Vào nội dung chính
ĐỨC - VIỆT NAM

Đức: Bị cáo trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị 46 tháng tù

Trong phán quyết được công bố ngày 25/07/2018, một tòa án tại Berlin đã tuyên phạt 3 năm và 10 tháng tù giam đối với bị cáo Nguyễn Hải Long, người thú nhận đã giúp an ninh Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại thủ đô nước Đức vào tháng 7 năm 2017, để đưa về nước, nơi ông Thanh bị kết án tù chung thân về tội tham nhũng.

Ảnh chụp cảnh ông Trịnh Xuân Thanh phát biểu trên truyền hình Việt Nam, phát hình ngày 03/08/2017, cho biết là ông "đã ra đầu thú".
Ảnh chụp cảnh ông Trịnh Xuân Thanh phát biểu trên truyền hình Việt Nam, phát hình ngày 03/08/2017, cho biết là ông "đã ra đầu thú". REUTERS/Kham
Quảng cáo

Theo hãng tin Anh Reuters, bị cáo mà chính quyền Đức gọi dưới tên tắt Long N.H. vào tuần trước, đã thú nhận trước tòa rằng ông đã tham gia vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức dầu khí Việt Nam khi ông này đang ở Berlin.

Bản án 3 năm 10 tháng nhẹ hơn đề nghị của bên Công Tố Liên Bang Đức, vào hôm qua, đã đề nghị mức án 4 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Hải Long.

Theo ghi nhận của hãng Reuters, ngày 17/07 vừa qua, bị cáo Nguyễn Hải Long đã bất ngờ nhận tội trước tòa là đã có tham gia giúp đỡ nhân viên an ninh Việt Nam trong việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin để bí mật đưa về nước, trái với lập luận trước đó là ông không biết gì về vụ bắt cóc.

Chính nhờ việc nhận tội trước tòa mà ông Long được hưởng trường hợp giảm khinh, được án nhẹ hơn so với hai tội danh « tham gia hỗ trợ bắt cóc », « hoạt động gián điệp » ở Đức, với mức án có thể lên đến hơn 7 năm tù giam.

Theo hãng Reuters, đây là lần đầu tiên mà một nghi phạm chính thức xác nhận là chính quyền Việt Nam đứng sau vụ bắt cóc giữa thanh thiên bạch nhật đã khiến chính quyền Berlin hết sức giận dữ.

Phát ngôn viên tòa án Đức, cho biết là trong tờ khai nhận tội, bị cáo Nguyễn Hải Long công nhận « có biết về vụ bắt cóc và đã có tham gia vào vụ việc », đồng thời thú nhận « làm việc cho cơ quan tình báo Việt Nam ».

Theo Viện Công Tố Đức, ông Nguyễn Hải Long, còn có quốc tịch Cộng Hòa Séc, là người đã mướn hai chiếc xe, một chiếc dùng để theo dõi các nạn nhân, còn chiếc thứ hai dùng cho việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Sau đó ông Long đã lần lượt lái cả hai chiếc xe về Praha để trả lại nơi cho thuê.

Cho đến nay, chính quyền Việt Nam luôn cho rằng ông Thanh đã tự nguyện về nước đầu thú.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.