Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CHẤT DA CAM

Pháp điều tra hậu quả chất da cam ở Việt Nam

Chất độc da cam một lần nữa trở thành chủ đề thời sự. Lần đầu tiên, một dự án nghiên cứu, đánh giá trên thực địa về hậu quả của chất độc da cam sẽ được tiến hành tại Việt Nam và Đông Nam Á. Theo nhật báo Libération (25/10/2018), « Chất độc da cam sẽ được dò xét kỹ lưỡng tại Việt Nam ».

Tẩy rửa chất độc da cam tại Đà Nẵng. Ảnh chụp ngày 17/06/2011
Tẩy rửa chất độc da cam tại Đà Nẵng. Ảnh chụp ngày 17/06/2011 REUTERS/Kham
Quảng cáo

Về hậu quả của chất độc da cam và chất distilben, bác sĩ nội tiết nhi khoa Charles Sultan nhấn mạnh với Libération rằng đó là « những chất gây rối loạn nội tiết cực mạnh, cần được sử dụng làm bằng chứng cho thấy các chất này có khả năng nhiễm vào môi trường tự nhiên và gây hậu quả di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác… Không loại trừ khả năng chất glyphosate và nhiều loại thuốc trừ sâu khác được dùng trong nông nghiệp hiện nay có cùng hậu quả ».

Libération nhắc lại, tại Việt Nam, trong giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ rải khoảng 100 triệu lít thuốc diệt cỏ có chứa chất độc da cam trong chiến dịch « Ranch Hand ». Loại chất này chứa chất dioxin Severo (2,3,7,8-TCDD) vô cùng mạnh và gây hậu quả lâu dài. Khoảng 2 đến 5 triệu người bị nhiễm chất độc này.

Dự án có kinh phí 300.000 euro do một nhóm nghiên cứu khoa học đa ngành (khoa học xã hội, các bác sĩ và các hiệp hội) đề xuất và được đệ trình ngày 25/10/2018 để thông qua tại Nhà Khoa Học về Con Người ở thành phố Montpellier (miền nam Pháp). Mục tiêu của dự án : điều tra về hậu quả của chất độc da cam được quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam ; hậu quả của các loại thuốc trừ sâu đang được sử dụng trong ngành nông nghiệp ở Đông Nam Á.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ thẩm định hiện trạng về chất độc da cam tại Việt Nam : xác định các nạn nhân, các loại bệnh mắc phải, các khuyết tật, các vùng bị nhiễm nặng nhất. Tiếp theo, nhóm sẽ tiến hành nghiên cứu với các mẫu trẻ bị nhiễm chất độc da cam để so sánh với trẻ bình thường. Theo bác sĩ Charles Sultan, nghiên cứu này chưa từng được thực hiện.

Bước thứ ba là nghiên cứu mẫu máu để « làm nổi bật dư lượng chất dioxine, thuốc trừ sâu » nhằm tìm hiểu liệu nạn nhân bị nhiễm trực tiếp từ thức ăn, hay do di truyền. Cuối cùng, một phòng thí nghiệm sẽ lấy mẫu tóc để nghiên cứu tác động của thuốc trừ sâu tại Việt Nam, cũng như ở Cam Bốt, Thái Lan và Lào.

Sử gia Pierre Journoud hoan nghênh sự ủng hộ của chính quyền Việt Nam và việc được truy cập nhiều tài liệu lưu trữ mới. Theo ông, mục đích là « xem xét lại cuộc chiến hóa học và thoát khỏi định hướng thuần túy mang tính nhân đạo. Chính quyền miền Nam Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong việc sử dụng hàng loạt các loại thuốc diệt cỏ này ? » Sử gia người Pháp ý thức được rằng đây là chủ đề nhạy cảm giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nguy cơ « đấu với cối xay gió » khi đề cập đến việc sử dụng thuốc trừ sâu trong xã hội ngày nay.

Libération trở lại vụ kiện trường kỳ của bà « Trần Tố Nga, một cuộc đời bị đầu độc ». Từ Pháp, cựu phóng viên của hãng thông tấn Giải Phóng kiện các công ty Mỹ đã cung cấp thuốc diệt cỏ cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Hậu quả của chất độc da cam đối với người dân Việt và với chính bà, được Trần Tố Nga kể lại trong cuốn Ma Terre empoisonée (tạm dịch : Mảnh đất nhiễm độc của tôi).

