Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam cố thúc đẩy quan hệ với Mỹ

Đăng ngày:

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tiếp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 31/05/2017 tại Nhà Trắng, để thảo luận về những phương cách thắt chặt quan hệ song phương và đẩy mạnh hợp tác khu vực với Việt Nam, mà Washington đánh giá là « một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á ».

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (P) và ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trước cuộc họp ngày 13/01/2017, tại Hà Nội.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (P) và ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trước cuộc họp ngày 13/01/2017, tại Hà Nội. Reuters
Quảng cáo

Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa tổng thống Trump với một lãnh đạo của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ là lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á đến Nhà Trắng. Cuộc gặp gỡ này diễn ra vài tháng sau khi ông Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, do cựu tổng thống Barack Obama khởi xướng, trong khuôn khổ chiến lược “xoay trục” sang châu Á nhằm tăng cường quan hệ giữa Mỹ với các nước trong khu vực, hỗ trợ các nước Đông Nam Á trước đà bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là tại khu vực Biển Đông.

Kể từ khi lên cầm quyền, ông Donald Trump có vẻ như không còn đi theo chính sách “xoay trục” này nữa, vì theo một số nhà phân tích, ông đang cần đến Trung Quốc trong việc giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên. Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam có sẽ thay đổi không ?

Đến gặp tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 31/05 tới, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chắc là hy vọng sẽ có lời giải đáp cho câu hỏi đó. Đặc biệt lãnh đạo chính phủ Việt Nam muốn biết rõ hơn về chính sách của ông Trump về thương mại và Biển Đông.

Sau đây mời quý vị nghe ý kiến của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore :

10:44

TS Lê Hồng Hiệp, Singapore

 Quan hệ Mỹ- Việt từ khi TT Trump lên cầm quyền

Trong bức thư gởi chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 23/02, mà nội dung đã được chính ông Quang tiết lộ vào cuối tháng 3 khi tiếp đại sứ Mỹ Ted Osius, tổng thống Trump đã khẳng định mong muốn « thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, các vấn đề khu vực và quốc tế, cùng Việt Nam và các nước trong khu vực đảm bảo hòa bình, thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. »

Trước mắt, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ an ninh trên biển, thể hiện qua việc chuyển giao cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam 6 xuồng tuần tra biển Metal Shark, theo thông báo của đại sứ quán Mỹ vào tuần trước. Thông báo cho biết các xuồng tuần tra này sẽ hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển Việt Nam « trong hoạt động tuần tra liên bờ biển và thực thi pháp luật về buôn lậu, buôn bán bất hợp pháp, cướp biển và các vụ cướp tàu có vũ trang, và đánh bắt cá bất hợp pháp ».

Năm ngoái Nhà Trắng cho biết, tính từ năm 2014 Washington đã cấp cho Việt Nam gần 46 triệu đôla để giúp Việt Nam xây dựng khả năng bảo vệ an ninh trên biển. Tuy nhiên, theo hãng tin UPI, vào năm 2016, Mỹ đã dự tính trao cho Việt Nam đến 18 chiếc tàu tuần tra biển, chứ không phải 6 chiếc. Phải chăng điều này có nghĩa là Washington sẽ bớt hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này ?

Có một điểm đáng chú ý là vài ngày trước cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Việt-Mỹ ở Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã điều một chiến hạm tiến vào khu vực 12 hải lý chung quanh một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. Đây là hành động đầu tiên của Mỹ thách thức đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển này kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.