Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - MIẾN ĐIỆN

Nhật ngừng đào tạo các sĩ quan quân đội Miến Điện

Sau cuộc đảo chính quân sự đầu năm 2021 tại Miến Điện, chính quyền Nhật Bản vẫn tiếp tục đào tạo các sĩ quan của quân đội Miến Điện ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, ngày hôm qua, bộ Quốc Phòng Nhật loan tin ngừng tiếp nhận hoàn toàn các sĩ quan Miến Điện kể từ năm học tới.  

Các sĩ quan Miến Điện diễu hành trong lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Lực lượng Vũ trang lần thứ 74 ở Naypyidaw, Miến Điện ngày 27/03/2019.
Các sĩ quan Miến Điện diễu hành trong lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Lực lượng Vũ trang lần thứ 74 ở Naypyidaw, Miến Điện ngày 27/03/2019. AP - Aung Shine Oo
Quảng cáo

Hãng tin Nhật NHK dẫn lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Aoki Takeshi, cho biết cụ thể là bộ này sẽ ngừng tiếp nhận các sĩ quan Miến Điện theo học tại Nhật, kể từ niên khóa tài chính 2023, bắt đầu vào tháng 4 năm tới. Riêng 11 sĩ quan Miến Điện đang đào tạo tại Học viện Quốc phòng Quốc gia sẽ vẫn được cho phép tiếp tục các đào tạo.  

Lý do bộ Quốc Phòng Nhật Bản đưa ra để hủy bỏ chương trình đào tạo này là bốn vụ hành quyết ở Miến Điện hồi cuối tháng 7 vừa qua, trong số các nạn nhân có các nhà tranh đấu dân chủ. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nhật Bản nhấn mạnh, ‘‘việc tiếp tục các hợp tác và trao đổi quân sự song phương giờ đây không còn phù hợp do việc giới quân sự Miến Điện đã làm ngơ trước các mối quan ngại sâu sắc của chính phủ Nhật Bản đưa ra trước khi diễn ra các vụ hành quyết’’.  

Áp lực trong nội bộ và từ Liên Hiệp Quốc 

Theo The Diplomat, sau các vụ hành quyết bị quốc tế lên án, một nhóm dân biểu Nhật Bản đã yêu cầu chính phủ Nhật chấm dứt chương trình đào tạo nói trên. Ngày 16/09 vừa qua, Phủ cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HCDH) ra báo cáo mô tả việc tập đoàn quân sự Miến Điện tiếp tục được hậu thuẫn về tài chính và quân sự, tạo điều kiện cho giới tướng lãnh gia tăng đàn áp phong trào dân chủ.Phủ cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt hậu thuẫn về tài chính và các hợp tác khác với tập đoàn quân sự Miến Điện.  

Một đại diện của tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW ở Nhật, ông Teppei Kasai, đã gọi quyết định nói trên của Tokyo là ‘‘một bước tiến’’, nhưng đồng thời kêu gọi chính phủ Nhật Bản tham gia chiến dịch trừng phạt của phương Tây nhắm vào các tướng lãnh Miến Điện và các doanh nghiệp có liên hệ với quân đội. 

Chương trình đào tạo dành cho các sĩ quan Miến Điện của Nhật bắt đầu từ năm 2015, khi lãnh đạo đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền. Sau cuộc đảo chính đầu năm 2021, bộ Quốc Phòng Nhật Bản còn tiếp nhận thêm tổng cộng 4 sĩ quan và 4 học viên sĩ quan Miến Điện.  

Theo nhận định của nhà báo Sebastian Strangio trên The Diplomat, quyết định duy trì chương trình đào tạo sĩ quan Miến Điện của Tokyo sau cuộc đảo chính có thể bắt nguồn từ ‘‘cách tiếp cận về cơ bản mang tính thực dụng của Nhật đối với Miến Điện và các xã hội phi dân chủ khác ở Đông Nam Á’’. Trong nhiều năm, Nhật Bản đã né tránh các lệnh trừng phạt và cấm vận thương mại do nhiều nước phương Tây áp đặt, khi cho rằng việc hợp tác mang tính xây dựng với giới tướng lĩnh là cách tốt nhất để khuyến khích thay đổi trong nội bộ quân đội Miến Điện, và ‘‘các trừng phạt mang tính đạo lý đạt rất ít kết quả, ngoại trừ việc mở ra những khoảng trống lớn, sẽ được Trung Quốc lấp đầy’’.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.