Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Pháp : Nhà hát Opéra thành phố Reims tròn 150 tuổi

Cách đây 150 năm, ngày 3 tháng 5 năm 1873, thành phố Reims làm lễ khánh thành Nhà hát lớn (Grand Théâtre) mà mãi về sau này mới được gọi là nhà hát Opéra. Nằm ở phía trái khi ta đứng đối diện với Nhà thờ Đức Bà Reims, nhà hát với 750 chỗ ngồi thuộc vào hàng lớn nhất vùng Champagne thời bấy giờ. Kiến trúc sư Pháp Alphonse Gosset đã có tham vọng tạo ra một quần thể trung tâm hài hòa với Viện bảo tàng Mỹ thuật.

Nhà hát Opéra thành phố Reims, Pháp.
Nhà hát Opéra thành phố Reims, Pháp. © wikimedia.org/The Crazy Tourist
Quảng cáo

Trong tuần tới, đúng vào ngày 3 tháng 5 năm 2023, nhà hát Opéra thành phố Reims sẽ kỷ niệm 150 năm ngày được thành lập. Đây là cơ hội để đón tiếp khách tham quan kể cả dân địa phương hay khách nước ngoài, tạo điều kiện cho công chúng khám phá công trình nghệ thuật này, một trong những viên ngọc của Reims có lối kiến trúc Art Déco, bên cạnh các di sản lớn khác là Nhà thờ Đức Bà Reims và Cung điện Tau, nơi lưu trú của các vì vua Pháp trước khi nhận vương miện nhân lễ đăng quang tại nhà thờ Notre Dame de Reims.

Chương trình kỷ niệm 150 năm nhà hát Opéra Reims 

Từ hơn một thế kỷ nay, nhà hát Opéra đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Reims, gắn liền với đời sống và sinh hoạt của thành phố này, nằm cách Paris khoảng một giờ lái xe, ở miền Đông nước Pháp. Tuy nhiên, trong mắt của một số người dân, nhà hát Opéra vẫn được xem là nơi lui tới của các thành phần ưu tú trong xã hội, có trình độ thưởng thức cũng như sức mua sắm cao. Có lẽ cũng vì thế Hội đồng thành phố Reims và ban tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm nhà hát lớn đã muốn dựng lên một chương trình sinh hoạt dành cho tất cả mọi người, bất kể lứa tuổi cũng như thành phần xã hội. 

Một cách tượng trưng, trong hơn một tuần lễ, từ ngày 22/04 đến ngày 03/05/2023, nhà hát Opéra Reims tổ chức hàng loạt sự kiện miễn phí, bao gồm các sinh hoạt lễ hội hầu quảng bá nghệ thuật, văn hóa và nỗ lực bảo tồn di sản. Khách tham quan có thể vào thăm bên trong nhà hát thứ Tư và thứ Bảy. Sảnh chính của nhà hát lớn được biến thành không gian triển lãm đón khách 6 ngày trên 7. 

Đầu tiên hết là không gian trưng bày nhạc cụ và nhiếp ảnh cổ, phản ánh những biến đổi của thành phố Reims trong hơn một thế kỷ. Bên cạnh đó, Reims đã hợp tác với các nhà hát lớn của các thành phố khác Strasbourg, Nancy và Metz để dựng cuộc triển lãm lưu động miễn phí về trang phục sân khấu, tất cả các cơ sở văn hóa này đều trực thuộc Hội đồng cấp vùng Grand Est. Nhân dịp này, công chúng có cơ hội khám phá 60 bộ trang phục của các nhân vật kịch opéra nổi tiếng, kể cả nhân vật nữ hoàng bóng đêm trích từ một trong những tác phẩm nổi tiếng của Mozart. Đồng thời, khách tham quan được nghe biểu diễn vào buổi chiều một số trích đoạn diễn tập của vở kịch opéra ''The Magic Flute'' (Cây sáo thần kỳ). 

