Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hàng dệt may : Pháp muốn thúc đẩy hàng « made in France »

Đăng ngày:

Vào lúc vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm hơn, Pháp muốn thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa tại Pháp “Made in France” đặc biệt là trong ngành dệt may.  

Salon Made In France
Máy dệt tất tự động được trưng bày tại khu Nhà máy tạm thời (Usine éphémère), ở hội chợ Made In France tại Paris, Pháp, ngày 10/11/2023. © Chi Phuong
Quảng cáo

Với sự ra đời của máy khâu, được phát minh bởi thợ may Barthélemy Thimonnier vào năm 1829, ngành dệt may của Pháp đã được phát triển mạnh mẽ và trải qua thời kỳ vàng son vào giữa thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nhờ những tiến bộ về kỹ thuật, thúc đẩy công nghiệp hóa. Vào những năm 1960, một báo cáo của Thượng Viện Pháp cho thấy khoảng 1 triệu lao động làm việc tại hơn 700 000 doanh nghiệp dệt may.   

Thế nhưng, khoảng một thập kỷ sau, ngành dệt may cũng như một số ngành công nghiệp khác đã nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, trở nên trầm trọng hơn vào những năm 1990. Tiểu luận “Délocalisation et nouveau modèle économique : le cas du secteur textile-habillement - Di dời  cơ xưởng và mô hình kinh tế mới: trường hợp lĩnh vực vải sợi-may mặc” của tác giả Gilbert Ammar và Nathalie Roux, chỉ ra rằng “toàn cầu hóa, cùng với các tiến bộ công nghệ về liên lạc và thông tin cho phép phân tách quy trình sản xuất thành những bước khác nhau, và có thể được thực hiện ở những nơi xa xôi…”  Hàng loạt doanh nghiệp đã di dời cơ sở sản xuất đến những nước có nhân công rẻ, nhằm giảm chi phí sản xuất, chẳng hạn như các nước vùng Maghreb ( Bắc Phi ) hoặc Trung Quốc, Việt Nam… Từ năm 1986 đến năm 2004, ngành dệt may tại Pháp đã mất đi khoảng hai phần ba lực lượng lao động.  

Đại dịch Covid-19 bùng nổ đã khiến nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhiều lĩnh vực phải xem xét lại cách thức hoạt động. Theo đài phát thanh France Info, “tình trạng thiếu khẩu trang và thuốc trong đại dịch đã cho thấy sự cần thiết của việc các ngành công nghiệp đặt cơ sở sản xuất ở Pháp.” Từ năm 2020, chính phủ Pháp đã đầu tư gần 850 triệu euro, hỗ trợ 782 dự án về dệt may mặc, giúp cho các doanh nghiệp “trở về hoạt động, sản xuất tại Pháp”, trong khuôn khổ kế hoạch “France Relance”.  

Chỉ 3 % các sản phẩm may mặc bán ở Pháp là được sản xuất tại Pháp

Được mở ra vào năm 2012, hội chợ Made in France lúc đó có 78 doanh nghiệp đến giới thiệu sản phẩm, và khoảng 15 000 người đến xem. Sau hơn 10 năm, tại hội chợ diễn ra vào tháng 11/2023 tại Paris, ban tổ chức  cho biết sự kiện đã thu hút hơn 1000 doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực và tiếp đón khoảng 100 000 khách.  

Nhà sáng lập và giám đốc của hội chợ, bà Fabienne Delahaye, trả lời RFI Việt Ngữ, nhận xét việc di dời hoạt động sản xuất sang các nước khác để tiết kiệm chi phí đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực tại Pháp, riêng trong ngành may mặc, hiện chỉ có khoảng 3 % các sản phẩm may mặc, quần áo bán ở Pháp là được sản xuất tại Pháp”. Bà nói thêm : “Chúng tôi nhận thức được rằng các sản phẩm « Made in France » có thể tác động đến sinh thái, việc làm, hay bảo tồn những kỹ năng sáng tạo… Phải biết là một sản phẩm được sản xuất trên lãnh thổ Pháp tạo ra gấp ba số việc làm so với một sản phẩm được nhập khẩu. Những năm gần đây, mọi người nói nhiều đến vấn đề hưu trí, hệ thống hưu trí dựa trên việc làm, những người đi làm. Muốn tiếp tục duy trì mô hình xã hội và hệ thống hưu trí, thì phải tái công nghiệp hóa, mua hàng sản xuất tại Pháp.”  

