Vào nội dung chính
Y TẾ - KHOA HỌC

Bệnh Parkinson cũng là do … ruột thừa

Trong một thời gian dài, bệnh Parkinson (bệnh liệt rung) vẫn được xem là một căn bệnh của bộ não, nhưng nhiều công trình nghiên cứu cũng đã nêu lên vai trò của hệ tiêu hóa.

Tay rung của một bệnh nhân Parkinson
Tay rung của một bệnh nhân Parkinson Getty Images/japatino
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, một công trình nghiên cứu được công bố tại Hoa Kỳ hôm qua, 31/10/2018, đặc biệt quan tâm đến một bộ phận "thừa thãi", đúng như tên gọi của nó, đó là ruột thừa.

Dựa trên các dữ liệu tình trạng sức khỏe của 1,7 triệu người Thụy Điển, mà trong đó có một số người được theo dõi từ nửa thế kỷ qua, các tác giả công trình nghiên cứu này đã chứng minh rằng, những người đã cắt ruột thừa từ nhỏ, thì nguy cơ mắc bệnh Parkinson giảm đi 17%.

Tác động của việc cắt ruột thừa được thấy rõ nhất ở những người Thụy Điển sống tại nông thôn, với nguy cơ mắc bệnh Parkinson giảm đến 25%, trong khi tại các vùng đô thị, việc giảm nguy cơ mắc bệnh này đã không được quan sát thấy.

Tác giả chính của công trình nghiên cứu, bà Viviane Labrie thuộc Viện nghiên cứu Van Andel, bang Michigan, cho biết là về những người đã phát triển bệnh Parkinson, các nhà nghiên cứu nhận thấy là bệnh này xuất hiện trung bình trễ hơn 3 năm rưỡi trong số những người đã cắt ruột thừa.

Từ những kết quả nói trên, các tác giả công trình nghiên cứu nghĩ rằng ruột thừa có thể đóng một vai trò nào đó vào lúc khởi đầu bệnh Parkinson, nhưng bà Labrie nhấn mạnh chắc chắn là vai trò của bộ phận này không phải là duy nhất.

Những bệnh nhân Parkinson thường bị các vấn đề về hệ tiêu hóa, như bón, khoảng 10 năm hay hơn thế trước khi xuất hiện các triệu chứng liệt rung đầu tiên. Chính vì vậy mà các nhà khoa học mới quan tâm đến vai trò của hệ tiêu hóa.

Riêng ruột thừa là nơi tích trữ các vi khuẩn đường ruột và dường như cũng đóng vai trò trong hệ miễn dịch. Đây cũng là nơi chứa một loại protein mang tính chất chủ chốt trong căn bệnh Parkinson, có tên là alpha-synuclein. Protein này có trong ruột thừa của mọi người, dù là bệnh hay không. Cho nên các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng một dạng bất thường của alpha-synuclein đôi khi thoát ra khỏi ruột thừa và tiến về phía não, gây tổn hại cho bộ phận này và góp phần gây ra bệnh Parkinson.

Nhưng các tác giả công trình nghiên cứu nhấn mạnh là họ không khuyến cáo mọi người nên đi giải phẫu cắt ruột thừa, nói cách khác họ không hề khẳng định ai cắt ruột thừa thì sẽ không bị Parkinson !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.