Vào nội dung chính
NGA - KIỂM DUYỆT

Nga : Các công cụ kiểm duyệt tiên tiến để giám sát mạng Internet

Vào tuần trước, hoạt động của Trung tâm tần số vô tuyến chính – Roskomnadzor (Main Radio Frequency Center) của Nga đã bị đưa ra ánh sáng. Dưới vỏ bọc phân phối tần số phát sóng ở Nga, Roskomnadzor trên thực tế lại là cơ quan kiểm duyệt mạng Internet. Vụ rò rỉ thông tin về hoạt động ngầm của Roskomnadzor đã cho thấy cách thức mà Nga giám sát, kiểm duyệt thông tin và phát triển các công cụ mới, chống lại các cuộc tấn công vào ông chủ điện Kremlin Vladimir Putin.  

Theo thông tin bị rò rỉ, Trung tâm tần số vô tuyến chính – Roskomnadzo của Nga còn kiêm nhiệm kiểm duyệt thông tin trên internet. Ảnh minh họa.
Theo thông tin bị rò rỉ, Trung tâm tần số vô tuyến chính – Roskomnadzo của Nga còn kiêm nhiệm kiểm duyệt thông tin trên internet. Ảnh minh họa. © canva
Quảng cáo

Kiểm duyệt không phải là chuyện mới mẻ ở Nga, nhưng từ khi đưa quân xâm lược Ukraina, điện Kremlin đã phát triển nhiều hình thức kiểm duyệt dưới nhiều công cụ tiên tiến và hoạt động ngầm. Theo trang Radio Free Europe, từ tháng 10 năm 2022, một cơ quan của chính phủ Nga mà ít người biết đến, có trụ sở ở phía đông bắc Matxcơva đột nhiên quan tâm đến dự báo thời tiết, nhưng không phải là thời tiết ở thủ đô Nga mà là ở 4 vùng của Ukraina mà Nga đã sáp nhập vài tuần trước đó. Lúc đó, trên 15 trang web dự báo thời tiết chính của Nga, hầu hết các khu vực của Ukraina bị sáp nhập, vẫn bị dán nhãn Ukraina. Đến ngày 06/11, hầu hết các trang này đã được thay đổi, gắn cờ Nga.  

Các nhân viên của Trung tâm tần số vô tuyến chính – Roskomnadzor, chịu trách nhiệm kiểm soát mạng Internet ở Nga, là đội ngũ các chuyên gia hay các nhà phân tích về công nghệ thông tin. Họ rà soát khắp các trang mạng Nga, mạng xã hội hay các nhóm trò chuyện, trên nền tảng nhắn tin Telegram, theo dõi và xử lý các nội dung có thể gây ra các vấn đề như biểu tình từ phe đối lập, biểu tình phản chiến Ukraina hay những lời lăng mạ tổng thống Nga Vladimir Putin.  

Về hoạt động của cơ quan này, RFI Tiếng Việt xin giới thiệu bài phân tích của thông tín viên Benoît Vitkine của nhật báo Pháp Le Monde ở Matxcơva, đăng ngày 10/02 vừa qua.  

Phần nổi của tảng băng chìm đó là : cấm sử dụng các mạng xã hội của nước ngoài, chặn các trang thông tin, tố tụng những người bấm nút « ưa thích - like » hoặc để lại bình luận trên các bài đăng trên mạng xã hội. Ngoài ra, còn có những hoạt động ngầm khác, với quy mô lớn hơn nhiều, nhắm tới việc bảo đảm mạng « Internet sạch » – đây cũng là tên của một trong những chương trình mật mà chính quyền Nga phát triển.   

Cụ thể chi tiết của hoạt động này được biết đến là nhờ vào một cuộc điều tra được đăng tải hôm 09/02, bởi nhiều trang mạng chuyên điều tra của Nga, tất cả các trang này hiện hoạt động bên ngoài lãnh thổ Nga (ProektMediazonaAgenstvo ou Radio Svoboda). Cuộc điều tra có thể được thực hiện được là nhờ vụ tấn công mạng xảy ra hồi tháng 11/2022, nhắm vào cơ quan giám sát Internet Roskomnadzor. Khoảng 700 000 thư điện tử và 2 triệu tài liệu đã bị các tin tặc Belarus thuộc tổ chức Cyber Partisans thu được.  

Trên giấy tờ, Roskomnadzor là một cơ quan hành chính rất bình thường, chịu trách nhiệm phân phối các tần sóng radio hoặc bảo đảm việc tuân thủ các luật bảo vệ dữ liệu các nhân. Thế nhưng, trên thực tế, cơ quan này đã bị chuyển đổi thành một tổ chức giám sát, kiểm duyệt và thậm chí xâm nhập vào toàn bộ các phân khúc của Internet.  

Kiểm duyệt thông tin chiến tranh Ukraina

Thông tin đáng chú ý đầu tiên từ vụ rò rỉ này, đó là quy mô phong tỏa (thông tin) được thực hiện từ khi « chiến dịch quân sự đặc biệt » của Nga bắt đầu ở Ukraina. Trong 9 tháng đầu của cuộc chiến, 150 000 trang mạng trên Internet và bài đăng trên mạng xã hội đã bị xóa, chủ yếu liên quan đến những tổn thất của quân đội Nga hoặc những cáo buộc về tội ác chiến tranh của lính Nga ở Ukraina. 72 phương tiện truyền thông Nga, 23 phương tiện truyền thông của nước ngoài và 630 trang mạng của Ukraina đã bị chặn truy cập.  

