Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Bảng xếp hạng Thượng Hải : Cuộc “so găng tài năng” giữa các cường quốc

Đăng ngày:

Theo Bảng xếp hạng Thượng Hải (Academic Ranking of World Universities), công bố vào ngày 15/08/2022, một số trường của Pháp bị tụt hạng. Điều này liệu có phản ánh chất lượng đào tạo của Pháp đang đi xuống hay không ? Trên thực tế, thứ hạng cao thấp của các trường đại học, mang ảnh hưởng địa chính trị nhiều hơn là giá trị học thuật.  

Hình ảnh minh họa : Một sinh viên đội mũ cử nhân.
Hình ảnh minh họa : Một sinh viên đội mũ cử nhân. Reuters
Quảng cáo

Được thành lập vào năm 2003 bởi đại học Giao Thông Thượng Hải (SJTU), Trung Quốc, Bảng Xếp Hạng Các Trường Đại Học Thế Giới , hay còn được gọi là Bảng xếp hạng Thượng Hải, trở thành một thước đo rất được quan tâm bởi công luận cũng như bởi giới học thuật và giới chính trị tại Pháp. Ban đầu, bảng xếp hạng (BXH) được chính phủ Trung Quốc yêu cầu lập ra để xác định các đặc điểm của một trường đại học quốc tế lớn, nhằm thúc đẩy quá trình hiện đại hoá của các trường đại học Trung Quốc theo tiêu chuẩn khoa học của khối 8 trường đại học Bắc Mỹ, Ivy League. Đồng thời, đặt mục tiêu giúp sinh viên Trung Quốc chọn trường đi du học nước ngoài một cách khôn ngoan, để sau đó trở về nước với trình độ chuyên môn cao, phục vụ đất nước.  

Bảng xếp hạng Thượng Hải được xem là chuẩn mực để đưa ra “những chiến lược nhằm cải thiện vị trí của quốc gia cũng như trường đại học trên trường quốc tế”, theo nhà xã hội học Fabien Eloire. Cách đánh giá của BXH Thượng Hải dựa trên 6 tiêu chí, trong đó có số giải thưởng Nobel và số giải thưởng về toán học Fields của giảng viên hay cựu sinh viên, hay số bài đăng trên tạp chí Khoa Học và Tự Nhiên (Science and Nature).    

BXH công bố vào ngày 15/08/2022, đánh giá hơn 2500 cơ sở và đưa ra bảng xếp hạng 1000 trường đại học trên toàn thế giới. Trong số 10 trường đứng đầu bảng, 8 trường Mỹ và 2 trường ở Anh Quốc với những cái tên quen thuộc như đại học Harvard hay Princeton. Chỉ duy nhất 3 trường của Pháp lọt trong top 50. Đại học Paris Saclay, Pháp, ở vị trí cao nhất, đứng thứ 16 toàn thế giới, tụt 3 hạng so với năm trước. Đại học Sorbonne ở vị trí thứ 43, giảm 8 hạng. Điều này khiến công luận Pháp đặt câu hỏi : Phải chăng chất lượng các trường đại học ở Pháp đang đi xuống ? Điều này có ảnh hưởng gì đến việc thu hút học sinh quốc tế hay không ?   

Rất khó để đánh giá đúng đắn chất lượng đào tạo 

Theo nhà xã hội học, Alessia Lefébure, kiêm hiệu trưởng trường Agrocampus Ouest ở Rennes. Bảng xếp hạng này không đánh giá hoàn toàn chất lượng đào tạo. Nếu như nói về số lượng giảng viên có giải Nobel thì điều này chỉ nêu ra khả năng tài chính của các trường tư, cho phép trả lương cao để mời những giáo sư có giải Nobel về giảng dạy. Đối với việc cựu sinh viên đoạt giải Nobel, hay giải toán học Fields, nếu xếp hạng theo mỗi năm, thì rất khó đánh giá bởi vì những sinh viên mới ra trường, hiếm có ai đoạt giải Nobel ngay. Những thành tích này thường được tích luỹ từ nhiều năm qua.  

Từ năm 2003, các trường đại học của Pháp bắt đầu có mặt trong BXH, nhờ vào chính sách hợp nhất nhiều trường nhỏ để tạo thành một cụm trường lớn như Paris Saclay, cho phép sử dụng chung tên cho các nghiên cứu khoa học. Điều này trên thực tế, chỉ cho phép các nghiên cứu của Pháp được biết đến nhiều hơn. Vì trước kia, đa số các nghiên cứu khoa học đều nằm trong các viện nghiên cứu như là Inserm, hay CNRS và không liên quan gì đến đại học hay các trường tuyển chọn có danh tiếng (Grande Ecole). Nhà xã hội học cho biết rất khó có thể đưa ra đánh giá được chất lượng của các trường đại học.  

