Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Giáo hội Công giáo Pháp sửa sai, bồi thường cho nạn nhân ấu dâm giai đoạn 1950-2020

Đăng ngày:

Khoảng một tháng sau khi báo cáo Sauvé về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội Công giáo Pháp giai đoạn 1950-2020 được công bố và tạo nên « cơn sóng thần » gây chấn động các giáo dân, giám mục và công luận nói chung, Hội đồng giám mục Pháp họp toàn thể tại thánh địa Lộ Đức (Lourdes), miền nam Pháp và ngày 08/11/2021 đã thừa nhận trách nhiệm của Giáo hội Công giáo Pháp, đề ra các biện pháp phòng ngừa, sửa sai, bồi thường tài chính cho các nạn nhân.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Cha Eric de Moulins-Beaufort, quỳ gối trong buổi cầu nguyện sám hối tưởng nhớ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, Thánh đường Lộ Đức, ngày 06/11/2021.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Cha Eric de Moulins-Beaufort, quỳ gối trong buổi cầu nguyện sám hối tưởng nhớ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, Thánh đường Lộ Đức, ngày 06/11/2021. Valentine CHAPUIS AFP
Quảng cáo

Lời thú nhận mang tính lịch sử 

Sau kỳ họp toàn thể tại thánh địa Lộ Đức, hồi đầu tháng 11/2021, Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp, muốn « nhìn thẳng vào sự thật » và đã công khai thừa nhận trách nhiệm của thể chế trong các vụ lạm dụng tình dục có hệ thống mà báo cáo Sauvé đã tiết lộ hồi đầu tháng 10/2021 :

« Chúng tôi đã kiểm tra và xác nhận rằng tất cả chúng tôi đều đồng ý về việc phải thừa nhận là những vụ xâm phạm đó mang tính hệ thống, tức là không chỉ đơn giản là hành vi của một vài cá nhân, mà những vụ xâm phạm đó được tạo điều kiện để diễn ra : bối cảnh chung, các tư tưởng và cách vận hành trong Giáo hội Công giáo đã dẫn đến những hành vi đó ».

Xin nhắc lại, theo báo cáo Sauvé được công bố ngày 05/10/2021, Giáo hội Công giáo Pháp là nơi có tỉ lệ ấu dâm gần như cao nhất cả nước, chỉ sau phạm vi gia đình, họ hàng thân thích ; đa phần thủ phạm là linh mục ở các giáo phận. 216.000 là con số nạn nhân đang còn sống và hiện đã trên 18 tuổi, từng bị các linh mục, giáo sĩ, thầy tu và các nữ tu lạm dụng tình dục ở độ tuổi vị thành viên. Nếu tính cả những người bị tấn công tình dục bởi những người ngoại đạo nhưng tham gia vào hoạt động của Giáo hội Công giáo Pháp thì tổng số nạn nhân ước chừng lên đến 330.000 người.

Sự thật đau lòng đã được Hồi đồng giám mục Pháp thừa nhận. Nhưng lời nói phải đi đôi với việc làm là điều các hiệp hội nạn nhân đều đòi hỏi và trông chờ ở Giáo hội Công giáo Pháp. Ngày 02/11/2021, trên đài RFI Pháp ngữ, bà Christine Pedotti, giám đốc phụ trách biên tập của tạp chí Témoignage chrétien nhấn mạnh :

« Kết quả thăm dò dư luận mà tôi có trong tay cho biết chỉ có khoảng 4% tín đồ Công giáo đồng ý đóng góp tiền, vì vậy đây sẽ là điều khó xảy ra, Giáo hội công giáo Pháp sẽ phải tìm các phương tiện tài chính khác. Họ sẽ phải huy động một số thứ trong số các tài sản, những thứ thuộc sở hữu của Giáo hội công giáo Pháp. Dẫu sao đi chăng nữa thì Giáo hội công giáo Pháp sẽ phải chứng tỏ họ có khả năng thực hiện các hành động đòi hỏi rất tốn kém, không thể làm khác được, điều này liên quan đến việc phải chứng tỏ là Giáo hội là đáng tin cậy. Nếu Giáo hội muốn các phát ngôn của mình một lần nữa có thể được coi là có thể đáng tin cậy một chút, thì họ sẽ phải biến lời nói thành hành động. Đó chính là những gì các nạn nhân đã nói.

