Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Bảo tồn đa dạng sinh học: Lần đầu tiên quốc tế đạt thỏa thuận tài trợ

Tối thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy 20/10/2012, tại Hyderabad (Ấn Độ) cộng đồng quốc tế đã đạt được một thỏa thuận quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trên trái đất.

Một con vẹt đuôi dài Nam Mỹ thuộc loài Scarlet Macaw đang bị đe dọa vì nạn phá rừng, vừa được một hiệp hội môi trường can thiệp thả trở vào rừng ở Paquera, San Jose ngày 19/10/2012.
Một con vẹt đuôi dài Nam Mỹ thuộc loài Scarlet Macaw đang bị đe dọa vì nạn phá rừng, vừa được một hiệp hội môi trường can thiệp thả trở vào rừng ở Paquera, San Jose ngày 19/10/2012. REUTERS/Juan Carlos Ulate
Quảng cáo

Hội nghị về đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc tại Ấn Độ, với sự tham gia của hơn 180 quốc gia, đã diễn ra trong vòng hai tuần lễ. Sau nhiều thương thuyết cam go, hội nghị đã đi đến đồng thuận trong việc xác địch mục tiêu tài trợ quốc tế.

Cụ thể là, theo Bộ trưởng Môi trường Pháp Delphine Batho, thỏa hiệp đạt được dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ đây cho đến năm 2015, các hỗ trợ tài chính cho việc bảo tồn đa dạng sinh học tại các nước đang phát triển. Bộ trưởng Môi trường Pháp ghi nhận « đây là lần đầu tiên trong lịch sử một mục tiêu tài trợ quốc tế cho đa dạng sinh học đã được ấn định ». Bên cạnh đó, thỏa thuận này cũng dự kiến tiến hành kiểm kê các vùng biển có giá trị về sinh thái và sinh vật. Khoảng 50 vùng biển nhạy cảm, đặc biệt bao gồm Địa Trung Hải, đã được xác định.

Theo Bộ trưởng Môi trường Pháp, hội nghị Hyderabad đã thành công trong việc tiếp tục các nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh thái toàn cầu từ hội nghị Nagoya 2010. Thỏa thuận về mục tiêu tài trợ để bảo vệ đa dạng sinh vật là vấn đề đã được đặt ra tại Nagoya, nhưng bị đình hoãn lại do tình hình kinh tế toàn cầu vào thời điểm đó.

Sau hội nghị thượng đỉnh Rio+20 mùa hè 2012 về biến đổi khí hậu, bị đánh giá là không mang lại mấy kết quả, hội nghị Hyderabad được coi là một bước tiến dài trong việc bảo vệ sinh vật ở các vùng biển sâu, ngày càng bị các tàu cá và các tập đoàn dầu khí đe dọa.

Theo các chuyên gia, việc khai thác tận lực các tài nguyên, rừng bị phá hủy, ô nhiễm, biến đổi khí hậu là những nguyên nhân khiến cho nguy cơ diệt vong của các giống loài cao hơn rất nhiều lần so với những gì đã được biết đến cho đến nay. Gần 1/3 các loài sinh vật của nguy cơ biến mất như ghi nhận của Liên minh quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (UICN) trong cuốn Sách đỏ mới công bố.

Sự suy vong của các loài sinh vật ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người, vì nhiều phương tiện sinh tồn và nhiều hoạt động kinh tế của con người dựa vào sự ổn định của các môi trường sinh thái.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.