Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp “nhức đầu” vì ngày tựu trường thiếu giáo viên trầm trọng

Đăng ngày:

Khoảng 12 triệu học sinh, sinh viên Pháp quay trở lại trường đón năm học mới ngày 01/09/2022. Tuy nhiên các trường học phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Nghề giáo tại Pháp ngày càng ít được "coi trọng" (hoặc quan tâm) vì đãi ngộ thấp và điều kiện làm việc nhiều "rủi ro".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngồi cạnh một học sinh ở một trường học ở Laval, Pháp, 03/09/2018.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngồi cạnh một học sinh ở một trường học ở Laval, Pháp, 03/09/2018. AFP - LUDOVIC MARIN
Quảng cáo

Từ vài năm trở lại đây, tình trạng thiếu giáo viên không phải là một chủ đề mới mẻ vào mỗi dịp tựu trường tại Pháp. Năm 2016, một phóng sự điều tra dạng “camera quay lén” của kênh truyền hình France 2 chỉ ra việc một số cơ sở đào tạo đã phải hạ thấp điều kiện tuyển dụng vì thiếu giáo viên. Đến mùa khai giảng năm nay, việc trò đến trường mà không có thầy vẫn là chủ đề nhức nhối của ngành giáo dục Pháp. Tình trạng này thậm chí còn trầm trọng hơn. Để trở thành giáo viên trong hệ thống trường công, các giáo viên cần phải trải qua một kỳ thi. Trong số hơn 20 000 vị trí giáo viên được mở ra tuyển dụng, hơn 4000 vị trí không có người ứng tuyển. Pháp thiếu giáo viên ở nhiều môn học khác nhau như toán, ngoại ngữ, văn học cổ điển, v.v.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc tuyển giáo viên mới, các trường học công lập còn chứng kiến cảnh các giáo viên trong biên chế xin nghỉ việc. Con số này tăng mạnh, từ 1544 trong năm học 2019-2020 lên đến 2286 năm học 2020-2021. Vậy điều gì khiến một trong những nghề nghiệp được xem là “cao quý” nhất lại mất đi sức hút đến thế ? 

Cải cách quy chế tuyển dụng giáo viên chính quy

Có rất nhiều nguyên do để giải thích việc thiếu giáo viên trầm trọng ở Pháp. Đầu tiên là số ứng viên tham gia kỳ thi sát hạch, tuyển dụng giáo viên giảm vì cải cách năm 2022. Theo quy chế mới, chỉ các ứng viên có trình độ  BAC + 5 – tương đương với thạc sỹ trở lên - mới đủ tiêu chuẩn tham gia kỳ thi. Ông Maxime Reppert, thư ký Công đoàn quốc gia các trường trung học ở Pháp ( SNALC), lưu ý trên kênh truyền hình BFM TV : 

“Cần phải biết rằng vào những năm 2000, khoảng 50 000 ứng viên tham gia kỳ thi sát hạch CAPES. 20 năm sau, con số này chỉ còn khoảng 20 000, tức là giảm 60 %. Dĩ nhiên lý do cải cách điều kiện đầu vào, từ Bac +3  (tương đương với hệ cao đẳng ở Việt Nam), thành Bac +5 (tương đương với hệ thạc sỹ ). Nhưng lý do này không đủ để giải thích tình trạng số người muốn trở thành giáo viên giảm nghiêm trọng”. 

Lương giáo viên rẻ mạt

Trên thực tế, lý do quan trọng nhất đó là điều kiện làm việc và đãi ngộ thấp, theo Le Figaro. Hiện tại, lương khởi điểm của một giáo viên vượt qua kỳ thi sát hạch là khoảng 1.700 euro sau khi trừ thuế đối với trình độ Bac + 5. Hệ số lương cũng không thay đổi từ nhiều năm qua. Giáo viên bậc tiểu học và trung học tại Pháp được trả lương thấp hơn 7 % so với các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE), thấp hơn 20 % sau 10 hay 15 năm thâm niên, theo một báo cáo công bố vào tháng 09/2021. 

