Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hôn nhân với người nước ngoài : Tình yêu không biên giới đã đủ ?

Đăng ngày:

Tình yêu không biên giới, liệu thật sự có đơn giản ? Chuyện kết hôn với một ai đó có một nền văn hóa khác hoàn toàn, nếu nói là làm giàu vốn sống và văn hóa cũng không sai, nhưng không phải là ngày nào cũng là Lễ Tình Yêu Saint Valentine. Như vậy, hôn nhân giữa hai người mang hai quốc tịch khác nhau là mối diễm tình thơ mộng hay lại là một bài toán hóc búa?

Hình ảnh minh họa.
Hình ảnh minh họa.
Quảng cáo

Tại Châu Âu hiện nay, chưa bao giờ số lượng cuộc hôn nhân các cặp đôi mang hai quốc tịch khác nhau lại đông như lúc này. Đi du học, đi du lịch hay gặp nhau qua mạng Internet đã khiến cho hiện tượng hôn nhân với người nước khác ngày càng trở nên phổ biến. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 350.000 cặp đôi có hai nguồn gốc khác nhau làm lễ thành hôn tại Liên Hiệp Châu Âu.

Có thể nói, hiện tượng toàn cầu hóa, giờ không chỉ có tác động đến sản xuất, kinh tế, thương mại, mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống riêng tư. Tự do đi lại cũng như sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho mọi người trên hành tinh được gặp gỡ « nửa kia » của mình ở một chân trời góc bể nào đó, xa với nơi mình đang ở. Thế nhưng, đối với nhiều người Pháp, thủ tục kết hôn lại là điều kiện bắt buộc để có thể được sống chung với « nửa kia » khác quốc tịch của mình. Cô Charlotte Rosamond, điều phố viên Hiệp hội « Les amoureux au ban public », trên làn sóng RFI nhận định:

« Khi nói đến kết hôn với một người nước khác, điều đó hàm chứa rất nhiều thực tế. Thứ nhất đó là một cuộc hôn nhân giữa hai cá thể mang hai quốc tịch khác nhau. Ngày nay chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, có những người phải di chuyển xa xôi để học tập, du lịch v.v.. và ở đó họ gặp được người bạn đời của mình. Tuy nhiên, một bộ phận lớn người dân trên hành tinh này vẫn chưa có quyền tự do đi lại như họ mong ước, và đương nhiên có rất nhiều cặp đôi buộc phải làm thủ tục kết hôn, để sau đó có thể xây dựng cuộc sống chung, nếu như họ mong muốn sinh sống tại Pháp. Bởi lẽ, chính quyền sẽ không công nhận cuộc sống gia đình chừng nào mà thủ tục kết hôn này vẫn chưa được ký kết ».

Thế nhưng, hàng năm tại Pháp, cũng có từ 100.000 - 150.000 cặp đôi tuyên bố ly dị (chiếm tỷ lệ 10% trong các cuộc ly dị nói chung trong EU). Như vậy, đâu là nguyên nhân của sự tan vỡ đó? Theo bà Isabelle Levy, tác giả quyển sách " Khi tôn giáo can thiệp vào cuộc sống lứa đôi của hai người có nguồn khác nhau", ngoài các bất đồng về ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa.. , vấn đề tôn giáo gây không ít khó khăn cho nhiều cặp đôi khác nguồn gốc.

« Vấn đề tôn giáo ngày càng được được đề cập đến và có xu hướng gia tăng rất nhiều, đôi khi can thiệp cả vào đời sống lứa đôi., Thường là ở mức độ những người thân xung quanh: người thân trong gia đình thậm chí là cả trong nghề nghiệp nữa. Mỗi người nói một phách, lời lẽ không mấy thuận nhĩ. Cho nên đôi khi các cặp đôi cũng bị giằng xé giữa nhiều luồng ý kiến khác nhau đến mức họ cũng không biết là mình đã có lý hay không khi muốn xây dựng tổ ấm chung với nhau. Còn những ai kháng cự hay chống lại quan điểm đó, họ cần phải nói nhiều về điều này.

Ngày nay có rất nhiều cặp đôi khác tôn giáo nhưng chưa bao giờ gìn giữ việc thực hành đạo của từng người. Như vậy đối với những cặp đôi đó chuyện gì xảy ra? Để cái gì trong tủ lạnh? Giáo dục con cái như thế nào, nhất là khi nói về tôn giáo? Tổ chức gặp gỡ gia đình đôi bên như thế nào? Bày biện bàn ăn ra sao? Để cây thánh giá phía đầu giường hay là treo hộp để kinh cầu nguyện tefillin(ở những người theo Do Thái giáo) ở ngay cửa vào? Đó là những câu hỏi tưởng chừng rất tầm thường nhưng có thể làm tan vỡ cuộc sống lứa đôi, nhất là khi đứa con ra đời ».

