Vào nội dung chính
CANNES 2023

Cannes 2023: « Bắt cóc », bộ phim Ý lên án chế độ toàn trị

Tại Liên hoan điện ảnh Cannes 2023 ngày thứ tám, 24/05/2023, một trong các bộ phim được đặc biệt quan tâm là « Rapito » (Bắt cóc) của đạo diễn kỳ cựu người Ý Marco Bellocchio, 83 tuổi, tranh giải Cành Cọ Vàng. Phim lật lại một giai đoạn dữ dội trong lịch sử nước Ý. Vào giữa thế kỷ 19, Công Giáo tiếp tục thống trị toàn bộ xã hội Ý, nhưng nước này cũng đang trước ngưỡng cửa thay đổi lớn.

Ảnh chụp màn hình quảng cáo phim Rapito ( Bắt cóc ) của đạo diễn Ý Marco Bellocchio tại Liên hoan Điện ảnh Cannes 2023.
Ảnh chụp màn hình quảng cáo phim Rapito ( Bắt cóc ) của đạo diễn Ý Marco Bellocchio tại Liên hoan Điện ảnh Cannes 2023. © Festival-cannes.com / Capture d'écran
Quảng cáo

Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật, đó là vụ bắt cóc một bé trai 6 tuổi theo đạo Do Thái, để nuôi dạy theo đức tin Công Giáo, theo lệnh của Giáo hoàng Piô IX. Một phần chủ yếu của bộ phim nói về cuộc chiến của gia đình Mortara giành lại bé Edgardo. Nhật báo Công Giáo Pháp La Croix ghi nhận bộ phim đã rất thành công trong việc chuyển tải không khí áp bức bao trùm nước Ý, dưới sự cai trị của Vatican, nắm trọn cả quyền lực tâm linh cũng như quyền lực thế tục. Theo tờ báo, đây là một lĩnh vực mà đạo diễn Marco Bellocchio « là một bậc thầy ».

Phim « Bắt cóc » gắn chặt với những chuyển động lớn của lịch sử nước Ý thời cận - hiện đại. Đạo diễn Marco Bellocchio nhấn mạnh « đây là một giai đoạn quan trọng lịch sử nước Ý, bởi (vụ bắt cóc bé Edgardo) là một trong những vụ bắt cóc cuối cùng do Giáo Hội chỉ đạo tại Ý ». Vụ bắt cóc đã trở thành đấu trường giữa Giáo hội và « các lực lượng tự do, cấp tiến, coi đây là một hành động man rợ, và sự việc được coi là nhỏ này đã gây ra một sự phản đối dữ dội trên toàn thế giới ».

Sự trỗi dậy của nước Ý hiện đại gắn liền với sự trỗi dậy của các thế lực thế tục, thu hẹp quyền lực của Công Giáo. Phim khép lại với việc một tòa án thế tục xét xử viên thẩm phán của Tòa án dị giáo, từng được Giáo hội sử dụng để xử những người theo tôn giáo khác. Chính viên thẩm phán này là người tổ chức vụ bắt cóc bé Edgardo. 

Nhưng « Bắt cóc » không chỉ là một bộ phim về lịch sử. Thế giới tinh thần của nhân vật chính, bé Edgardo Mortara, trở thành linh mục sau khi được nhà thờ nuôi dạy, là trung tâm của câu chuyện.

Thế giới tinh thần giằng xé của người bị quyền lực toàn trị nhào nặn, đến mức trở thành công cụ cho ý thức hệ, là điều gây ấn tượng đặc biệt trong phim. Trong suốt cuộc đời mình, Edgardo Mortara luôn bị giằng xé giữa hai tình cảm, sự nhớ thương gia đình và lòng trung thành với Công Giáo. Người linh mục, đứa trẻ Do Thái bị bắt cóc năm xưa, đã nỗ lực đến cùng để vận động chính mẹ mình cải đạo Thiên Chúa.

Tuy nhiên, « Bắt cóc » không chỉ nói về sức mạnh nô dịch con người của ý thức hệ toàn trị, mà còn hé mở khát vọng tự do. Một trong những hình ảnh mạnh nhất của « Bắt cóc » là cảnh linh mục Edgardo rút những chiếc đinh đóng vào tay và chân của một bức tượng Chúa Giêsu trên Thập giá.

Phim « Bắt cóc » nói về lịch sử nước Ý cách đây đã gần hai thế kỷ ắt hẳn tiếp tục có nhiều đồng vọng với xã hội đương đại. Trả lời AFP, đạo diễn Marco Bellocchio cho biết ông đã rất bị chấn động khi được biết trẻ em Ukraina bị bắt cóc sang Nga kể từ đầu chiến tranh. Nạn bắt cóc, giáo dục cưỡng bức, nhồi sọ để nô dịch con người tiếp tục là thảm cảnh mà nhân loại luôn phải đối mặt. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.