Nhà xã hội học Geraldine Farges, giảng viên tại đại học Burgundy Franche-Comté và công tác tại Viện Nghiên cứu về Giáo dục IREDU, giải thích trên đài phát thanh Pháp France Culture như sau :  

“Mức đãi ngộ như vậy giải thích việc các giáo viên không hài lòng về địa vị xã hội nói chung. Địa vị của người có trình độ Bac +5, được đánh giá trong xã hội tương ứng với mức lương có cao hay không. Trong các số liệu về mức đãi ngộ đối với giáo viên, nhiều người nhận được đồng lương rẻ mạt, thấp hơn nhiều so với những người có trình độ thạc sỹ làm việc trong các lĩnh vực khác. Khi nói về địa vị của giáo viên và nghề giáo, thông thường là những người có điều kiện làm việc ưu tiên, ví dụ như có thể tự chủ và linh hoạt trong công việc. Thế nhưng từ nhiều năm qua, điều kiện làm việc của ngề giáo ngày càng khó khăn. 

Một nghề nhiều rủi ro 

Theo nhà sử học Eric Anceau, trả lời Le Figaro, nghề giáo tại Pháp ngày càng phải đối mặt với những rủi ro về thể chất cũng như tâm lý. Lớp học không còn là nơi tôn nghiêm, mà đã trở thành một nơi phản ánh các tệ nạn của xã hội. Đã có nhiều trường hợp giáo viên bị hành hung. Theo kết quả một thăm dò được thực hiện năm 2021, 58 % giáo viên được hỏi cho biết sẽ không làm giáo viên nếu được chọn lại, vì đây là một công việc có quá nhiều căng thẳng, không được xã hội đánh giá đúng mức và đôi khi bị “bỏ rơi” bởi cấp trên trong chính cơ sở đào tạo. Năm 2019, lần đầu tiên bộ Giáo Dục Pháp công bố số giáo viên tự tử vì áp lực công việc lên đến 11 người chỉ trong vòng hai tháng. “Giáo viên phải gánh quá nhiều trách nhiệm, ví dụ như thất bại trong thành tích học tập của học sinh, cũng như thất bại trong cách vận hành của cả hệ thống giáo dục.”, bà Geraldine nhấn mạnh. 

Giải pháp của chính phủ Pháp có khả thi?

Hôm 25/08 vừa qua, tổng thống Pháp đã có mặt tại buổi họp chuẩn bị đầu năm học mới tại trường đại học Sorbonne. Emmanuel Macron ghi nhận hệ thống trường học Pháp đúng là không được tổ chức tốt, đồng thời khẳng định đề xuất tuyển dụng giáo viên theo hợp đồng mà bộ Giáo Dục đã đề xuất trước đó, “đôi khi là một giải pháp thông minh”. Đối với giáo viên hợp đồng, hồ sơ ứng tuyển chỉ cần ở mức Bac +3, so với các giáo viên được tuyển dụng chính quy với trình độ tối thiểu là từ Bac + 5. Theo đó, khoảng 3.000 giáo viên hợp đồng sẽ được tuyển cho năm học mới này, phần nào bù đắp chỗ trống. 

Theo La Croix, những giáo viên hợp đồng thường là những người đã thi trượt kỳ thi tuyển giáo viên và trình độ của họ có thể đáng quan ngại vì ít kinh nghiệm. Trong trường hợp này, các thanh tra giáo dục chịu trách nhiệm đào tạo khẩn cấp các giáo viên mới này chỉ trong vòng vài ngày. Đại diện Công đoàn các trường trung học quốc gia Pháp, bà Sophie Venetitay, chỉ trích quyết định này trên kênh truyền hình TF1 :  

“Tôi cho rằng đây hoàn toàn là một ảo tưởng, vì cho rằng chỉ cần đào tạo 2 ngày trước khi khai giảng thì có thể cho phép những giáo viên hợp đồng (chưa có kinh nghiệm), biết thế nào là nghề giáo.” 