Tôi có nghe được ý kiến của một hiệp hội tập thể các nạn nhân, có tên gọi chính xác là « Từ lời nói đến hành động », tập hợp đa phần các hội đoàn nạn nhân và hiện giờ có thể nói là đang bị tổn thương bởi một hình thức im lặng, thận trọng, lần chần, trì hoãn của Giáo hội Công giáo Pháp. Các hiệp hội nạn nhân nói rằng : « Vâng, chúng tôi đã biết hiện giờ mọi chuyện thế nào. Báo cáo Sauvé là một bản tổng kết với các con số, là bản chẩn đoán, và bây giờ chúng tôi đang chờ quý vị đưa ra các câu trả lời ».

Giờ không còn là lúc chỉ mời nạn nhân đến nói chuyện nữa. Đã đến lúc phải hành động. Các nạn nhân nói rằng Giáo hội Công giáo Pháp cần phải có một sự thừa nhận trách nhiệm và thực hiện việc sửa sai và sau đó là cải cách để chuyện này (nạn ấu dâm) không tái diễn. Thừa nhận sai lầm, chịu trách nhiệm, sửa chữa lỗi lầm và cải cách là 4 điều mà các nạn nhân đòi hỏi ở Giáo hội Công giáo Pháp và thành thật mà nói thì họ có lý ».

Khôi phục lại lòng tin của các giáo dân

Như để khẳng định Giáo hội Công giáo « đã nói là làm », ngày 24/01/2022, chủ tịch SELAM thông báo các giám mục và giáo phận đã đóng góp 20 triệu euro cho quỹ bồi thường nạn nhân. SELAM, Quỹ đấu tranh chống lạm dụng trẻ vị thành niên, là quỹ đặc biệt mà Giáo hội Công giáo Pháp thành lập để thực hiện trách nhiệm quyên tiền và do một nhóm 20 thành viên quản lý, đứng đầu là một nhân vật ngoại đạo, Gilles Vermot-Desroches, cựu chủ tịch tổ chức Hướng đạo sinh của Pháp. Ông Gilles Vermot-Desroches khẳng định với hãng tin Pháp AFP : « Đây là hành động đầu tiên. Giáo hội Công giáo Pháp đã thực hiện biện pháp mà họ đã thông báo ».

Trước mắt, hội đồng quản lý quỹ quyết định gói tài chính 5 triệu euro hỗ trợ cho các nạn nhân, khoản thứ hai trị giá 1 triệu euro cho các hoạt động phòng ngừa nạn lạm dụng tình dục trẻ em và tưởng nhớ các nạn nhân. Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ bồi thường cho nạn nhân sẽ được thực hiện thông qua Inirr, định chế quốc gia độc lập về thừa nhận trách nhiệm và sửa sai, với người đứng đầu là luật gia Marie Derain de Vaucresson, cựu lãnh đạo nhóm bảo vệ quyền trẻ em và nhân quyền ở bộ Tư Pháp giai đoạn 2011 -2014.

Vì Đức cha Éric de Moulins-Beaufort từng tuyên bố không dùng quỹ hoạt động của Giáo hội công giáo Pháp, không dùng tiền giáo dân quyên góp cho hoạt động của Giáo hội để bồi thường nạn nhân, và theo các cuộc thăm dò dư luận, nhìn chung các giáo dân cũng không ủng hộ việc tổ chức quyên góp nên khoảng 100 giáo phận đã huy động cả động sản và bất động sản để có tiền đóng cho quỹ SELAM. Và để có thể bán tài sản của các giáo phận, Giáo hội Công giáo Pháp buộc phải thảo luận với các luật gia để tháo gỡ những rào cản liên quan đến đạo luật năm 1905.

Tiêu biểu nhất là giáo phận Créteil đã quyết định bán đi ngôi nhà của giám mục. Các giáo phận Lyon, Rennes cũng thông báo đóng góp lần lượt 750.000 và 500.000 euro cho quỹ SALAM. Riêng giáo phận Paris hứa đóng góp 1 triệu euro. Các giáo phận là đội ngũ đóng góp chủ yếu và đã thể hiện được tinh thần liên đới, bên cạnh đó cũng có rất nhiều giám mục dù không liên can đến các vụ ấu dâm nhưng cũng quyết định dùng tài sản riêng và đóng góp với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, AFP ngày 25/01 trích dẫn ông Gilles Vermot-Desroches cho biết nhà hảo tâm đầu tiên của quỹ SALAM lại chính là … một nạn nhân.

Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro ngày 09/11/2021, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp cho biết, tại Bỉ, mức bồi thường trung bình cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục dao động trong khoảng 1.500 - 25.000 euro. Tại Giáo hội Công giáo Pháp, mức bồi thường sẽ được Inirr xác định căn cứ theo luật định tại Pháp và xem xét theo từng trường hợp cụ thể, nhưng Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort cam kết không nạn nhân nào bị bỏ rơi hoặc bị quên lãng.

Hạn chế vẫn còn đó

Cho dù thông báo của Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort thừa nhận trách nhiệm của Giáo hội Công giáo Pháp được xem như « một sự đảo ngược mang tính lịch sử » của Hội đồng giám mục Pháp sau nhiều năm luôn giữ thái độ đề phòng và thận trọng về hồ sơ nhạy cảm này, nhưng kế hoạch sửa sai của Giáo hội Công giáo Pháp vẫn bị đánh giá là còn một số hạn chế. Trả lời đài RFI ngày 09/11/2021, nhà thần học Anne Soupa nhấn mạnh :

« Chúng tôi có cảm giác rằng họ đã có một sự lắng nghe, rằng họ đã trở lại thực tại, rằng họ đã hiểu được những tổn thất mà họ đã gây ra. Tất cả những điều này đều rất tích cực, nhưng có hai điểm mà tôi thấy dường như vẫn chưa được đề cập đến. Trước hết là về những người trưởng thành ở thế yếu, dễ bị tổn thương, bởi vì đối với đa số các trường hợp, đề xuất được đưa ra đều có liên quan đến nạn nhân là trẻ vị thành niên. Tôi sợ rằng vấn đề đó mai sau rồi sẽ làm mờ nhạt những lời khen ngợi có thể dành cho những đề xuất này.

Vấn đề thứ hai là còn thiếu sự nhìn nhận đối với các nạn nhân là phụ nữ. Đối với tôi, điều này được trông thấy rất rõ : người ta có vẻ như không tính đến việc rõ ràng là sự hài hòa về giới trong các cơ quan có thẩm quyền, cả về các cơ quan mục vụ và ra quyết định, là điều kiện để loại trừ nạn lạm dụng tình dục. Đó là một thực tế trong xã hội học : khi chúng ta ở trong một hệ thống mà nam giới là người ra quyết định, họ có xu hướng sử dụng tất cả quyền lực của mình mà không bị kiềm chế ».

Nhiều ý kiến cho rằng Giáo hội Công giáo Pháp đang muốn cải tổ nội bộ, nhưng François Devaux, một trong những gương mặt nổi bật của phong trào đấu tranh để các nạn nhân được lên tiếng, cho rằng bên cạnh biện pháp hỗ trợ tài chính cho nạn nhân, các đề xuất của Hội đồng giám mục Pháp là không đủ để mang lại một cuộc cải cách sâu rộng cần thiết, vì còn phụ thuộc vào Luật Giáo hội :

« Dẫu sao thì các khuyến nghị của Ủy ban Ciase (…) vẫn có một số điểm liên quan trực tiếp đến Tòa thánh Vatican. Các quan điểm về tình dục không phải điều các giám mục của Pháp có thể đòi xem xét thay đổi. Giáo luật không phải là thứ các giám mục Pháp có thể đòi xem xét thay đổi. Như vậy, các giám mục Pháp có thể bắt đầu một quy trình công nhận lỗi lầm, khắc phục, suy nghĩ, nhưng rồi sau đó rất nhanh chóng họ sẽ nhận thấy rằng họ thích liên kết với cơ quan đầu não vốn không muốn tham gia vào những cải cách sâu rộng, quy mô lớn này. Toàn bộ thể chế Công giáo ở Tây phương đều cần, chẳng hạn, bảo đảm sự công bằng của luật pháp hay sự bình đẳng.

Quý vị thấy đấy, khái niệm này đâu phải mới có từ dăm bữa nửa tháng trước. Đây là những điều mà chúng ta đã biết từ rất lâu rồi : nữ giới có vai trò đóng góp, mang lại một sự cân bằng và đó là điều thiết yếu. Bằng cách nào mà thể chế Công giáo lại có thể bảo vệ lập trường của mình lâu đến như vậy? Các vị giám mục của Pháp sẽ không thể làm thay đổi nhiều điều trong điều kiện như thế ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.