Vào nội dung chính
CỘNG ĐỒNG LGBT - TIN GIẢ - THÙ HẬN

Tin giả và thù hận chống người LGBTQ gia tăng trong dịp Gay Pride châu Âu

Tháng 6/2023 là dịp cộng đồng người đồng tính, chuyển giới, lưỡng tính LGBTQ tổ chức các cuộc tuần hành Gray Pride. Nhiều tổ chức bảo vệ quyền của người LGBTQ tại châu Âu ghi nhận tình trạng gia tăng các thông tin bóp méo, thái độ thù hận trên các mạng xã hội. Đây cũng là một xu thế chung trên thế giới, được giới quan sát ghi nhận.

Tuần hành thường niên của giới LGBTQ tại Varsava, Ba Lan, ngày 17/06/2023.
Tuần hành thường niên của giới LGBTQ tại Varsava, Ba Lan, ngày 17/06/2023. REUTERS - KACPER PEMPEL
Quảng cáo

Theo AFP, nhiều thông tin bóp méo sự thật, khẳng định đã có một biểu tượng cầu vòng bẩy sắc (hình ảnh ảnh đại diện cho cộng đồng LGBTQ) ngự trị trên công trình kiến trúc Khải Hoàn Môn nổi tiếng ở Paris. Hình ảnh nói trên phổ biến khắp các mạng xã hội. Trên các mạng xã hội được người Serbia truy cập nhiều, phổ biến thông tin về việc quân đội Ba Lan thành lập "các đơn vị chỉ bao gồm các binh sĩ LGBTQ". Nhiều người kêu gọi "thiêu sống" các tân binh này, và ca ngợi việc thủ lĩnh quốc xã Đức, Adolphe Hitler, truy bức cộng đồng người đồng tính.

Liên hiệp hội ILGA-Europe, tổ chức của những người đồng tính, chuyển giới quốc tế, bao gồm 700 hiệp hội châu Âu và Trung Á, có trụ sở tại Bruxelles, mới đây đã ra một báo cáo ghi nhận thực trạng, các phát biểu tại nơi công cộng liên quan đến giới LGBTQ đang trở nên "phân cực rõ rệt hơn và bạo lực hơn, đặc biệt với người chuyển giới".

Báo cáo của Đài quan sát châu Âu về các phương tiện truyền thông kỹ thuật số (EDMO) vừa ra hồi tháng 5/2023, ghi nhận tình trạng thông tin bóp méo chống giới LGBTQ phổ biến mạnh, thường xuyên dẫn đến việc "kích động thù hận chống lại các cộng đồng thiểu số, chống lại luật pháp, và các định chế".

Nga và giới cực hữu Mỹ, nơi xuất phát nhiều tin giả

AFP đặc biệt chú ý đến việc Nga và giới cực hữu ở Mỹ là nơi bắt nguồn của nhiều tin giả chống giới LGBTQ, theo ghi nhận của chuyên gia Jakob Svensson, giáo sư ngành báo chí và các khoa học về truyền thông ở đại học Malmo, Thụy Điển. Các nhà báo của AFP đã xác định được việc một video giả về "các đơn vị LGBT" trong quân đội Ba Lan, đã xuất hiện lần đầu tiên trên một số mạng xã hội Nga hồi tháng 1/2023.

Giáo sư Jakob Svensson là đồng tác giả một báo cáo về các kênh loan truyền tin giả chống giới LGBTQ. Theo báo cáo này, đã có một phối hợp giữa nhiều tác nhân khác nhau trên quy mô toàn cầu, trong nỗ lực biến mọi quy định pháp luật khẳng định quyền của người LGBTQ, hoặc đơn giản ngay chỉ là việc giới này có được một sự hiện diện công khai trong xã hội, như những hành động chống lại "các giá trị truyền thống". Đối với vị chuyên gia này, tình trạng những người phổ biến thái độ thù hận và tung tin giả như vậy không bị trừng phạt càng khiến họ trở nên "hung hãn hơn" trong các hành động chống giới LGBTQ.

Trong một báo cáo tập hợp dữ liệu từ 54 quốc gia, Liên hiệp hội ILGA-Europe ghi nhận năm 2022 vừa qua, với châu Âu và Trung Á, là năm mà giới LGBTQ gánh chịu bạo lực gây tổn thất sinh mạng nhiều nhất trong vòng một thập niên. Hồi năm ngoái, cuộc tuần hành Gay Pride tại Oslo, Na Uy, đã phải hủy bỏ sau một cuộc xả súng nhắm vào các địa điểm của người LGBTQ, khiến nhiều người chết.

Bản thân ông Rémy Bonny, giám đốc điều hành của nhóm bảo vệ quyền của người đồng tính tại châu Âu LGBTQ Forbidden Colours, mới đây cho AFP biết đã bị một số nhóm truyền bá tin giả (troll factory) tấn công, do cuộc vận động của ông để thuyết phục các quốc gia thành viên Liên Âu tham gia vào một nỗ lực pháp lý chống lại các luật kỳ thị người LGBTQ ở Hungary. Ông Rémy Bonny bị giám đốc của một tổ chức được chính quyền Hungary ủng hộ, vu cáo là một "kẻ ấu dâm", lời vu cáo có thể gây nguy hiểm cho nhà hoạt động này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.