Các buồi biểu diễn mừng sinh nhật Opéra Reims 

Chương trình kỷ niệm 150 năm nhà hát Opéra Reims dĩ nhiên không thể nào thiếu vắng tiếng nhạc. Hầu như mỗi ngày vào khoảng 5 giờ chiều, sóm hơn vào những ngày cuối tuần, đều có hòa nhạc miễn phí, kể cả nhạc thính phòng, thanh nhạc cổ điển đệm với dương cầm cũng như nhạc hòa tấu qua các bản concerrto và khúc giao hưởng. Với sự tham gia của các sinh viên, giáo sư Nhạc viện thành phố cũng như các thành viên đoàn nhạc trực thuộc nhà hát lớn, các buổi hòa nhạc cũng  phản ánh âm nhạc qua nhiều thời kỳ khác nhau, kể cả dòng nhạc baroque thời nhà hát vừa mới được xây xong, qua các giai điệu tiêu biểu của Rameau (Forêt Paisible, Les Indes Galantes), tác phẩm ''La Folia'' của Geminiani cũng như các trích đoạn từ vở kịch ''Guillaume Tell'', tác phẩm opéra cuối cùng của nhạc sĩ người Ý Gioachino Rossini (1792-1868). 

Có thể nói tác giả người Ý Rossini có giai thoại gắn liền với truyền thống làm lễ đăng quang tại Reims. Vào năm 1824, ông được mời sáng tác một vở kịch opéra nhân buổi lễ trao vương miện cho nhà vua Charles X. Trong lịch sử Pháp,Charles X  là nhân vật cuối cùng trong số 37 vì vua Pháp tuân thủ truyền thống làm lễ đăng quang tại Nhà thờ Đức Bà Reims. Mặt tiền của thánh đường có lưu lại các điển tích này. Riêng tác phẩm ''Il viaggio a Reims'' (Hành trình đến Reims) mở đường cho nhà soạn nhạc người Ý Rossini sáng tác bằng tiếng Pháp, để rồi sau đó ông thành công với vở ''Guillaume Tell''. Các tác phẩm của Rossini được đưa vào chương trình sinh hoạ. Ngày 03/05/2023 vẵn là ngày quan trọng nhất, chương trình kỷ niệm đạt đỉnh điểm vào lúc 3 giờ rưỡi chiều với buổi trình diễn của dàn nhạc giao hưởng thành phố. 

Trên phương diện lịch sử, nhiều buổi hội thảo sẽ diễn ra vào chiều tối thứ Tư và thứ Bảy với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, về phong cách kiến trúc từ năm 1873 và nghệ thuật Art Déco. Hội bảo tồn di sản văn hóa sẽ nhấn mạnh đến vai trò của kiến trúc sư người Pháp Alphonse Gosset. Ngoài công việc thiết kế xây dựng, ông còn là thành viên hội đồng thành phố Reims, nhờ vậy mà góp phần không nhỏ vào việc phát triển và quy hoạch đô thị. 

Nhà hát mang đậm dấu ấn của phong cách Art Déco 

Nhà hát lớn đã hứng chịu nhiều thiệt hại trong thời Thế Chiến thứ nhất. Sau khi bị tàn phá, thành phố Reims đã mất gần hai thập niên mới được tái thiết. Nhà hát lớn là một trong những cơ sở công cộng cuối cùng được xây lại. Buộc phải đóng cửa trong một thời gian dài, nhà hát lớn được khai trương lại vào cuối năm 1931. Mãi đến nhiều thập niên sau đó, nhà hát lớn (Grand Théâtre) mới chính thức đổi tên thành nhà hát Opéra Reims (vào năm 2010). 

Công trình tái thiết đầu những năm 1930 được giao cho hai kiến trúc sư François Maille và Louis Sollier, lối trang trí phòng ốc và nội thất gợi hứng rất nhiều từ Nhà hát Champs Élysées, được hoàn tất vào năm 1913 và tọa lạc trên đại lộ Montaigne, ở quận 8 Paris. Yếu tố này giải thích vì sao nhà hát Reims tuy ra đời vào cuối thế kỷ XIX nhưng lại không có phong cách baroque hay tân cổ điển, mà chủ yếu được xây lại theo phong cách Art Déco, trào lưu nghệ thuật thịnh hành nhất vào gia đoạn huy hoàng 1920-1930. 

Bị phá đi rồi xây lại cũng như đa số đền đài dinh thự thời hậu chiến, dãy phố cổ Reims đã vượt qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử. Thế nhưng, cũng như trái tim Nhà thờ Đức Bà vẫn vững nhịp đập giữa lòng thành phố, nhà hát lớn tiếp tục tỏa sáng tại Reims, nơi còn được nhiều người Pháp mệnh danh là ''kinh thành của lễ đăng quang''. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.