Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - DU LỊCH

Iceland, điểm đến du lịch đắt nhất châu Âu

Bạn có biết quốc gia châu Âu nào tương đối nhỏ nhưng giá sinh hoạt lại rất đắt đỏ ? Trả lời câu hỏi này, hầu hết du khách Pháp đều nghĩ trước hết tới Thụy Sĩ, sau đó là Na Uy. Nhưng thật ra trong số các nước có đời sống đắt đỏ nhất châu Âu, đứng đầu vẫn là... Iceland.

Suối nước nóng tự nhiên ở Iceland. Du khách đặc biệt thích Hồ xanh gần Grindavik.
Suối nước nóng tự nhiên ở Iceland. Du khách đặc biệt thích Hồ xanh gần Grindavik. Reuters/Bob Strong
Quảng cáo

Theo phụ trang văn hóa báo Le Figaro ngày 22/07/2019, từ áo quần, giầy dép, thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, tiền vé di chuyển..., giá hàng hóa hay giá các dịch vụ tiêu dùng ở Iceland đều rất cao. Tính trung bình, giá cả ở Iceland đắt hơn 56% so với các nước châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, trong khi chênh lệch giữa Thụy Sĩ với các quốc gia láng giềng là khoảng từ 35% đến 40%.

Tại Iceland, một chiếc bánh pizza phô mai thông thường được bán với giá 17 euro (so với 11,7 euro tại Paris và Bordeaux), giá nhà trọ sinh viên lên tới 50 euro một đêm (giá trung bình tại Paris là 18 euro), một cặp vợ chồng đi ăn nhà hàng cỡ trung bình phải thanh toán khoảng 85 euro, chưa kể đến rượu vang (50 euro tại Paris cho hai thực klhách).

Giá sinh hoạt của hòn đảo Bắc Âu làm cho nhiều du khách Pháp phải chắc lưỡi chau mày khi ghé thăm Iceland. Họ biết là Iceland đắt hơn Pháp, nhưng không ngờ là đắt đến như vậy, vì nếu thật tình phải so sánh trong từng lãnh vực, vùng đất lạnh Iceland đắt hơn cả Thụy Sĩ hoặc Na Uy, vốn nổi tiếng là những quốc gia có đời sống cao nhất nhì châu Âu.

Theo số liệu chính thức do cơ quan Eurostat công bố vào cuối tháng 06/2019, trên lãnh vực mua sắm hàng hóa và giá dịch vụ tiêu dùng Iceland dẫn đầu bảng (quần áo, bàn ghế, điện thoại, đồ gia dụng, nhà hàng, khách sạn, giao thông...) vượt qua mặt tất cả các nước châu Âu khác. Ngoại trừ rượu, thuốc lá và một số thực phẩm, Iceland đứng hạng nhì, chỉ thua Na Uy, nhưng vẫn cao hơn Thụy Sĩ.

Riêng về điểm này, mạng thông tin của sách hướng dẫn du lịch Le Guide des Routards cho biết thêm chi tiết, nếu phải so sánh giá sinh hoạt hai thành phố Reykjavik với Paris, thủ đô Iceland đắt hơn thủ đô Pháp 71% về giá phòng khách sạn, 38% nhà hàng, 44% giá thực phẩm, 52% tiền vận chuyển, 57% phí tham quan giải trí, 36% tiền mua sắm…

Vì sao chênh lệch giữa Iceland và các nước châu Âu khác lại cao đến như vậy ?

Theo ông Konrad Gudjonsson, trưởng ban kinh tế làm việc Phòng Thương mại quốc gia, Iceland là một quốc gia vừa nhỏ, vừa không có nhiều dân. Khoảng 357.000 dân sống trên đảo Iceland phần lớn phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu, hầu hết các nhu yếu phẩm cũng như hàng hóa dùng trong cuộc sống thường nhật đều là ‘‘hàng ngoại’’. Đất nước Iceland nhỏ đến nỗi các công ty kinh doanh bản địa rất khó thể nào có được một mô hình kinh tế tương tự như các công ty lớn hơn gấp 100 lần ở những nước châu Âu khác.

Theo Viện Thống kê Quốc gia Iceland, mức lương trung bình trên hải đảo này là khoảng 4.450 euro (chưa trừ thuế) và mức lương tối thiểu là 2.376 euro (cao gần gấp đôi so với Pháp). Giá đồng krone của Iceland tương đối cao, khiến cho lạm phát cũng có chiều hướng đi lên so với những năm trước. Dân Iceland có lẽ đã quá quen với giá sinh hoạt cao do đa số là hàng nhập khẩu. Nhưng du khách nước ngoài, đặc biệt là dân Ý, khó thể nào hình dung được một chiếc bánh pizza đắt gấp đôi so với ở xứ của họ.

Iceland từng trải qua cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng vào năm 2008, ngành kinh tế ngân hàng Iceland gần như phá sản. Nhưng Iceland không phải là thành viên Liên Hiệp Châu Âu, và nhờ biết thắt lưng buộc bụng, kèm theo việc phá giá đồng tiền, người dân cũng cố gắng chịu đựng khi phải trả thêm thuế, Iceland dần dần thoát ra khỏi khủng hoảng. Nhưng trong vòng nhiều năm liền, dân Iceland mất một phần ba sức mua, mặc dù lương bổng của họ không hề thay đổi.

Ngày nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Iceland được duy trì ở mức thấp 2,5% so với đa số các nước châu Âu. Tuy nước này đã tìm lại được mức tăng trưởng (khoảng 2,8%) trong năm 2019, nhưng mức tăng trưởng này vẫn chưa thật sự là bền vững. Kinh tế Iceland trước đây dựa trên ngành đánh cá và dịch vụ tài chính ngân hàng. Quốc gia này cũng tìm thấy một nguồn lợi tức đáng kể nhờ du lịch.

Nước này thu hút 2 triệu du khách hàng năm, tức cao gấp 6 lần dân số (350.000 người). Iceland có nhiều suối nước nóng tự nhiên, phong cảnh núi lửa vô cùng hoang sơ, thiên nhiên cực kỳ hùng vĩ. Iceland cũng có nhiều nguồn năng lượng sạch như địa nhiệt và thủy lực, cho dù chưa được khai thác đúng mức. Rất nhiều clip quảng cáo, video ca nhạc hay phim truyện màn ảnh lớn thường được quay tại Iceland, và nhờ vậy mà thu hút thêm khách du lịch bốn phương.

Tuy nhiên, khác với trường hợp của Bồ Đào Nha, được xem như là điểm đến số 1 của châu Âu năm 2019, giá sinh hoạt đắt đỏ làm khựng lại đà phát triển của ngành du lịch Iceland. Gần đây, sự kiện công ty hàng không quốc gia Icelandair buộc phải tạm thời ngưng sử dụng các máy bay 737 MAX, cũng như hãng hàng không giá rẻ WOW Air tuyên bố phá sản hồi tháng 03/2019, đã khiến cho nhân viên các ngành liên quan tới du lịch như khách sạn, nhà hàng hay tổ chức tour tham quan lại càng cảm thấy bấp bênh hơn. Ngành du lịch Iceland có nhiều tiềm năng, nhưng tương lai chưa hẳn là tươi sáng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.