Văn hóa, Ảo tưởng tình cảm, Giáo dục con : ba nguyên nhân gây đổ vỡ

Từng tư vấn cho nhiều cặp đôi Pháp - Việt, ông Lương Cần Liêm, Bác sĩ Tâm thần học, Tiến sĩ về Tâm lý học và Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Pháp-Việt về Tâm thần học và Tâm lý học chỉ ra ba điểm bất đồng chính trong các cặp hôn nhân khác quốc tịch:

BS Lương Cần Liêm : « Có hai hay ba trường hợp đến xin tư vấn. Thứ nhất là có sự khác biệt về văn hóa. Thứ hai là có sự hiểu lầm về tình cảm khi lập gia đình với người nước ngoài. Điểm thứ ba thường là giáo dục con. Đây là ba điểm chánh xuất phát từ việc lấy vợ hay lấy chồng không có cùng gốc ».

Trên bình diện văn hóa, bác sĩ Liêm phân chia ở hai cấp độ khó khăn khác nhau mà người Việt Nam khi lập gia đình với người Pháp thường hay vấp phải:

« Về văn hóa, có văn hóa gia đình. Nghĩa là mỗi người khi lập gia đình thì có văn hóa riêng của nền giáo dục của gia đình mình. Văn hóa theo nghĩa rộng là văn hóa Pháp với Việt Nam. Nghĩa là có hai mức: ở mức thấp có văn hóa riêng của gia đình và mức cao là văn hóa của hai nền dân tộc khác nhau.

Khi lập gia đình với người nước khác, ngoài vấn đề ngôn ngữ có thể hiểu lầm, còn có vấn đề nói chuyện với nhau. Người Pháp họ quen có chi nói vậy. Người Việt thì lại quá chịu đựng, hoặc là nghĩ mình không hiểu, không có đủ kiến thức hoặc là mình không có thông minh .... Hay là tại vì xa môi trường của mình, thành thử quá chịu đựng và nói ra là sợ hiểu lầm, thiếu từ ngữ nên dễ gây khó khăn ».

Theo bác sĩ Liêm, tình cảm không rõ ràng cũng là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự đổ vỡ cuộc sống lứa đôi giữa hai người khác nguồn gốc :

« Hiểu lầm tình cảm, thường tôi thấy người Pháp đi về Việt Nam tìm vợ là vì ở bên đây họ không có tìm ra vợ hay không tìm được người vợ vừa ý họ. Về phía Việt Nam, người phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài có khi cũng tìm không ra người đàn ông mẫu mực như mình hy vọng, nghĩ là đàn ông, thanh niên Việt Nam quá hủ lậu, phong kiến, hoặc là có ý đi nước ngoài sống, một nền văn minh mới. Đây là hai hiểu lầm khó khắc phục. Thêm vào đó là vấn đề tuổi tác. Tình yêu lúc 18 - 20 tuổi không giống như là ba chục hay 35 tuổi, đã có một quá trình đời sống tình càm rồi ».

Khác biệt văn hóa, bất đồng ngôn ngữ, hiểu lầm tình cảm vốn dĩ đã làm cho cuộc sống lứa đôi hai quốc tịch khác nhau phức tạp. Sự ra đời của đứa trẻ còn làm cho sự phức tạp đó thăng thêm gấp bội. Đặt cho con tên gì? Phải tìm được tên riêng cho một trong hai nền văn hóa hay chỉ cần một tên nào đó để nối kết cả hai. Nhất là chuyện giáo dục con, theo kiểu nào Pháp hay Việt? Bác sĩ Liêm nói tiếp:

« Giáo dục con và nuôi con, lúc trước cha mẹ mình làm thế nào mình có khuynh hướng bình thường là lặp lại giống như là mình đã biết. Có khi là giữa người chồng và vợ không có thuận ý là làm giống nhau trong chuyện nuôi và dạy con ».

Đổ vỡ hạnh phúc : Một sự thất bại đối với người phụ nữ ?

Từ những khác biệt khó dung hòa đó dẫn đến việc người Việt Nam không thể hòa nhập cách sống, còn đối với người chồng Pháp thì lại nghi ngờ vợ mình có vấn đề tâm lý tâm thần.

BS Lương Cần Liêm : « Thường thì những cặp đôi đến xin tư vấn, phụ nữ Việt Nam gặp một số khó khăn với chồng hay với cách sống. Người Pháp đến tư vấn khi họ có cảm giác là người vợ có một số vấn đề tâm lý họ không thể hiểu được. Họ không biết là vấn đề tâm lý do đổi môi trường hay là tâm lý vì có vấn đề tâm thần thuộc về bệnh lý. Họ đến tư vấn là vì họ không hiểu được người vợ mình như thế nào ».

Một khi những bất đồng đó không thể giải quyết được, phải dẫn đến tình trạng ly dị, sẽ có những chấn thương tâm lý nặng nề cho người phụ nữ Việt Nam, theo như nhận định của bác sĩ Liêm.

