Vào nội dung chính
THÁI LAN - NHÂN QUYỀN

Thái Lan : Luật về tội khi quân trờ thành vũ khí đàn áp

Khi tiến hành cuộc đảo chính ngày 22/05/2015, tức là cách đây gần đúng một năm, phe quân sự đã biện minh rằng họ phải hành động như vậy để bảo vệ Hoàng gia Thái Lan, mà Hoàng gia này vốn đã được bảo vệ bằng một trong những đạo luật khắt khe nhất thế giới.

Tướng Prayuth Chan-ocha (T) trình diện vua Thái Lan Bhumibol (ảnh chụp ngày 22/07/14)
Tướng Prayuth Chan-ocha (T) trình diện vua Thái Lan Bhumibol (ảnh chụp ngày 22/07/14) AFP PHOTO / ROYAL BUREAU
Quảng cáo

Từ đó cho đến nay, chính quyền quân sự đã gia tăng trấn áp những người chỉ trích Hoàng gia Thái và coi đây là là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Liên đoàn quốc tế nhân quyền FIDH và Ủy ban Luật gia Quốc tế ICJ đã ghi nhận rằng trong vòng một năm, con số những người bị truy tố vì tội khi quân ở Thái Lan đã tăng lên đến một mức đáng ngại.

Theo FIDH, trước cuộc đảo chính tháng 5 năm ngoái, chỉ có 5 người Thái Lan thọ án tù vì tội phạm thượng. Thế mà trong vòng một năm qua, đã có ít nhất 47 người bị truy tố hoặc bị tuyên án vì tội khi quân. Trong số này, có cả các nghệ sĩ một đoàn kịch, một phụ nữ mắc bệnh tâm thần, bị xem là « có thái độ bất kính đối với bức chân dung quốc vương », một người bán sách rong, bán những sách bị cấm.

Theo hãng tin AFP, không chỉ những người bị tù vì tội khi quân, mà gia đình của họ cũng bị vạ lây, cụ thể là bị bạn bè, hàng xóm xa lánh, hoặc lúc nào cũng có cảm tưởng bị dò xét, bị theo dõi. Ai mà có bố mẹ phạm tội khi quân thì sẽ gặp khó khăn khi đi xin việc làm.

Năm nay 87 tuổi, quốc vương Bhumibol Adulyadej là một trong những vị vua lớn tuổi nhất còn trị vì trên thế giới. Ông vẫn được nhiều thần dân Thái Lan tôn sùng gần như là một vị thần. Ngay từ nhỏ, các em học sinh đã được dạy phải thờ kính quốc vương hơn cả cha mẹ.

Về luật pháp, điều luật về tội khi quân, còn được biết dưới tên là « điều luật 112 », quy định mức án tù lên tới 15 năm. Phe quân sự « hăng hái » bảo vệ Hoàng gia Thái đến mức hứa thưởng tiền cho những ai tố giác hành vi phạm thượng, thậm chí mở lại những hồ sơ vụ án cũ.

Trong bối cảnh này, báo chí ở Thái Lan, kể cả báo chí nước ngoài, lại càng phải tự kiểm duyệt, cố không để lọt những bài có nội dung bị xem là xúc phạm nhà vua.

Là một trong những nhà phân tích hiếm hoi ở Thái Lan dám bình luận về vấn đề này, ông David Streckfuss cho rằng tội khi quân nay bị xem gần như là tội phản quốc, tội chống Nhà nước. Từ cảnh sát, thẩm phán, tòa án cho đến các công chức, ai cũng sợ bị xem là bất trung với Hoàng gia, cho nên mọi người đều tích cực xử lý những tố giác về tội khi quân.

Đối với tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch, việc áp dụng luật một cách cứng rắn rõ ràng có một tác động tai hại lên quyền tự do ngôn luận và điều này trái ngược với lời hứa của tập đoàn quân phiệt là sẽ tôn trọng nhân quyền ở Thái Lan.

Trong bối cảnh căng thẳng chung quanh vấn đề nối ngôi quốc vương Bhumibol, phe quân sự bị cho là dùng luật về tội khi quân để bịt miệng các đối thủ chính trị.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.