Trong khuôn khổ của công tác giám sát này, các nhân viên của cơ quan Roskomnadzor cũng chia sẻ một số phát hiện với các cơ quan khác, chẳng hạn như với văn phòng công tố, cảnh sát hoặc với Tổng cục An ninh Liên bang Liên bang Nga (FSB) và các cơ quan an ninh. Để đạt được mục tiêu này, các nhóm trò chuyện trực tuyến theo chủ đề được mở ra, với các tên « mời gọi » như « Thông tin sai lệch (về quân đội) », « Gây mất ổn định », hay « Can thiệp của nước ngoài ».  

Roskomnadzor cũng thiết lập các danh sách gồm hàng trăm nhà báo, blogger hay cả những chuyên gia thường trao đổi với những người này. Những người bị đưa vào trong danh sách đó được chỉ định như là các « tác nhân nước ngoài ». Một số người khác, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cũng bị giám sát theo cách thức tương tự.  

Ngăn chặn loan truyền thông tin "nhạy cảm"

Theo các cơ quan truyền thông của Nga, tham gia vào cuộc điều tra được công bố vào thứ Tư tuần trước, các báo cáo thường nhật của Roskomnadzor trên thực tế, được thực hiện dựa trên các nội dung loan truyền trên mạng Internet của Nga, theo 2 chủ đề được cho là nhạy cảm : sức khỏe của tổng thống Vladimir Putin và lệnh động viên sang chiến đấu ở Ukraina. Các nhiệm vụ chính xác hơn cũng được giao cho các cơ quan này, ví dụ như tiếp quản các dịch vụ về thời tiết trực tuyến và đưa các vùng lãnh thổ sáp nhập từ Ukraina vào chương trình dự báo thời tiết của Nga, như đã nói ở trên.   

Các « chiến dịch » đăng những bình luận tiêu cực tấn công một nhân vật nào đó bị coi là không trung thành. Cho đến nay, hành động này thường là do các nhóm « chiến binh mạng » - troll farm thuộc tổ chức của Evgueni Prigonjine thực hiện. Prigonijine là nhà sáng lập của tập đoàn bán quân sự Wagner, thân cận với điện Kremlin.  

Bên cạnh các « chiến binh mạng » các dịch vụ của cơ quan giám sát Roskomnadzor còn viện đến các robot mạng, cho phép nhanh chóng tạo ra nhiều tài khoản giả trên mạng xã hội, nhằm sàng lọc và giám sát các cuộc trò chuyện trong các nhóm kín.  

Nếu như kết quả của các công tác giám sát này không được nêu rõ thì đã có những công dân Nga bị kết án vì tội « đăng tải thông tin sai lệch », « làm mất uy tín quân đội » vì đã gửi những tin nhắn trong các nhóm kín trên mạng. Tuy nhiên, phần lớn những lần kết tội này đều là do những lời tố cáo từ các thành viên khác trong các nhóm trò truyện đó.  

Giám sát bằng trí tuệ nhân tạo

Cơ quan Roskomnadzor cũng đã phát triển các công cụ tối tân, phối hợp cùng các trường đại học, ví dụ như đại học Vật lý Công nghệ Matxcơva ( Institut de physique et de technologie de Moscou). Vào năm 2020, một khoa về kiểm soát của trường đã nhận được nhiệm vụ phát triển hệ thống được đặt tên là « Internet sạch », sử dụng trí tuệ nhân tạo để hệ thống hóa việc giám sát trên mạng.  

Theo thiết kế, hệ thống « Internet sạch » phải có khả năng nhận dạng các tin nhắn bị cấm trên phạm vi rộng với nội dung về : chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, kêu gọi các hành động công cộng bất hợp pháp, tuyên truyền các quan hệ bất truyền thống như đồng tính, hay việc chối bỏ các biểu tượng của Nhà nước Nga.   

Đại học Vật lý Công nghệ Matxcơva đã đóng góp bằng việc phát triển một hệ thống với tên gọi Okulus, có khả năng phát hiện không chỉ nội dung bằng văn bản mà còn bằng hình ảnh và video. Ngoài những nội dung được nêu ở trên, còn có những nội dung bị cấm khác như : chỉ trích chính quyền, thúc đẩy đối lập, thúc đẩy lối sống « child free » - không sinh con, nghiện ngập hay tự tử, hoặc những cách để trốn khỏi quân đội, « các hành động nghệ thuật phản cảm », các phương pháp Gene Sharp - lý thuyết gia về hành động chính trị không bạo lực)…  

Theo như các tài liệu mà nhóm tin tặc Belarus truyền lại cho các nhà báo Nga, các kho lưu trữ hình ảnh cũng được tạo ra để đào tạo hệ thống Okulus, có khả năng phát hiện các mục tiêu được đưa ra. Ở đó, ta có thể thấy những hồ sơ chứa các hình ảnh phản cảm đối với tổng thống và các so sánh tổng thống với các nhân vật tiêu cực, với mô tả cụ thể hơn, ví dụ như các tập hồ sơ với tên gọi « Putin được mô tả như là một con cua » hay những hình ảnh so sánh tổng thống với ma cà rồng hoặc Adolf Hitler.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.