Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - GIÁO DỤC

Trung Quốc bóp méo thực tế Biển Đông trong giáo dục như thế nào ?

Việc chính quyền Trung Quốc « nhồi sọ » người dân, đặc biệt là giới thanh thiếu niên bằng những thông tin bị bóp méo về Biển Đông là điều ai cũng thấy. Chính sách này được thể hiện trong thực tế ra sao và có tác dụng cụ thể như thế nào ? Trong một bài viết trên tờ Yomiuri của Nhật Bản, hôm 07/08/2016 vừa qua, một ký giả Nhật đã vạch trần những điều mắt thấy tai nghe về lập luận sai lạc về Biển Đông, ghi nhận được tại Trung Quốc.

Một quả địa cầu có ghi bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc (DR)
Một quả địa cầu có ghi bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc (DR)
Quảng cáo

Bài báo mở đầu bằng một chuyến thăm một viện bảo tàng thiên nhiên gần Công viên Thiên Đàn ở Bắc Kinh vào thời điểm tháng Bảy, đúng hôm Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông, bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh.

Hôm đó viện bảo tàng này có tổ chức một cuộc triển lãm về đời sống tự nhiên tại Biển Đông. Bên cạnh những mẫu trưng bày như san hô, cá mập và những loại cá khác, cho thấy toàn bộ sự đa dạng của vùng biển phía nam, nhà báo Nhật rất ngỡ ngàng trước phần thuyết minh mang nặng nội dung chính trị trên các tấm biển ở cửa vào. 

Một trong những tấm biển ghi rằng : « Các hòn đảo ở Biển Đông đã là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc từ thời xa xưa, còn biển thì thuộc vùng biển lịch sử của đất nước. Các đảo chính hiện đang bị Việt Nam và Philippines chiếm đóng ». Một tấm pano khác thì ghi « Tài nguyên biển ở vùng Biển Đông phải được phát triển để bảo vệ chủ quyền của chúng ta ».

Khi được hỏi về phán quyết của Tòa Trọng Tài, một em học sinh đến xem triển lãm đã trả lời ngay rằng « Một phiên tòa không thể giải quyết được vấn đề. Trung Quốc phải nâng cao sức mạnh toàn diện của mình, từ kinh tế, khoa học đến công nghệ, quốc phòng ».

Đối với nhà báo Nhật Bản, câu trả lời đó chẳng khác gì phát ngôn của chính quyền Tập Cận Bình, đã xem phán quyết là « một tờ giấy lộn », và tiếp tục kế hoạch mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc trên biển bằng vũ lực.

Một cậu học sinh lớp bốn, đến xem triển lãm cùng với người bố, thì cho biết : « Khi em còn học lớp Ba, thầy giáo của em nói « Biển Đông rất đẹp và đang bị Nhật Bản tranh chấp », hàm ý rằng Nhật Bản là nước xấu. Theo nhà báo Nhật Bản, trong các sách giáo khoa cũng vậy. Trong quyển địa lý cho học sinh cấp hai, trong phần nói về lãnh thổ Trung Quốc, có một đoạn nói rõ là « đất nước của chúng ta không chỉ là một lục địa rộng lớn, mà còn là vùng biển bao la ». Trang tiếp theo có một bản đồ lớn chỉ ra đường 9 đoạn bao quanh Biển Đông.

Phán quyết của Tòa Trọng Tài đã xác định rằng đường chín đoạn này không có cơ sở pháp lý.

Trong một cuốn sách được sử dụng để hướng dẫn giáo viên, một trong những điểm mà họ được chỉ thị là phải nói rõ : « Các vùng biển Trung Quốc kiểm soát, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, rộng 3 triệu cây số vuông ». Biển Đông chiếm khoảng hai phần ba vùng biển này.

Tóm lại, học sinh Trung Quốc đã được dạy về một điều hoàn toàn trái ngược với phán quyết của tòa án trọng tài.

Điều đáng nói là Trung Quốc không thể sửa chữa những điểm ghi trong sách giáo khoa sao cho phù hợp với phán quyết quốc tế. Trong tình hình đó, những lời tự nhận Biển Đông là của Trung Quốc sẽ tiếp tục ngự trị, không chỉ trong trường học, mà còn trên báo chí, chương trình truyền hình, trên internet, và trong các viện bảo tàng.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.