« Một người phụ nữ qua đây lấy chồng rồi phải ly dị, về mặt tâm lý là cả một sự thất bại, mà cả sự hổ thẹn đối với gia đình. Đôi khi có thể dẫn đến những hoàn cảnh rất éo le, nhất là khi có con. Do đó, ly dị là quyết định cuối cùng do bởi còn có vấn đề giấy tờ, sinh kế ... tiếng nói, không có chỗ dựa. Ly dị là nước cùng họ mới quyết định như thế ».

Các rắc rối về thủ tục hành chính

Như vậy, trong trường hợp cặp đôi tan vỡ, chuyện gì sẽ xảy ra cho người phối ngẫu gốc nước khác? Trong trường hợp tại Pháp, khi người mới đến vẫn chưa có được quốc tịch Pháp, họ vẫn là thẻ tạm trú triển hạn từng năm, khi xảy ra chuyện phải chia tay, người đó có nguy cơ không được triển hạn thẻ định cư, có thể bị trục xuất về nước.

« Người Việt Nam khi lấy người mang quốc tịch Pháp với nguyên tắc sum họp gia đình, Pháp sau khi nghiên cứu hồ sơ xong sẽ cho qua chung. Nhưng nếu sau khi đã kết hôn, mà vẫn chưa có quốc tịch Pháp, họ sẽ tính như là người nước ngoài, nghĩa là lý do qua Pháp không còn giá trị nữa. Trong trường hợp đó, hoặc họ giải quyết cho ở lại do đã định cư được một số năm rồi, hoặc họ buộc phải về nước.

Những luật sau này, nếu con sinh ra tại Pháp, nhưng mang quốc tịch của mẹ hay cha, nhưng cũng chưa đủ để ở lại Pháp. May mắn là nếu con sinh ra mà có quốc tịch Pháp, trên nguyên tắc giáo dục của Pháp, con không có xa mẹ xa cha, căn cứ vào đó mà Pháp sẽ cho người mẹ sau khi ly dị được ở lại ».

Về điểm này, cô Charlotte Rosamonde có giải thích rõ hơn các rắc rối hành chính có thể gặp phải sau khi ly dị:

« Người phối ngẫu gốc nước ngoài có thể bị tước thẻ tạm trú vào thời điểm người đó đến xin triển hạn. Bởi vì nếu như họ chia tay, người đến xin thẻ không thể chứng minh được cuộc sống lứa đôi (đó cũng là lý do họ được đoàn tụ tại Pháp) và như vậy người ta sẽ không cấp thẻ tạm trú mới. Trong trường hợp đã có con, sinh ra ngay trên đất Pháp, người đến xin giấy phải làm theo một quy trình khác. Lưu ý là có những trường hợp khi làm thủ tục kết hôn trên đất Pháp, cơ quan hành chính có thể buộc người phối ngẫu gốc nước ngoài quay trở về nước sở tại xin lại thị thực nhập cảnh (visa). Khi đó, hai người này buộc phải tạm xa nhau từ 6 tháng có khi cho đến nhiều năm ».

Theo quan điểm của cô Charlotte Rosamond, trong cuộc hôn nhân khác nguồn gốc đó, người phối ngẫu nước ngoài sẽ là người hứng chịu nhiều thiệt thòi. Cuộc sống của họ không chỉ phải đối mặt những bất đồng với người bạn đời mà còn là cả một cuộc chiến đấu vất vả về mặt hành chính, kinh tế, xã hội.

« Ở đây tôi muốn thay lời cho những người phối ngẫu nước ngoài thường hay gặp khó khăn trên phương diện hành chính. Với mọi vấn đề xảy ra suốt đời sống lứa đôi, người mới đến họ không có thời gian để lo về vấn đề hành chính. Bởi vì đối với họ đó là cả một cuộc chiến đấu thường nhật đôi khi để có được một sự ổn định cho người bạn đời gốc nước khác, sao cho họ có thể có được một cuộc sống gia đình bình tâm. Do bởi với thẻ tạm trú triển hạn từng năm, họ sẽ khó kiếm được một hợp đồng lao động dài hạn, hay ký hợp đồng vay tiền để mua nhà chẳng hạn... ».

Bản thân một cuộc hôn nhân giữa hai người cùng nguồn gốc văn hóa, sắc tộc trước sau gì cũng đã bị xem là thất bại huống chi là các cặp đôi khác văn hóa, chủng tộc. Do đó, theo quan điểm của bà Berthe Lolo, chuyên gia tâm thần học, Tiến sĩ Nhân chủng – Phân tâm học, để cho một cuộc hôn nhân, bất kể là cùng hay khác nguồn gốc quốc tịch có thể được lâu bền, đôi bên phải cùng nhau hiểu rằng họ không chỉ kết hôn với một con người cụ thể, mà còn cả với một gia đình, và một nền văn hóa. Và bất hạnh thay, yếu tố văn hóa luôn chiếm giữ vị trí quan trọng trong mọi cuộc hôn nhân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.