Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CH SÉC - VŨ KHÍ

Việt Nam muốn trang bị máy bay quân sự và radar của CH Séc

Việt Nam muốn gia tăng nhập khẩu trang thiết bị quốc phòng từ Cộng Hòa Séc để đa dạng hóa kho vũ khí trong đó có đến 80% là vũ khí nhập từ Nga. Trong chuyến công du Hà Nội ba ngày của thủ tướng Petr Fiala, kết thúc hôm 22/04/2023, hai thủ tướng đã nhất trí « tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng », cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) tiếp đồng nhiệm CH Séc Petr Fiala tại Hà Nội, ngày 21/04/2023.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) tiếp đồng nhiệm CH Séc Petr Fiala tại Hà Nội, ngày 21/04/2023. AFP - NHAC NGUYEN
Quảng cáo

Một nguồn tin của chính phủ CH Séc tham gia các cuộc họp tại Hà Nội cho hãng tin Reuters biết, hôm 24/04, Hà Nội đàm phán với Praha về việc cung cấp trang thiết bị quân sự, trong đó có máy bay, radar, nâng cấp xe thiết giáp và vũ khí. Vẫn theo nguồn tin trên, CH Séc có thể hỗ trợ chuyển giao công nghệ vũ khí và sản xuất tại Việt Nam nếu các hợp đồng quan trọng được ký kết. Trong số 15 doanh nghiệp tháp tùng thủ tướng CH Séc có 4 doanh nghiệp lớn chuyên về an ninh, gồm tập đoàn Séc-Slovakia, tập đoàn Colt CZ, Omnipol và STV.

Các quan chức Việt Nam vào tuần trước đã thảo luận với đại diện Omnipol, tập đoàn nắm một số cổ phần trong Aero Vodochody và sở hữu Aircraft Industrie - nhà sản xuất máy bay vận tải L410 NG của CH Séc, về việc mua loại máy bay vận tải trên, cũng như khả năng mua radar lưỡng dụng có thể lặp đặt ở các sân bay dân sự và quân sự.

Theo nguồn tin của Reuters, năm 2021, Hà Nội đã đặt mua khoảng 12 máy bay chiến đấu hạng nhẹ L-39NG của Aero Vodochody, theo dự kiến được giao trong năm 2023.

Phía Việt Nam cũng đã thảo luận với đại diện của hai tập đoàn STV và Séc-Slovakia về nhiều hợp đồng liên quan đến việc hiện đại hóa xe tăng, xe thiết giáp do Liên Xô sản xuất mà Việt Nam đang sử dụng với những công nghệ mũi nhọn, trong đó có trang thiết bị truyền thông.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế - SIPRI tại Stockholm, trong hai thập niên gần dây, CH Séc trở thành nhà cung cấp vũ khí chính của Liên Hiệp Châu Âu cho Việt Nam. Lý do là các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của CH Séc, thuộc khối XHCN cũ, nổi tiếng trong việc hiện đại hóa thiết bị quân sự của Nga và thường sản xuất những thiết bị mới tương thích với vũ khí kế thừa thời Liên Xô, trong khi khoảng 80% kho vũ khí của Việt Nam sử dụng công nghệ này.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu của các cuộc đàm phán, không một thỏa thuận mới nào được ký trong chuyến công du của thủ tướng Petr Fiala. Đại sứ CH Séc tại Hà Nội Hynek Kmonicek, khi trả lời Reuters, cho rằng Việt Nam « không có nhiều lựa chọn nếu muốn thiết bị cũ thời Liên Xô tiếp tục hoạt động, cũng như nâng cấp chúng hiện đại hơn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.