Nhật báo Công Giáo La Croix cho rằng điều này có nghĩa là các trường học tuyển những người muốn đi dạy nhưng lại chưa có đủ trình độ theo yêu cầu, do vậy phải đào tạo họ trong vòng 2, 3, cho đến 5 năm, đến khi họ đủ kinh nghiệm như trình độ Master. Theo tờ báo Pháp, đây là một điều phi lý, vì đây không còn là tuyển dụng mà là đào tạo. 

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng lương thấp, nguyên thủ Pháp và bộ trưởng Bộ Giáo Dục đã bảo đảm rằng trong tất cả những giáo viên bắt đầu đi làm vào dịp tựu trường năm nay, sẽ không có ai có lương khởi điểm dưới 2000 euro một tháng, tức là cao hơn 20 % so với mức lương hiện nay. Quy định này được áp dụng với tất cả các giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông. Lương của một giáo viên mới là 1700 euro vào năm 2020, con số này có thể lên đến gần 1900 euro mỗi tháng nếu tính cả tiền thưởng. Và để có được mức lương 2000 euro mỗi tháng, giáo viên cần có ít nhất 12 đến 13 năm kinh nghiệm làm việc. 

Hứa hẹn tăng lương cho những người mới bắt đầu đi làm hiện nay sẽ được xem là không công bằng đối với những giáo viên kỳ cựu. Bộ trưởng bộ Giáo Dục Pháp, ông Pap Ndiaye, ghi nhận điều này trên đài phát thanh Pháp RTL ngày 30/08 : 

“Đúng là lương của một giáo viên mới vào nghề không thể cao hơn lương của một giáo viên có 10 năm kinh nghiệm. Do vậy cần phải tăng lương cả với những người đã vào nghề từ lâu. Tỷ lệ tăng lương sẽ được nêu ra sớm. Tăng 20% đến 30 % (giống như đối với các giáo viên mới), là con số quá lớn mà chúng tôi khó có thể đáp ứng được. Nhưng mức lương sẽ tăng đáng kể, để giải quyết tình trạng nghề giáo không còn thu hút.”  

Vào hôm 07/07 vừa qua, bộ trưởng bộ Giáo Dục cho biết trên đài phát thanh France Inter, chính phủ dự trù lương cho toàn bộ giáo viên, tùy theo kinh nghiệm, sẽ được tăng đến 10 % hoặc 20 %. Việc tăng tương sẽ chia thành hai phần. Đó là tăng lương vô điều kiện và tăng lương có điều kiện. Lương của những giáo viên ở giữa sự nghiệp có thể tăng thêm 20 % nếu như thực hiện thêm các “nhiệm vụ mới”. Theo phía công đoàn, trên thực tế, nhiều giáo viên đã phải đảm nhận các nhiệm vụ mới từ nhiều năm qua mà không được tăng lương. Đó là các nhiệm vụ như hướng nghiệp cho học sinh, giúp đỡ các học sinh có điều kiện khó khăn…) Đối với công đoàn, việc tăng lương có điều kiện này là không thể chấp nhận được. Bà Sophie Venetitay cho biết : 

“Đề xuất tăng lương này giống như lời kêu gọi : “Muốn được trả thêm lương thì phải làm thêm việc”. Điều đáng nói đó là Emmanuel Macron và Pape Ndiaye đưa ra giải pháp này khi cả hai đều đánh giá rằng các giáo viên nay rất mệt mỏi sau hai năm đại dịch. Một bên, họ chỉ ra một nghề nghiệp gây mệt mỏi và đôi khi bị lạm dụng và nêu ra nghi vấn về ý nghĩa của công việc đấy, nhưng mặt khác lại đưa ra một giải pháp được coi là “tiên tiến”. Đó là phải làm việc nhiều hơn để xứng đáng được nhận mức lương tương ứng. Đây quả là nghịch lý và không phải là một giải pháp.” 

Đây cũng chính là lý do mà ngày 29/09/2022, Liên đoàn giáo dục quốc gia Pháp kêu gọi đình công để đánh giá lại mức lương cho giáo viên.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.