Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Hà Nội qua cảm xúc của một cựu đại sứ Pháp

Đăng ngày:

Ngày 14/07/2016, lần cuối cùng ông Jean-Noël Poirier chủ trì lễ Quốc khánh Pháp với tư cách là đại sứ Pháp tại Việt Nam. Tiếng nhạc rộn ràng, tiếng chúc mừng, cười nói, nhưng tâm trí của ông đồng thời hướng ra phía ngoài thành phố, nơi để lại cho ông biết bao kỉ niệm trong bốn năm làm đại sứ.

Phố cổ Hà Nội vào thu cây bàng lá đỏ
Phố cổ Hà Nội vào thu cây bàng lá đỏ pixabay.com/9636137
Quảng cáo

Khác với đa số đại sứ thường viết hồi kí, ông Jean-Noël Poirier chọn làm phim Mon Hanoi - Hà Nội của tôi để lưu lại cảm xúc, cũng như chia sẻ quan sát của ông về người dân Việt Nam qua cách sống của họ ở Hà Nội. Vì những thước phim sống động, những lời tự sự thân mật, dễ đi vào lòng người và ít hàn lâm hơn, như giải thích của ông với RFI Tiếng Việt.

“Ở Hà Nội, ngay lập tức tôi có cảm giác như đang ở nhà, tôi thấy rất thoải mái. Ở Hà Nội, tôi có cảm giác gần gũi, thân quen. Khi phân tích sâu hơn một chút cảm giác này, tôi thấy Hà Nội có gì đó hơi giống Paris khi tôi còn trẻ trong những năm 1960-1970. Đó là một thành phố còn rất bình dân, rồi sau đó phát triển nhanh chóng với những công trình được xây khắp nơi, nhưng lại luôn giữ được nếp sống dân dã ở góc phố.

Ngay ở trung tâm thành phố vẫn có những gánh hàng rong bày bán ăn trưa, những người bán ngô dạo với cả một nồi to ở sau xe, như thời tôi còn trẻ, có những người lau chùi cửa kính đi dọc phố và rao “Thợ lau kính đây !”, giống những tiếng rao của người bán hàng rong ở Hà Nội ngày nay. Tôi tìm thấy ở Hà Nội hình ảnh của một Paris dân dã ngày xưa, mà giờ không còn nữa”.

Hà Nội được xây dựng trong giai đoạn đẹp nhất của kiến trúc thế giới

Hà Nội của cựu đại sứ Pháp là tiếng rao hàng rong, tiếng khoan cắt của thợ làm đường, là hình ảnh người lái xe ôm chống cằm chờ khách, các bà, các chị tập thể dục buổi sáng quanh Hồ Gươm, là tiếng trẻ con ríu rít nô đùa trên hè phố, rồi những cột điện chằng chịt, nặng chĩu dây mà ông cho rằng người thợ phải cực kì kiên nhẫn mới tìm ra được đường dây cần sửa, và không quên được những mảng tường rêu phong, loang lổ, những ngôi nhà hình ống mà ông tưởng như trò chơi lego, và đặc biệt là những biệt thự cổ thời Pháp mang đậm nét kiến trúc thuộc địa.

“Ở Hà Nội, có những nét kiến trúc Pháp giai đoạn cuối thế kỷ 19-nửa đầu thế kỷ 20 mà tôi cho rằng đó là giai đoạn đẹp nhất của kiến trúc hiện đại. Từ khoảng 1870 đến 1950, có rất nhiều công trình đẹp được xây dựng, ngay cả các tòa nhà cũng được trang trí. Kiến trúc trong giai đoạn này đã thành công rực rỡ. Và Hà Nội may mắn được xây dựng vào đúng thời kỳ mà nền kiến trúc thế giới nổi tiếng là đẹp, còn kiến trúc Pháp thì đang trên đỉnh cao về tính hiện đại và tao nhã”.

