Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - NGOẠI GIAO

Duterte rời Trung Quốc: Triển vọng nào cho dự án dầu khí Manila–Bắc Kinh?

Hôm nay, 01/09/2019, tổng thống Philippines trở về nước sau chuyến công du Trung Quốc 5 ngày. Việc lần đầu tiên nguyên thủ Philippines chính thức nêu với Trung Quốc phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, xử thắng cho Manila trong vụ kiện Bắc Kinh về Biển Đông, gây nhiều phản ứng khác nhau. Điểm gây chú ý đặc biệt khác là việc Manila và Bắc Kinh lập ban chỉ đạo liên chính phủ để khai thác dầu khí chung.

Quảng cáo

Hãng tin Philippines ABS-CBN cho biết tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về đến sân bay Villamor sáng sớm nay. Người phát ngôn của tổng thống, ông Salvador Panelo, ra thông cáo khẳng định chuyến công du lần thứ năm của tổng thống Duterte đến Trung Quốc « đã thu hoạch nhiều thành công ». Phát ngôn viên của tổng thống cũng nhấn mạnh là nguyên thủ hai nước đã có « các trao đổi thẳng thắn » và hữu nghị về những tranh chấp song phương trên biển, hai bên thống nhất « tự kiềm chế », « tuân thủ Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS), đặc biệt là tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông ».

Theo phủ tổng thống Philippines, các vấn đề liên quan đến Biển Đông - bao gồm cả phán quyết của Tòa án La Haye bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông, cũng như tiến độ đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Bắc Kinh – đã được hai bên đề cập. Việc tổng thống Philippines nêu thắng lợi La Haye trước Trung Quốc, cho dù bị chủ tịch Trung Quốc phản đối, đã được một bộ phận dư luận trong nước hoan nghênh.

Trong lúc, giới chức Trung Quốc yêu cầu chính quyền Philippines không nêu trở lại phán quyết La Haye, cựu ngoại trưởng Albert del Rosario – kiến trúc sư vụ kiện Biển Đông - hôm 30/08 đã kêu gọi tổng thống Duterte nỗ lực đưa phán quyết La Haye ra trước Liên Hiệp Quốc. Theo ông, phán quyết về Biển Đông đã trở thành một bộ phận hữu cơ của luật pháp quốc tế. Giữ im lặng, sau khi phán quyết bị Bắc Kinh bác bỏ, là « phản bội » niềm tin của công chúng.

Theo báo Inquirer, về phần mình, phủ tổng thống Philippines nhấn mạnh là tổng thống Duterte đã khẳng định trước lãnh đạo Trung Quốc rằng phán quyết La Haye « tính quyết định, ràng buộc và không thể khiếu nại ». Và trong các lần hội kiến tới, ông Duterte sẽ không nêu trở lại vấn đề này với Trung Quốc.

Khai thác chung: Bước tiến thứ ba

Ngoài 6 thỏa thuận hợp tác Philippines - Trung Quốc trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, công nghệ, tài chính…, một điểm đáng chú ý khác là, trong chuyến công du của nguyên thủ Philippines, Manila và Bắc Kinh đã quyết định thành lập ban chỉ đạo liên chính phủ nhằm hướng đến thăm dò và khai thác chung các nguồn tài nguyên dầu khí tại một số nơi ở Biển Đông. Đây được coi là bước thứ ba trên đường hướng đến mục tiêu này. Bước thứ nhất là vào tháng 11/2018, Bắc Kinh và Manila ký một Biên bản ghi nhớ (MOU) « nhằm tạo lập một khuôn khổ không mang tính ràng buộc pháp lý ». Bước thứ hai vào tháng 7/2019 vừa qua là Thỏa thuận về các điều khoản tham chiếu (TOR).

Quyết định hợp tác với Trung Quốc khai thác dầu khí tại một số khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines như vùng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank hay Recto Bank), nhưng bị Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền, của tổng thống Philippines, gây phân hóa sâu sắc công luận nước này, trong bối cảnh phán quyết của Tòa La Haye năm 2016 đã bác bỏ hoàn toàn các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông, trong đó có vùng Bãi Cỏ Rong (1).

Nếu như chính quyền Duterte khẳng định đây là một giải pháp có thể giúp làm dịu tình hình Biển Đông, hóa giải nguy cơ xung đột, biến đối thủ thành đối tác, thì nhiều chính trị gia, chuyên gia lại lên án tổng thống Duterte phản bội tổ quốc, nhân nhượng chủ quyền đổi lấy các lợi ích kinh tế. Câu hỏi liệu dự án hợp tác song phương khai thác dầu khí Philippines – Trung Quốc, có trở thành hiện thực hay không, và, nếu thành công liệu có dẫn đến việc Manila phải nhân nhượng về quyền chủ quyền hay không, hiện vẫn còn để ngỏ.

Bắc Kinh trên đường thừa nhận quyền chủ quyền của Manila ?

Về vấn đề này, trong một cuộc thảo luận với xã hội dân sự và giới nghiên cứu về chủ đề « Nền dân chủ và tình trạng bóp méo thông tin » tại trường Đại học Davao, ít ngày trước chuyến công du của tổng thống Philippines, thẩm phán Antonio T. Carpio, thành viên Tòa Án Tối Cao Philippines, khẳng định: với việc chấp nhận tham gia khai thác dầu khí chung tại các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, theo luật pháp Philippines, Bắc Kinh đang trên đường thừa nhận quyền chủ quyền của Philippines tại các khu vực này. Công thức ăn chia 40/60, với 60% lợi nhuận thuộc về nước chủ nhà và 40% thuộc về công ty nhận thầu, theo luật Philippines, chính là điều mà Manila từng áp dụng với các đối tác khác, như các tập đoàn Shell hay Exxon.

Thẩm phán Tòa Án Tối Cao nói rõ : « Nếu Trung Quốc thông qua Tập đoàn Nhà nước CNOOC mua cổ phần của nhà thầu dịch vụ hoặc trở thành nhà thầu phụ của nhà thầu dịch vụ Philippines, điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh chấp nhận Philippines có quyền chủ quyền đối với khu vực được giao cho nhà thầu dịch vụ ».

Thẩm phán Carpio – được coi là một tiếng nói tiêu biểu bảo vệ quyền lợi của Philippines trên biển, cũng là một thành viên trụ cột của nhóm chuyên gia chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc lên tòa án La Haye năm 2013 - đã hoan nghênh việc tổng thống Duterte nêu phán quyết La Haye trước chủ tịch Trung Quốc, nhưng kêu gọi ông Duterte không dừng ở đây, mà cần có các biện pháp mạnh mẽ khác để thúc đẩy việc thực thi phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực.

Cũng trong cuộc thảo luận nói trên, thẩm phán Carpio thậm chí còn để ngỏ khả năng chính tổng thống Duterte là người đã khéo léo ứng xử với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh thấy được cái lợi của luật pháp quốc tế, và từng bước khép mình vào khuôn khổ luật pháp quốc tế. Theo thẩm phán Carpio, Duterte có thể chính là vị tổng thống « sẽ mang lại giải pháp cho tranh chấp Biển Đông ».

Ghi chú

1. Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, ngày 12/06/2016, khẳng định Bãi Cỏ Rong nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, việc Trung Quốc ngăn cản Philippines khai thác khoáng sản tại khu vực này là xâm phạm điều 77 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) (Kết luận - trang 286).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.