Vào nội dung chính
VIỆT NAM - ẤN ĐỘ

Biển Đông : Việt Nam tìm hậu thuẫn từ Ấn Độ

Nhân cuộc họp thường niên giữa ASEAN với Ấn Độ, mang tên Đối thoại New Delhi, vào tuần trước, trang mạng The Interpreter của Viện Lowy, một viện nghiên cứu của Úc, đã có bài viết về việc Việt Nam đang tìm hậu thuẫn từ Ấn Độ trên Biển Đông, vào lúc mà tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này có vẻ đang khiến quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh căng thẳng trở lại.

Bộ trưởng Ngoại Giao  Phạm Bình Minh (T) và ngoại trưởng Ấn Sushma Swaraj trước cuộc trao đổi tại New Delhi, ngày 4/07/2017.
Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh (T) và ngoại trưởng Ấn Sushma Swaraj trước cuộc trao đổi tại New Delhi, ngày 4/07/2017. PRAKASH SINGH / AFP
Quảng cáo

The Interpreter nhắc lại tuyên bố của bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh tại Đối thoại New Delhi ngày 04/07/2017 rằng Việt Nam “hy vọng Ấn Độ sẽ tiếp tục là một đối tác trong nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh chiến lược và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và các công ước”. Ông Phạm Bình Minh còn bày tỏ tin tưởng rằng “ ASEAN sẽ hưởng lợi từ kinh nghiệm của Ấn Độ, giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.”

Theo The Interpreter, việc Hà Nội kêu gọi New Delhi đóng vai trò quan trọng hơn ở Đông Nam Á và Biển Đông là điều không hoàn toàn bất ngờ. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam kêu gọi hậu thuẫn từ một quốc gia không có những lợi ích trực tiếp trong khu vực. Cách đây vài tháng, Hà Nội đã ra một lời kêu gọi tương tự đến Hàn Quốc, tuy nước này chưa phải là một “đối tác chiến lược” của Việt Nam.

Vài ngày sau tuyên bố nói trên của ông Phạm Bình Minh, Việt Nam đã triển hạn thêm 2 năm cho công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh thăm dò tại một lô dầu khí của Việt Nam nằm trong một khu vực tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Công ty dầu khí này đã ký hợp đồng thăm dò dầu khí ở lô 128 từ năm 2006. Đến năm 2012, ONGC Videsh đã rút khỏi khu vực đó. Họ khẳng định đây là một quyết định mang tính thương mại, nhưng nhiều người ở Việt Nam lúc ấy tin rằng quyết định đó là do áp lực của Trung Quốc.

The Interpreter nhắc lại rằng trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Narendra Modi vào năm ngoái, Việt Nam đã tuyên bố Ấn Độ là “đối tác chiến lược toàn diện”, mức cao nhất trong quan hệ giữa Việt Nam với nước ngoài.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ cho rằng các quan hệ đối tác của Ấn Độ với các Đông Á như Việt Nam có thể giúp trì hoãn việc Trung Quốc triển khai sức mạnh hải quân sang vùng Ấn Độ Dương. Quan hệ đối tác với Ấn Độ cũng rất quan trọng đối với Việt Nam, vì Hà Nội xem các hoạt động hải quân của những cường quốc như Ấn Độ và Hoa Kỳ là rất cần thiết trước mối đe dọa Trung Quốc.

Việt Nam vẫn hoan nghênh mọi hành động cụ thể hoặc những tuyên bố về bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, vì những hành động hoặc tuyên bố này có thể giúp ngăn chận Trung Quốc có những hành động xâm lấn hoặc những hành động khác như vụ giàn khoan 981 năm 2014. Vào lúc đó, Trung Quốc đã đặt giàn khoan này ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, gây ra khủng hoảng giữa hai nước và khiến dư luận Việt Nam phẫn nộ, dẫn đến nhiều vụ biểu tình dữ dội phản đối Bắc Kinh.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông, nhưng hợp tác hàng hải và những hỗ trợ tài chính từ những cường quốc như Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam ít ra bảo vệ được những vị trí của mình ở vùng biển này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.