Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - ẤN ĐỘ - TẬP TRẬN

Lần đầu tiên không quân Nhật - Ấn tập trận chung

Hôm qua, 16/01/2023, lần đầu tiên không quân của Nhật Bản và Ấn Độ đã có cuộc thao dượt chung trên không phận gần Tokyo, nhằm thể hiện quyết  tâm thắt chặt quan hệ về an ninh và quốc phòng trước đà bành trướng của Trung Quốc ở vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Các máy bay của không quân Ấn Độ tới sân bay Hyakuri, Nhật Bản để tham gia cuộc tập trận chung ở Omitama, Ibaraki, đông bắc Tokyo, Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 10/01/2023.
Các máy bay của không quân Ấn Độ tới sân bay Hyakuri, Nhật Bản để tham gia cuộc tập trận chung ở Omitama, Ibaraki, đông bắc Tokyo, Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 10/01/2023. AFP - STR
Quảng cáo

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường trình:

Các cuộc tập trận chung chưa từng có giữa Nhật Bản và Ấn Độ, mà lại là trong không phận Nhật Bản, diễn ra trong khuôn khổ liên minh không chính thức của Bộ tứ QUAD (Đối thoại bốn bên vì an ninh), quy tụ Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ. Một cơ chế mà Trung Quốc xem như là một khối NATO châu Á nhằm chống lại Bắc Kinh. 

Các cuộc thao dượt sẽ kéo dài 11 ngày tại căn cứ không quân Hyakuri, nằm ở phía đông bắc Tokyo, huy động 8 chiến đấu cơ F-2 và F-15 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cùng với 150 quân nhân của Không quân Ấn Độ. 

Nhật Bản đang lo ngại là “những gì đang diễn ra ở Ukraina có thể sẽ tái diễn ở vùng Đông Á”, nhất là khi họ thấy căng thẳng đang gia tăng chung quanh Đài Loan. Trung Quốc ngày càng  bị xem là một mối đe dọa. Cho nên, mục tiêu của liên minh QUAD là bảo đảm một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.  

Nhật Bản và Ấn Độ đã từng thao dượt chung tại vùng Ấn Độ Dương. Vào tháng 05/2021, các chiến hạm của Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã tập trận chung ở vùng Vịnh Bengale. Tham gia cuộc thao dượt còn có một hạm đội của Pháp, bao gồm tàu chở trực thăng Tonnerre và khu trục hạm Surcouf.  Hạm đội này sau đó đã tham gia các cuộc tập huấn trên biển và trên bộ ở Nhật Bản. Pháp có nhiều lãnh thổ ở vùng Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương.

Nhật Bản đã quyết định tăng gấp đôi ngân sách Quốc Phòng lên thành 2% GDP để nâng mức chi tiêu quân sự bằng với mức của các nước thành viên khối NATO.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.