Hà Nội như một bài học ngoài trời về lịch sử kiến trúc, từ nghệ thuật mới đến art décor hoặc những đường nét tối giản của những năm 1940 đều xuất hiện trên những ngôi nhà, biệt thự hay tòa nhà công sở ở Hà Nội.

“Hà Nội và người Hà Nội rất gắn bó với di sản có từ thời thuộc Pháp. Rất nhiều công trình được xây trong giai đoạn đó hiện bị xuống cấp và chịu nhiều biến đổi lớn trong nhiều năm gần đây. Nhưng đúng là hão huyền khi nghĩ rằng có thể khôi phục, trả lại nguyên trạng cho tất cả những ngôi nhà đó vì hiện nay, trong một số biệt thự đó có đến 15 hộ gia đình sinh sống, thay vì trước đây chỉ có một gia đình. Vì thế vườn tược biến mất, người ta xây thêm tầng và làm thay đổi hoàn toàn những căn biệt thự đó.

Theo tôi, những căn nhà đó khó lòng mà phục hồi lại được. Vả lại tôi không chắc là nên cải tạo lại chúng vì chúng đã trở thành một cái gì đó rất khác. Ngoài ra, có một số căn biệt thực mang tính biểu tượng đặc biệt, không bị chia thành nhiều hộ khác nhau. Chúng vẫn trong tình trạng tốt và đáng được trùng tu”.

Vùng Ile-de-France của Pháp và thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều dự án hợp tác trùng tu và còn một số dự án khác sẽ được triển khai. Ông Jean-Noël Poirier cho biết, không chỉ dừng ở những công trình cổ, chương trình hợp tác của vùng Ile-de-France còn có mục tiêu cao hơn : đáp ứng những thách thức mới nảy sinh trong quá trình đô thị hóa ở Hà Nội, như ô nhiễm không khí, tắc đường…

“Hà Nội có chung thách thức như những đô thị không ngừng mở rộng khác do tình trạng nhập cư, mỗi năm lại có tương đương một quận mới được hình thành. Tình trạng này sẽ không ngừng, ở Hà Nội, hay ở thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển sẽ tiếp tục và kéo theo tình trạng ô nhiễm và đáng tiếc là sẽ còn tồn tại trong thời gian dài trước khi giải quyết được vấn đề. Vì thế, chương trình hợp tác, dĩ nhiên không chỉ với mỗi Pháp, cố gắng giúp đỡ hết sức chính quyền Việt Nam xử lý tình trạng này.

Bắc Kinh từng gặp vấn đề ô nhiễm trong vòng vài chục năm. Nhưng không khí ở Bắc Kinh đã được cải thiện từ vài năm gần đây. Vì thế, cần lạc quan ! Sau giai đoạn chất lượng không khí bị sụt giảm, có thể xem xét lại vấn đề và tôi hy vọng là Hà Nội sẽ thành công”.

Hà Nội như một nhà hàng lớn ngoài trời

Hiếm có một vị đại sứ nào lại thích “la cà” hàng quán vỉa hè như vậy. Để khám phá một Hà Nội khác, bình dị, ông học đi xe máy để dễ lách trong những con ngõ nhỏ ở khu Văn Chương. Để thưởng thức vị thật của ẩm thực Hà Nội, ông sẵn sàng kéo ghế đẩu, ngồi vỉa hè vì “ngon nhất là ăn uống ngoài đường phố”.

“Ăn ở vỉa hè, tôi rất thích đi phố cổ, vừa là một khu du lịch, vừa là một khu bình dị, rất tấp nập. Trong phố cổ có nhiều quán cơm vỉa hè rất ngon và rất đa dạng, rất phong phú. Nhưng khu nào cũng có nhiều nơi ăn bánh cuốn, ăn bún đậu mắm tôm. Tất cả các loại món ăn miền Bắc thì đều ăn được tại Hà Nội”.

