Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam: Khủng hoảng nước do hạn hán

Theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, miền nam và miền trung Việt Nam đang gặp khủng hoảng nước ngày càng trầm trọng do ảnh hưởng của nạn hạn hán.

Một con kênh tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, châu thổ sông Mêkông cạn khô nước từ cả tháng qua ( Ảnh chụp ngày 08/03/2016 ).
Một con kênh tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, châu thổ sông Mêkông cạn khô nước từ cả tháng qua ( Ảnh chụp ngày 08/03/2016 ). AFP
Quảng cáo

Trang mạng Channel NewsAsia hôm nay 04/04/2016, cho biết là theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, nạn hạn hán kỷ lục tại miền trung và miền nam Việt Nam hiện nay đang ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước và kế sinh nhai của gần 1,8 triệu người dân. Hiện giờ, 12 trong số 63 tỉnh thành của Việt Nam hiện đã được tuyên bố đặt trong tình trạng khẩn cấp do hạn hán.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam, hạn hán sẽ lên đến đỉnh điểm vào tháng 4 và kéo dài qua tháng 5, có nghĩa là mùa mưa năm nay sẽ đến trễ. Điều phối viên thuờng trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, Pratibha Mehta nhắc lại rằng “hạn hán là một thiên tai tiến triển chậm, cho nên gây ra khủng hoảng khó nhìn thấy hơn và dễ quên hơn là bão hay động đất, nhưng đó cũng là một khủng hoảng trầm trọng”.

Theo các chuyên gia, hạn hán năm nay là do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là do hiện tượng El Nino đang ảnh hưởng đến toàn bộ vùng Đông Nam Á. Đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông cũng bị xem là góp phần gây ra ra hiện tượng ngập mặn, làm trầm trọng hơn nạn hạn hán ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó còn có tác động của nạn phá rừng và tập quán thâm canh của nông dân các vùng này. Một báo cáo chính thức năm 2015 cho thấy là trong vòng 7 năm, vùng Tây Nguyên đã bị mất 14% diện tích rừng, tức là mất hơn 50 ngàn hectare/năm.

Theo Channel NewsAsia, chính phủ Hà Nội đã dự trù một ngân sách 23 triệu đồng cho kế hoạch khẩn cấp đối phó với hạn hán, đào thêm giếng nước, vận chuyển nước và gạo cho các vùng bị thiên tai. Nhưng chiến lược dài hạn của Việt Nam nhằm giải quyết những nguyên nhân căn bản của nạn hạn hán thì chưa được rõ. Chính phủ Việt Nam đã đầu tư cho việc trồng rừng và bảo vệ ở Tây Nguyên trong những năm gần đây, nhưng các chuyên gia cho rằng những hành động đó vẫn chưa đủ để chống hạn hán.

Trước mắt, tác động của hạn hán đã bắt đầu được thể hiện qua các số liệu về tăng trưởng. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã cảnh báo là tác hại lên sản lượng nông nghiệp có thể làm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 xuống còn 5,54%, thấp hơn chỉ tiêu 6,7% được đề ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.