Nhật-Trung ngoạn mục xích lại gần nhau

Phải chăng tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy Trung Quốc và Nhật Bản gần nhau hơn ? Sau bốn năm không có bất kỳ cuộc họp thượng đỉnh nào, ngày 25/10/2018, chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón thủ tướng Shinzo Abe tại Bắc Kinh.

Le Figaro đánh giá cuộc gặp cấp cao này là « sự xích lại gần nhau ngoạn mục giữa Nhật Bản và Trung Quốc », đánh dấu « bình thường hóa quan hệ ngoại giao », đúng dịp kỷ niệm 40 năm hiệp định hòa bình và hữu nghị (1978) giữa hai nước.

Theo nhà nghiên cứu Yun Sun, thuộc Trung tâm Stimson ở Washington, « chính sách thương mại Mỹ đã tạo điều kiện cho sự xích lại gần nhau này. Mỗi bên đang tìm kiếm các đối tác mới ». Trung Quốc muốn giảm phụ thuộc xuất khẩu vào Mỹ. Nhật Bản tìm kiếm tăng trưởng ở nước ngoài và bị thu hút bởi thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Vì vậy, hai nhà lãnh đạo sẽ ký nhiều thỏa thuận kinh tế, nhiều dự án đầu tư chung tại các nước trong vùng, như tại Thái Lan.

Nga : TT Putin loay hoay thúc đẩy tăng trưởng, giảm cách biệt giầu nghèo

Về thời sự Nga, Les Echos điểm lại kết quả những lời hứa khôi phục nền kinh tế Nga của tổng thống Putin trong bài viết : « Tăng trưởng, bất bình đẳng : những lời hứa của Putin khó được thực hiện ».

Có một thực tế không thể bác bỏ, dù Nga đang đối mặt với trì trệ và cấm vận của phương Tây, số lượng tỉ phú ngày càng tăng. Theo ngân hàng Crédit Suisse, chỉ trong năm 2018, Nga đã có thêm 5 tỉ phú mới, nâng tổng số lên thành 74 tỉ phú. Khoảng 10% người giầu nhất Nga nắm trong tay 80% của cải. Đầu năm 2018, khi tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống, ông Putin hứa thúc đẩy tăng trưởng, giảm bất cân bằng xã hội. Tuy nhiên, theo Les Echos, những lời hứa này khó thực hiện được.

Thứ nhất, về giảm chênh lệch giầu-nghèo, tổng thống Nga đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm một nửa tình trạng nghèo khó, trong khi tình trạng này không ngừng xấu đi từ khi kinh tế suy thoái và sức mua giảm trong giai đoạn 2014-2016.

Mục tiêu thứ hai là đạt tăng trưởng hàng năm ở mức 4% cũng có vẻ không chắc. Tuy nền kinh tế được phục hồi phần nào, nhưng hiện Nga vẫn bị chững lại ở mức tăng 2%. Lạm phát tăng trở lại sau khi được kìm hãm ở mức 2,2% vào đầu năm 2018, nhưng sau đó lại tăng thành 3% vào mùa hè và hiện ở mức 3,5% và Nga đang cố duy trì lạm phát dưới mức 4% từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, tỉ lệ lạm phát sẽ còn tăng hơn trong năm 2019 do việc áp dụng một số biện pháp được chính phủ công bố vào mùa hè, dù không được lòng dân. Để bù các khoản chi phí xã hội và quân sự, thuế giá trị gia tăng VTA đang là 18% sẽ tăng thành 20% kể từ ngày 01/01/2019.

Một điều bất trắc khác trong năm 2019 là những biện pháp trừng phạt mới, được cho là « khắt khe », của Hoa Kỳ nhắm vào Nga sẽ được công bố sau kỳ bầu cử bán phần Quốc Hội Mỹ. Chính phủ Nga tỏ ra vững tin vì giá dầu tăng trở lại, với giá 70 đô la/thùng. Chất đốt, dầu lửa là nguồn thu quan trọng của Nga, chiếm 30% GDP và 50% ngân sách.

Tuy nhiên, nhiều chỉ số cho thấy nền kinh tế Nga bị tình trạng trì trệ đe dọa. Khối lượng bán lẻ trong tháng Chín tăng 2,2%, thấp hơn so với 3 tháng trước. Thu nhập thật của người dân giảm 1,5%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục chậm lại. Như vậy, kết quả này bỏ xa những mục tiêu mà tổng thống Nga đã hứa để thúc đẩy tăng trưởng.

