Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Trồng cây biến đổi gen trên diện rộng tại Việt Nam : Nên hay không ?

Đăng ngày:

Cây trồng biến đổi gen ngày càng được ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, công nghệ sinh học này cũng đã được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên diện hẹp từ hơn mười năm nay. Gần đây, trong giới khoa học về sinh học và nông nghiệp ở Việt Nam, bắt đầu mở ra một cuộc tranh luận xung quanh việc, có nên thực hành trồng đại trà cây biến đổi gen hay không ?

Tại Châu Âu, có nhiều phong trào phản kháng các cây trồng biến đổi gen dùng làm thực phẩm
Tại Châu Âu, có nhiều phong trào phản kháng các cây trồng biến đổi gen dùng làm thực phẩm REUTERS/Thierry Roge
Quảng cáo

Tranh luận xung quanh vấn đề nên hay không nên trồng đại trà cây biến đổi gen vào năm 2012, bắt đầu được xới lên tại Tọa đàm về sinh vật biến đổi gen ở Việt Nam, do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ở Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 5/10/2011.

Trong tạp chí Khoa học của RFI hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu một số góc nhìn khác nhau về vấn đề này : góc nhìn của một số nhà khoa học chủ trương áp dụng ngay loại cây trồng này vì chúng mang lại nhiều lợi ích, dù phải tính đến các rủi ro, ngược lại là quan điểm cho rằng không nên áp dụng đại trà cây trồng biến đổi gen để làm thức ăn cho người và vật nuôi, vì các hiểm họa khó lường. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm ủng hộ việc giới hạn thực nghiệm cây trồng biến đổi gen để sử dụng cho các ngành công nghiệp, cụ thể là trồng bông.

Quan điểm nên áp dụng đại trà một số giống ngô và đậu tương biến đổi gen ngay trong thời gian tới, cũng là quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, gần đây, cùng với cuộc tọa đàm của VUSTA, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ các ý kiến hết sức lo ngại đối với tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam và sức khỏe người Việt Nam, nếu các cây trồng biến đổi gen được áp dụng đại trà, trước khi có những nghiên cứu đầy đủ và kiểm chứng thuyết phục.

Theo một số nghiên cứu, vào năm 2008, trên toàn thế giới có 25 quốc gia áp dụng cây trồng biến đổi gen, với tổng diện tích là 125 triệu hecta trồng, tương đương với 8% diện tích đất trồng trọt toàn cầu. Cây trồng biển đổi gen bắt đầu phổ biến trong vòng 15 năm trở lại đây. Khoảng gần một nửa diện tích trồng cây biến đổi gen hiện nay nằm ở Hoa Kỳ. Nam Mỹ với Argentin và Brazil là khu vực trồng nhiều cây biến đổi gen sau Mỹ. Các quốc gia đang trỗi dậy như Ấn Độ đứng hàng thứ 4, Trung Quốc đứng thứ 6, Nam Phi chiếm vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng theo diện tích. Làn sóng trồng cây biến đổi gen có xu hướng tăng mạnh, và lan ra khắp thế giới trong thời gian gần đây. 

Trên thực tế, cây trồng biến đổi gen chủ yếu tập trung vào một số ít cây được trồng như đậu tương, bông hay ngô..., được độc canh trên diện tích canh tác lớn. Châu Âu là một trong các khu vực lưỡng lự nhất trong việc tiếp nhận cây biến đổi gen. Toàn bộ Châu Âu có 0,05% diện tích đất trồng cây chuyển gen, 100 lần ít hơn so với các cây trồng truyền thống. Tại Châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới, từ nhiều năm nay đã xuất hiện các phong trào chống lại cây biến đổi gen. 

Nhìn chung, ở Việt Nam, không có sự cự tuyệt đối với công nghệ sinh học biến đổi gen cây trồng. Trước mắt, Việt Nam cũng không phải là nước đứng trước áp lực thiếu lương thực thực phẩm, nên phải cấp tốc sử dụng loại công nghệ này để cứu đói. Có thể nói, điểm chung của nhiều nhà khoa học về sinh học tại Việt Nam là nên nghiên cứu và áp dụng công nghệ biến đổi gen trong nông nghiệp ở một số lĩnh vực, tuy nhiên cần rất thận trọng với các nguy cơ của công nghệ sinh học mới này.

Cây trồng biến đổi gen liên quan cùng một lúc đến nhiều lĩnh vực : công nghệ sinh học, y học, nông nghiệp, sinh thái học môi trường, kinh tế, ... Cuộc tranh luận về việc trồng cây biến đổi gen, vừa mới được mở ra tại Việt Nam, hứa hẹn sẽ có những cọ xát đầy đủ hơn, hầu giúp cho công luận hiểu rõ về vấn đề này. 

Khách mời của tạp chí là Phó giáo sư Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, và Phó giáo sư Nguyễn Hồng Minh, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

13:39

PGS Lê Huy Hàm, TS Đặng Kim Sơn và PGS Nguyễn Hồng Minh (Hà Nội)

 

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.