Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CHÍNH TRỊ

Vụ ''Vũ nhôm'' liệu có tác hại đến Việt Nam ?

Theo thông tin mới nhất vào hôm nay, 04/01/2018, nhân vật Phan Văn Anh Vũ, được báo chí Việt Nam gọi là « Vũ nhôm », đã bị Singapore trục xuất về nước và đã bị bắt giam ngay khi đặt chân xuống Hà Nội. Như một sự trùng hợp bất ngờ, tờ báo mạng Hồng Kông Asia Times vào hôm qua đã cho đăng một bài phân tích về tác hại tiềm tàng của vụ ông Vũ bỏ trốn ra ngoại quốc, đe dọa công bố những thứ mà ông cho là tài liệu bí mật.

Ảnh ông Phan Văn Anh Vũ (chụp từ website báo Strait Times, ngày 04/01/2018)
Ảnh ông Phan Văn Anh Vũ (chụp từ website báo Strait Times, ngày 04/01/2018) (www.straitstimes.com)
Quảng cáo

Tác giả bài báo Shawn W. Crispin đã liên kết hai yếu tố : Chính quyền Việt Nam đã truy tố ông Vũ về tội « tiết lộ bí mật Nhà nước », và bản thân ông Vũ, ngoài tư cách là một đại gia địa ốc, còn là một sĩ quan tình báo, trên nguyên tắc có khả năng nắm giữ nhiều bí mật quan trọng.

Theo tờ Asia Times, là một thành viên Tổng Cục 5 của bộ Công An Việt Nam, ông Phan Văn Anh Vũ được cho là có thông tin chi tiết về vụ gọi là « bắt cóc » cựu lãnh đạo PetroVietnam Trịnh Xuân Thanh tại Đức vào năm ngoái. Việt Nam khẳng định là ông Thanh đã tự nguyện về nước để ra đầu thú, trong lúc chính quyền Đức lại cho rằng ông Thanh đã bị Việt Nam cử gián điệp qua Berlin bắt cóc đưa về nước.

Nhà báo Shawn Crispin cho biết thêm là nhiều thông tin bằng tiếng Việt khẳng định rằng khi trốn qua Singapore, ông Vũ có mang theo nhiều giấy tờ bí mật để cung cấp cho cảnh sát Đức thông tin về vụ bắt cóc ông Thanh, kể cả nhân dạng của người ra lệnh tiến hành vụ này. Các nguồn tin trên còn cho rằng ông Vũ sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng ở Đức.

Về phần ông Trịnh Xuân Thanh, Asia Times ghi nhận việc ông đang bị buộc tội tham nhũng, trong một vụ liên quan đến 22 quan chức khác của PetroVietnam, trong đó có cả cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng, một người từng được coi là có khả năng trở thành tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam trong tương lai.

Đối với Asia Times, những đối tượng trên bị truy tố trong khuôn khổ một chiến dịch bài trừ tham nhũng do đương kim tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trương. Thế nhưng, một số người vẫn nhìn thấy đó cũng là một chiến dịch nhằm củng cố quyền lực của ông Trọng chống lại các phe phái đối nghịch.

Vấn đề hiện nay là nếu ông Vũ có thông tin cụ thể về vai trò của ông Trọng trong hoạt động bắt cóc ông Thanh ở Berlin, thì nhân vật trên nguyên tắc là lãnh đạo số một ở Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt có chọn lọc của Đức. Thậm chí, theo một số nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt rộng hơn, bao gồm cả lãnh vực thương mại, cũng là một khả năng.

Theo ông Shawn Crispin, bằng chứng về sự tham gia ở cấp cao trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh cũng có thể đe dọa hiệp định thương mại tự do Liên Hiệp Châu Âu- Việt Nam vào thời điểm Hà Nội đang cố gắng đa dạng hoá thương mại quốc tế để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc và sự mất mát do việc Mỹ rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.

Với việc ông Phan Văn Anh Vũ bị bắt giam tại Việt Nam, câu hỏi được gợi lên vào hôm nay liên quan đến sự tồn tại và giá trị thực thụ của các tài liệu quan trọng được cho là ông đã có trước lúc bị bắt, và nếu có thì hiện đang ở trong tay ai.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.