Vào nội dung chính
VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

Bãi Tư Chính: Hà Nội gián tiếp gợi lên phán quyết PCA khi phản đối Bắc Kinh

Hà Nội vào hôm qua, 03/10/2019, một lần nữa lại lên tiếng phản đối Bắc Kinh cho tàu mở rộng hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông, đồng thời tái khẳng định Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Điều được giới quan sát chú ý là một lần nữa, Việt Nam đã viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực (La Haye) bác bỏ đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không nói thẳng mà chỉ gợi lên gián tiếp.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 25/07/2019.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 25/07/2019. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Trong buổi họp báo thường kỳ tại Hà Nội, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã tố cáo việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã trở lại hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, thậm chí còn mở rộng phạm vi hoạt động, “vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với các quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Ngoài việc yêu cầu Bắc Kinh rút ngay tàu của họ ra khỏi vùng biển Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng còn nhắc lại quyết tâm của Việt Nam “kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép”.

Cũng hôm qua, Việt Nam còn bác bỏ lập luận được phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra hôm 18/09, tố cáo Việt Nam xâm phạm vùng biển Trung Quốc ở Bãi Vạn An, tên Bắc Kinh đặt cho bãi Tư Chính. Theo bà Lê Thị Thu Hằng: “Khu vực mà Trung Quốc gọi là 'bãi Vạn An' thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982".

Đối với phát ngôn viên Việt Nam: “Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào” để đưa ra yêu sách đối với khu vực Bãi Tư Chính vì “Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này”.

Nhóm từ “thực tiễn xét xử thời gian qua” chính là để chỉ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016, bác bỏ giá trị pháp lý của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Đây là lần thứ hai mà Việt Nam viện dẫn – dù gián tiếp – phán quyết La Haye về Biển Đông. Hôm 12/09, trong một tuyên bố phản đối hành vi của tàu Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, bà Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền thuộc các vùng biển của mình và “điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử, cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế”.

Tuyên bố hôm qua của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, về việc tàu khảo sát Trung Quốc mở rộng hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã chính thức xác nhận thông tin lưu hành trên internet từ mấy ngày qua.

Ngay từ hôm 30/09, trong một tin nhắn Twitter, giáo sư Ryan Martinson thuộc trường Hải Chiến Mỹ, người đã theo dõi sát hoạt động của chiếc tàu khảo sát Trung Quốc trong thời gian gần đây, đã công bố một bản đồ có ghi lại tín hiệu nhận dạng tự động của tàu Trung Quốc.

Tấm bản đồ cho thấy là từ ngày rời Đá Chữ Thập ở Trường Sa hôm 27/09 cho đến ngày 30/09, chiếc tàu khảo sát HD 8 đã đi ngược lên phía bắc để thăm dò một khu vực dọc theo bờ biển Việt Nam từ Phan Thiết lên đến gần Quảng Ngãi. Một tin nhắn Twitter từ một tài khoản khác đã ước tính rằng vùng hoạt động của tàu Trung Quốc chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 250 km.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.