « hội chứng Paris », chủ yếu liên quan đến du khách nữ Nhật Bản, họ bị khủng hoảng, giam mình trong khách sạn. Sau thành công của bộ phim truyền hình Emily in Paris (Emlily ở Paris) trên Netflix, đông đảo du khách nước ngoài đến Paris để chụp hình check-in tại những địa điểm mà nhân vật chính Emily từng đi qua. Thế nhưng, giữa phim ảnh và thực tế là cả một hố sâu và đây là một trong những yếu tố có thể gây « hội chứng Paris », từng được nhà tâm thần học Hiroaki Ôta giải thích trong một bài báo năm 2004 :

« Sự thất vọng liên quan đến việc tiếp xúc với thực tế hàng ngày cũng là một yếu tố của sự khó hiểu và lo lắng, cũng như vỡ mộng và trầm cảm. Hình ảnh khuôn mẫu của Paris, thành phố tiêu thụ hàng xa xỉ, được các nguồn tin tức truyền tải rộng rãi, không đúng với cuộc sống hàng ngày : không phải tất cả chúng ta khoác trên mình thương hiệu nổi tiếng, cuộc sống của chúng ta không chỉ nhàn rỗi và văn hóa, sự lịch sự, trau chuốt, galant không tồn tại lâu ».

Paris có lẽ cũng như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, nơi cần có thời gian để cảm nhận cuộc sống. Paris không thể đẹp khi chỉ cố đến nhiều địa điểm nhất để check-in, hay ngắm từ cửa sổ ô tô. Paris không chỉ có tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, đại lộ Champs-Elysée, đồi Montmartre, mà còn có những khu làng trong phố. Có lẽ Paris sẽ đẹp khi du khách thả bước tản bộ, không vội check-in.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.