Bất đồng ngân sách Roma-Bruxelles : Ly hôn kiểu Ý

Ủy Ban Châu Âu bác dự thảo ngân sách của Ý với tỉ lệ thâm hụt ngân sách 2,4% cho năm 2019. Bruxelles cho Roma ba tuần, đến ngày 14/11, để điều chỉnh lại ngân sách. Tuy nhiên, chính phủ dân túy Ý tuyên bố « không có phương án B ».

Nhật báo Le Monde nhận định : « Trước Roma, Bruxelles có ít khả năng hành động ». Ủy Ban Châu Âu không có quyền áp đặt một ngân sách cho một nước thành viên, đi ngược với nguyện vọng của chính phủ nước đó. Nếu ngày 14/11, Ý không thay đổi ngân sách, thì đây là lần đâu tiên một nước thành viên cố tình từ chối luật chơi trong hiệp ước về ổn định và tăng trưởng của Liên Hiệp Châu Âu. Khả năng trừng phạt tài chính Ý, về mặt chính trị, có vẻ cũng sẽ không thực hiện được.

Trong xã luận của Libération, « Giữa Roma và Bruxelles là vụ ly hôn kiểu Ý », tác giả bài viết không đồng tình với việc Liên Hiệp Châu Âu đi ngược lại với ý nguyện của người dân và muốn bắt những người nghèo khó nhất phải hy sinh thêm lần nữa. Tuy nhiên, Libération cho rằng hai bên nên tìm ra một thỏa thuận giữa một chính phủ Ý nghiêm túc hơn và một Ủy Ban Châu Âu bớt cứng nhắc hơn. Nhưng từ giờ đến ngày 14/11, hai bên còn đủ thời gian không ?

« Sau khi Bruxelles bác ngân sách, Roma đi tìm hậu thuẫn của Matxcơva ». Theo Le Figaro, chỉ một ngày sau khi Bruxelles bác ngân sách Ý, thủ tướng Giuseppe Conte đã đến Nga và được tổng thống Putin tiếp đón ngày 24/10. Thủ tướng Conte là nhà lãnh đạo Ý thứ ba gặp nguyên thủ Nga chỉ trong vòng một tháng.

Xe điện : Tương lai ngành sản xuất ô tô

Loạt tiêu chuẩn mới của Liên Hiệp Châu Âu ; nhiều đô thị lớn cấm xe chạy diesel ; chi phí doanh nghiệp cho xe chạy bằng diesel cao hơn ; lần đầu tiên kể từ năm 1970, số lượng xe hơi chạy diesel đạt dưới 80% tổng số xe bán ra… hàng loạt thay đổi đã buộc ngành sản xuất ô tô nghĩ đến tương lai xe chạy điện.

Le Monde dành nguyên phụ trang « Flottes d’entreprise » để nói về tương lai của ô tô điện. Châu Âu đề ra mức hạn chế phát thải khí CO2, nên các nhà sản xuất xe hơi phải đầu tư vào các động cơ ít gây ô nhiễm hơn trước năm 2021.

Chi phí sản xuất xe điện tốn kém hơn xe chạy bằng diesel, nhưng các nhà sản xuất cố đưa ra mức giá tương đương để khuyến khích khách hàng. Theo thẩm định của AlixPartners, sẽ có khoảng 2,6 triệu xe được bán ra trong năm 2025, như vậy nâng tổng số xe điện lên thành 6,5 triệu xe từ nay đến năm 2030.

Trang nhất các nhật báo

Nhật báo Le Monde đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : Tại sao Pháp vẫn mất dần việc làm trong lĩnh vự công nghiệp ? Với Le Figaro, tăng thuế xăng dầu gợi lại sự ngán ngẩm về thuế. Les Echos chú ý đến sự tăng trưởng của khối đồng euro và châu Âu sắp cấm một số sản phẩm nhựa. La Croix trở lại số phận của những người đánh động giúp đưa ra ánh sáng nhiều vụ tai tiếng tài chính. Dường như họ ngay càng bị đơn độc.

Libération dành trang nhất và nhiều trang trong mục sự kiện để nói về một trò chơi điện tử mới, Red Dead Redemption 2, đang rất được ưa chuộng và buổi phỏng vấn với Dan Houser, nhà đồng sáng lập studio Rockstar Games.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.