Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

Nhân quyền Việt Nam : Human Rights Watch khuyến nghị châu Âu

Trước cuộc đối thoại nhân quyền giữa Bruxelles và Hà Nội vào tháng 12/2017, tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch công bố bản phúc trình về tình trạng đàn áp tại Việt nam trong hai năm qua và đưa ra một số khuyến nghị cụ thể. HRW đã lập trang mạng danh sách 105 tù nhân chính trị tại Việt Nam hồi tháng 10.

Logo của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch.
Logo của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch. Wikipedia
Quảng cáo

Bản báo cáo dài 6 trang, được Human Rights Watch công bố ngày 27/11/2017, liệt kê danh sách dài các trường hợp cụ thể ai bị đàn áp, bị đánh đập như thế nào, nạn « tự tử » trong đồn công an và thái độ của công an dung túng « côn đồ ».

Theo Human Rights Watch, từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng 4/2017, ít nhất 36 blogger và nhà hoạt động dân chủ bị « những người mặc thường phục tấn công ». Nhiều nhà hoạt động nhân quyền bảo vệ dân oan, bảo vệ môi trường bị kết tội « vi phạm an ninh quốc gia » hoặc bị cấm xuất ngoại và sách nhiễu.

Tổ chức nhân quyền Mỹ kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu, trong cuộc đối thoại với Việt Nam, tập trung vào những nhà hoạt động bị giam tù vì lý do chính trị và chú ý đến « ba vấn đề then chốt »: tình trạng đàn áp các quyền tự do ngôn luận, đi lại và lập hội, tình trạng trấn áp tự do sinh hoạt tín ngưỡng và nạn công an bạo hành.

Cụ thể, Liên Hiệp Châu Âu cần thúc giục chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân bất đồng chính kiến, chấm dứt chính sách bắt giam tùy tiện, luật pháp mơ hồ, tiến hành xây dựng luật báo chí cho phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị ICCPR , công nhận công đoàn độc lập, sửa đổi luật tố tụng hình sự để luật sư được tự do tiếp cận và hỗ trợ thân chủ …

RSF phản đối bản án 7 năm tù cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), trụ sở tại Paris, ngày 27/11/2017 đã ra thông báo phản đối bản án 7 năm tù của tòa án Hà Tĩnh dành cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, vì cáo buộc « tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa », theo điều 88 Luật Hình sự Việt Nam.

Ông Daniel Bastard, phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, cho biết « kiên quyết phản đối » bản án nặng nề này.Thông cáo của RSF viết tiếp: « Hơn nữa, ông Hóa đã tỏ thiện chí qua việc chấp nhận mọi khuyến cáo của công an : không mời luật sư, ký bản nhận tội đã được công bố trên truyền hình nhà nước tháng 4/2017…Thế mà gia đình ông Nguyễn Văn Hóa cũng không được thông báo về phiên xử ».

RSF cho biết thêm, nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa đã thu thập nhiều tài liệu về phong trào phản đối vụ ô nhiễm Formosa kháng, chủ yếu nhờ một thiết bị không người lái.

Theo ông Bastard, « Việt Nam đã chứng tỏ sự cứng rắn trước quyền tự do thông tin », do đó « các đối tác thương mại cần rút ra các kết luận ». Đại diện RSF không quên nhắc lại, Việt Nam đang đứng thứ 175/180 nước trong bảng xếp hạng về tự do báo chí của tổ chức này.

Thông cáo nêu thêm sự kiện trước phiên phúc thẩm của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức blogger Mẹ Nấm ngày 30/11 tới, một trong các luật sư của bà là ông Võ An Đôn đã bị tước thẻ hành nghề hôm qua. RSF cho biết trong khuôn khổ một chiến dịch chống trấn áp do tổ chức này và một số nhóm khác đưa ra, một đoàn đại biểu đã đến Bruxelles hôm 22 và 23/11, đề nghị Nghị viện Châu Âu có nghị quyết khẩn về Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.