Vào nội dung chính
PHÁP - VIỆT NAM

Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam với trọng tâm củng cố quan hệ kinh tế

Hôm nay, 02/11/2018, thủ tướng Pháp Édouard Philippe bắt đầu chuyến công du Việt Nam ba ngày với trọng tâm tăng cường quan hệ kinh tế vốn còn yếu trong khi quan hệ văn hóa giữa hai nước khá phát triển.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (giữa, phải) và thủ tướng Pháp Édouard Philippe (giữa, trái) tại Hà Nội ngày 02/11/2018.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (giữa, phải) và thủ tướng Pháp Édouard Philippe (giữa, trái) tại Hà Nội ngày 02/11/2018. MINH HOANG / POOL / AFP
Quảng cáo

Tại Việt Nam, thủ tướng Pháp sẽ tham dự các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhưng điểm nhấn của chuyến công du này là sự kiện ông Édouard Philippe sẽ tới thăm di tích chiến trường Điện Biên Phủ, nơi ghi dấu thất bại của Pháp ở Đông Dương năm 1954.

Theo phủ thủ tướng Pháp, điện Matignon, đây là một động thái « quan trọng », ông Philippe là lãnh đạo Pháp thứ 2 sau tổng thống François Mitterrand tới thăm lại di tích này.

Bên cạnh các hoạt động ngoại giao, các cuộc tiếp kiến, hội đàm với lãnh đạo Việt Nam, phần trọng tâm của chuyến thăm là các hợp đồng kinh tế. Nghiệp đoàn giới chủ Pháp Medef cho biết « sẽ có nhiều hợp đồng lớn được ký » trong dịp này.

Tháp tùng thủ tướng Édouard Philippe, bên cạnh lãnh đạo các bộ ngành (y tế, tài chính hay công nghệ số), còn có một đoàn gồm năm chục doanh nghiệp trong các lĩnh vực như hàng không, giao thông vận tải, hậu cần, năng lượng, môi trường xây dựng, y tế, nông nghiệp, đào tạo, du lịch và ngân hàng, tài chính.

Việt Nam hiện đang có nền kinh tế tăng trưởng khá ổn định với gần 7% với một thị trường mở rộng quan hệ với nhiều nước. Trong khi đó Pháp mới chỉ chiếm 1% thị phần buôn bán của Việt Nam. Sự hiện diện của đầu tư Pháp tại Việt Nam vẫn chiếm vị trí khiêm tốn, thứ 16 trên hơn 100 nước.

Điện Matignon cho biết, mục tiêu của chuyến thăm này sẽ được cụ thể hóa bằng các hợp đồng kinh tế giữa hai nước trong các lĩnh vực hàng không, tiêu dùng hay chế biến nông phẩm.

Bối cảnh địa chính trị cũng đang thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ Pháp-Việt. Như việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam đang cần tìm những đối tác mới, trong khi thỏa thuận tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu đang có những tiến triển tốt.

Bên cạnh đó là tình hình Biển Đông căng thẳng do thái độ lấn lướt đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh. Paris ngỏ ý « sẵn sàng giúp Việc Nam trang bị để giám sát, giữ gìn biên giới », theo AFP.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, ngày 4/11, thủ tướng Édouard Philippe sẽ tới Nouvelle-Calédonie, đúng vào ngày phần lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại nam Thái Bình Dương này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc tách ra hay ở lại với nước Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.