Tại hội chợ diễn ra từ ngày 09-12/11/2023, ban tổ chức muốn quảng bá các kỹ năng thủ công, truyền thống của Pháp nên đã bố trí một khu vực Usine éphémère (Nhà máy tạm thời), với nhiều loại máy móc, giới thiệu với người xem các quá trình sản xuất những vật dụng đời thường, từ túi xách, bàn chải đánh răng, cho đến những chiếc tất hay chiếc quần bò.  

Vấn đề môi trường trong ngành dệt may

Emmanuelle Sylvestre, giảng viên tại trường ESMOD ở Lyon, miền trung nước Pháp, đưa học sinh của cô đến dự hội chợ. Đứng trước một máy dệt công nghiệp, tự động làm ra một chiết tất, cô Sylvestre cho rằng, “đến với hội chợ, học sinh không chỉ được tìm hiểu về quy trình sản xuất các sản phẩm tại Pháp, từ túi xách, đồ bơi, hay một lá cờ, mà còn có thể đặt những câu hỏi về nguồn gốc sản phẩm, nguyên liệu và những kỹ năng trong ngành may mặc. Mọi người thường cho rằng hàng được sản xuất tại Pháp đắt hơn là từ những nước khác. Đúng là vì đằng sau đó là những người lao động, những cỗ máy, nhà máy và kỹ năng sản xuất, do vậy tất cả đều có giá của nó. Tôi cho rằng cần phải giải thích lại để mọi người hiểu được giá thành cao như vậy là hoàn toàn bình thường và hoàn toàn hợp lý, chưa kể đến chất lượng sản phẩm”.   

Ngoài những sản phẩm từ công nghệ, mỹ phẩm cho đến ẩm thực, phải nói rằng tại hội chợ, các gian hàng đồ may mặc chiếm diện tích lớn, giới thiệu từ những chiếc mũ len, cho đến ô che mưa, găng tay hay các loại hàng may sẵn, tất cả đều là “Made in France”. Lần đầu đến dự hội chợ này cùng với một người bạn, cô Maël thấy “có khá nhiều sản phẩm được sản xuất trở lại tại Pháp. Chúng tôi đã ghé thăm một số gian hàng sản xuất quần áo, và đặc biệt là chúng tôi thấy rất nhiều đôi giày lông cừu charentaise được bày bán, chúng tôi nói đùa rằng, biết đâu loại giày này có thể trở thành xu hướng thời trang vào mùa đông này”.  

Một số du khách coi hội chợ là dịp để mua sắm, như trường hợp của bà Ghislaine. Bà nói : “Chúng tôi tìm thấy gần như tất cả những thứ mà chúng tôi muốn và có thể chắc chắn rằng đó là hàng do Pháp sản xuất”. Bà cho biết “rất quan tâm đến vấn đề môi trường”, và hy vọng rằng nước Pháp sẽ vẫn là một nước công nghiệp, có những quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, ít phát thải carbon, và người dân Pháp không phải sử dụng những sản phẩm được vận chuyển từ những nước xa xôi. Đi cùng bà, ông Pascal thì đánh giá cao những chủ doanh nghiệp trẻ, đến hội chợ giới thiệu sản phẩm, “trong khi không hề dễ dàng để chen chân vào thị trường có quá nhiều cạnh tranh như hiện nay”. Ông nhận định : “Họ là những người muốn Made in France, muốn sản xuất tại Pháp, nên đối với tôi, thật đáng mừng khi thấy điều đó”.  

Đó là trường hợp của Navir, một trong những thương hiệu thời trang ra đời năm 2023, quảng bá các sản phẩm được “sản xuất tại Pháp” và “bio”, thân thiện với môi trường. Các loại quần áo được thiết kế đơn giản, “timeless” - vượt thời gian, như mô tả của nhà đồng sáng lập Navir, Baptiste Vallet. Anh cho biết : “Trên thực tế, chúng tôi đã làm việc trong các xưởng may của Pháp từ 15 năm qua, và đó là những xưởng đã tồn tại từ hơn 30 năm nay, đã và vẫn hoạt động tại Pháp ngay cả trong thời gian xảy ra xu hướng di dời cơ sở sản xuất đi nơi khác. Do vậy đối với chúng tôi, đó là một điều rất tự nhiên khi tiếp tục làm việc tại các cơ sở ở Pháp, giữ gìn các kỹ năng, kiến thức ở Pháp, để cho mọi người thấy rằng vẫn hoàn toàn có thể làm gì đó, góp phần thúc đẩy quá trình tái công nghiệp hóa trong ngành này, trên chính lãnh thổ của chúng tôi”.   