Nguyên đại sứ Pháp ví “Hà Nội như một nhà hàng lớn ngoài trời”. Ông lập riêng một danh sách các địa chỉ “bí mật” mà ông vẫn tự hào dẫn bạn bè tới khám phá : “Không xa đại sứ quán Pháp có quán bánh xèo tuyệt ngon. Ở khu thành công, có bánh cuốn Lào Cai, với nguyên liệu do tự tay bà chủ chế biến. Và dĩ nhiên còn có món phở bò yêu thích của tôi nữa. Nhưng tôi sẽ không tiết lộ để địa chỉ, để tránh ghen tị”.

Và khi trả lời RFI Tiếng Việt, ông vẫn giữ riêng cho mình quán phở “ruột”.

“Rất nhiều người hỏi tôi địa chỉ của quán phở bò ngon nhất tại Hà Nội. Đây là một bí mật rất riêng. Nói chung, có thể nói phở bò ở Hà Nội là cực kỳ ngon. Khắp nơi trong thành phố, có thể tìm thấy một quán cà phê và một quán phở ngon và sạch”.

Trong phim của ông, dù có mải mê tìm hiểu, Hà Nội vẫn giấu trong mình những nét bí ẩn, cần kiên nhẫn khám phá và đôi khi chút tình cờ cũng mang lại điều thú vị, như khu Văn Chương, “nơi lý tưởng để thoát khỏi công việc văn phòng khi tản bộ” và làm ông liên tưởng đến Belleville, Ménilmontant ở Paris.

“Để khám phá nét đẹp và duyên của Hà Nội, phải mất một chút thời gian. Có lẽ, đối với khách nước ngoài đến Hà Nội lần đầu tiên, thì khó hiểu và khó tìm thấy những điểm thú vị của Hà Nội. Ví dụ, các biệt thự cũ, các khu bình dị được giới thiệu trong phim, thì phải đi hơi xa, không phải trong trung tâm thành phố, phải đi khu khác mà bình thường khách du lịch không đi.

Có một địa điểm “hotspot”, một địa điểm du lịch “nóng” bây giờ ở Hà Nội mấy tháng vừa qua là đường sắt. Có nhiều quán cà phê mọc lên hai bên đường sắt. Có rất nhiều khách du lịch, kể cả Việt Nam và nước ngoài, đi dọc đường sắt để nhìn thấy tầu hỏa đi qua, đi ra đi vào ga Hà Nội. Đây là một cảnh rất ấn tượng !”

Phố cà phê tầu hỏa đã bị cấm vì an toàn của người dân. Phong cảnh, nét sống ở Hà Nội khiến ông Jean-Noël Poirier có cảm giác như cùng lúc vừa ở Pháp, vừa ở Việt Nam. Vì thế, trút trang phục đại sứ sau bốn năm nhiệm kỳ, ông quyết định thử sống như người Hà Nội, với một công việc… rất khác.

“Sau khi hết nhiệm kỳ, tôi quyết định thành lập một công ty tư vấn cho công ty nước ngoài và những dự án lớn nước ngoài muốn đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Làm doanh nghiệp ở Việt Nam không dễ lắm đối với người nước ngoài, cách làm việc khác một chút với cách làm của phương Tây. Và đây là công ty đầu tiên.

Năm ngoái (2018), tôi cũng quyết định thành lập một công ty thứ hai, nhưng trong lĩnh vực dịch vụ cho cá nhân. Đây là một công ty giặt là, giặt khô kiểu Pháp. Tại vì làm đại sứ 4 năm ở Hà Nội, tôi thấy là dịch vụ giặt khô ở thủ đô Hà Nội chưa đạt tới tiêu chuẩn châu Âu. Tôi đã mở một cửa hàng trong trung tâm thành phố và tháng sau (tháng 11) sẽ mở hai cửa hàng khác trong khu Mỹ Đình và Tây Hồ”.

***

Bài hát được sử dụng trong phim và tạp chí : Nhớ mùa thu Hà Nội, sáng tác Trịnh Công Sơn, do ca sĩ Giang Trang trình bày.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.