Ông Vallet bảo đảm rằng tất cả các sản phẩm được làm ra đều được sản xuất ngay trong vùng Ile de France ( Paris và vùng phụ cận ) và được chứng nhận “bio”, tức là nguyên liệu cũng như quá trình tạo ra sản phẩm ‘tôn trọng cân bằng tự nhiên’. Theo nhà đồng sáng lập Navir, Pháp không có nhiều nguồn sợi bông, hơn nữa các nhà máy dệt quy mô công nghiệp đa số đã được di dời, không còn hoạt động ở Pháp. Do vậy, nguyên liệu hiện nay của Navir chủ yếu là các sợi bông “bio”, được nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ, “giá thành phải chăng và ở châu Âu”, chứ không phải ở các nước xa xôi như Trung Quốc hay Ấn Độ.  

 Giá thành cao là một vật cản lớn

Thông thường khi nói đến các sản phẩm được làm tại Pháp, giá thành cao là một trong những trở ngại lớn khiến người tiêu dùng do dự. Bà Emmanuelle Sylvest, giảng viên và cũng là chuyên gia tư vấn về thời trang và tiếp thị, cho rằng “chúng ta thường phải đối măt với hai thử thách : ngày tận thế và những ngày cuối tháng. Nếu muốn vẫn còn tiền vào cuối tháng thì tiêu xài bớt đi hoặc là nếu quan tâm đến cách tiêu dùng của bản thân để hạn chế tác động đối với môi trường, nóng lên toàn cầu. Cách nay 50 năm, fast-fashion (thời trang nhanh, giá rẻ) không tồn tại nhưng không có ai cởi trần ra đường vì quần áo quá đắt cả.Trên thực tế, hiện nay, mọi người đã quen với việc mua quần áo giá rẻ trong một thời gian dài và tôi cho rằng như vậy là không bình thường. Giá của các loại quần áo trong các chuỗi thời trang, các nhà phân phối lớn, “rẻ như vậy là không bình thường”, tức là không tôn trọng người lao động, luật lao động cũng như hành tinh này. Để làm ra những sản phẩm giá rẻ, người ta dùng các chất hoá học để nhuộm vải hay xử lý sản phẩm, không thân thiện với môi trường và chúng ta chắc chắn sẽ phải trả một cái giá khác đằng sau đó. Từ hơn 30 năm nay, người tiêu dùng được ưu tiên với các sản phẩm giá rẻ, họ hài lòng, nhưng nhà sản xuất thì sao ? Họ đã mất rất nhiều thứ. Ngày nay, mọi người không còn biết thế nào là một sản phẩm chất lượng nữa, và vấn đề về giá này cần được nêu ra, cần phải vận động mọi người tiêu thụ ít đi nhưng với các sản phẩm tốt hơn”.   

Về vấn đề này, đồng sáng lập thương hiệu thời trang Navir, Baptiste Vallet thừa nhận “lạm phát và những lý do khác khiến vật giá tăng cao”, nên họ muốn tìm giải pháp để giữ mức giá phải chăng, ví dụ những chiếc áo phông có giá từ 20-40 euro, “tương đương với giá của các thương hiệu thời trang lớn fast-fashion ở Pháp”. Ông giải thích làm được điều này trên thực tế rất đơn giản. :“Thương hiệu thời trang Navir được lập ra để bán trực tiếp cho người tiêu dùng, nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng lập ra một công ty khác – VADF, chuyên làm việc với các doanh nghiệp khác, (theo hình thức Business-to-Business), như vậy chúng tôi có thể bán với số lượng lớn, và nhập nguyên liệu với số lượng lớn, tăng sản lượng, giảm giá sản phẩm.”  

Theo một báo cáo của Viện Nghiên Cứu và Thống Kê Quốc Gia Pháp, (INSEE) vào năm 2018, khoảng 103.000 lao động làm việc trong ngành dệt may. Một nửa các sản phẩm dệt may, đặc biệt là quần áo, giày dép, được nhập từ châu Á, một phần ba từ châu Âu. Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp nhận định rằng những doanh nghiệp tại Pháp vẫn “sống sót” sau quá trình toàn cầu hoá là những cơ sở được trang bị tốt nhất các kỹ năng truyền thống, biết cách vận hành sản xuất khác biệt, khi người tiêu dùng muốn tìm giá tốt, thay vì hành vi mua hàng “có đạo đức”. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho việc tái công nghiệp hóa ngành này, nhất là trong bối cảnh lạm phát, giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.