Trên thực tế, các bảng xếp hạng như bảng xếp hạng Thượng Hải dẫu sao thì cũng có công trong việc phát triển “văn hoá minh bạch dữ liệu”, nhấn mạnh. Nhưng khi các sinh viên nhìn vào BXH, họ không thực sự có thể tìm thấy một chương trình đào tạo phù hợp. Hiện nay, để chọn trường, sinh viên không chọn trường theo bảng xếp hạng mà theo cơ hội có việc làm. Họ cân nhắc đến nhiều thứ. Ví dụ như đối với sinh viên quốc tế, họ tính đến khả năng có thể ở lại đất nước đón tiếp, những vấn đề về an ninh cũng như đa dạng văn hoá… Theo tôi, BXH các trường đại học là công cụ địa chính trị về vị trí của các quốc gia cũng như những thách thức liên quan đến nghiên cứu khoa học của các nước. Do vậy các BXH, đáng lẽ ra đây là công cụ giúp các sinh viên chọn trường, lại không có nhiều ảnh hưởng đến việc chọn trường của sinh viên.”

Sinh viên chọn trường theo nhiều tiêu chí

Còn trong giới học thuật, theo giảng viên Lại Ngọc Điệp tại trường Paris Saclay, quản lý một chương trình đào tạo Master về vật lý cho biết, trên thực tế cả sinh viên quốc tế và giảng viên tại Pháp không quan tâm quá nhiều đến các BXH trường đại học quốc tế. Mặc dù BXH THượng Hải, là một thước đo được nhiều nơi trên thế giới đánh giá cao, nhưng để đánh giá một trường tốt tại Pháp, thì thường xét đến đầu vào và đầu ra có khó hay không, và cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường ra sao. Ông Lại Ngọc Điệp giải thích thêm :    

“Chọn Pháp có nhiều yếu tố, một là người đấy phải hiểu được hệ thống đào tạo của Pháp. Còn có những lý do quan trọng khác như là về mặt kinh tế, nếu có học bổng thì tốt, không thì học tự túc thì như thế nào. Hay là điều kiện nhận vào ở Pháp rất là dễ, ví dụ như sang Mỹ thì tiếng anh như thế nào, học phí bao nhiêu. Có nhiều yếu tố để sinh viên quốc tế quyết định học trường nào, thứ hạng (ranking) là một trong những yếu tố đấy nhưng nó không phải điều kiện quyết định. Ở Pháp thì mọi người thường biết trường nào là trường tốt, không cần xếp hạng của Thượng Hải chỉ có một điều là khi phải ra nước ngoài, khi nói chuyện với đối tác quốc tế thì xếp hạng trở nên quan trọng.”    

Phó giáo sư ngành khoa học vật lý Lại Ngọc Điệp, giảng dạy tại đại học Paris Saclay
Phó giáo sư ngành khoa học vật lý Lại Ngọc Điệp, giảng dạy tại đại học Paris Saclay © ảnh do tác giả cung cấp

Pháp là một trong những nước đón sinh viên quốc tế lớn, hiện là đứng thứ 7 trên toàn thế giới, đứng sau các nước như Anh, Mỹ và Đức. Theo Campus France, hơn 365 000 sinh viên đến Pháp du học trong giai đoạn 2020 – 2021. Con số này giảm 1 % so với giai đoạn 2019-2020. Trong khi đó, trên thế giới việc luân chuyển sinh viên quốc tế lại có xu hướng tăng. Theo nhà xã hội học Alessia Lefébure, việc sinh viên quốc tế đến Pháp giảm không phải là vì do bảng xếp hạng trường đại học, mà vì nhiều yếu tố khác. Hiện không chỉ có những nước lớn như Anh, Mỹ, Úc hay Đức thu hút sinh viên quốc tế, cạnh tranh với Pháp, mà còn nhiều nước mới nổi khác, nằm ngoài Tổ chức Hợp tác và phát triển (OCDE) cũng đang trở thành những quốc gia thu hút sinh viên quốc tế, ví dụ như Trung Quốc hay Malaysia. Bà nhận định :    

 

“Tại sao Hoa Kỳ thống trị tất cả các bảng xếp hạng vì họ đã đầu tư vào việc đào tạo giới tinh hoa trên toàn thế giới với các chương trình học bổng từ nhiều năm qua. Nếu như Pháp muốn thu hút được nhiều sinh viên quốc tế thì cần phải xem xét đến hệ thống học bổng cũng như chính sách nhập cư, và không để bị coi như là một đất nước phân biệt chủng tộc.”  

Cuộc so tài giữa các cường quốc

Theo trang Balises, tạp chí của hệ thống thư viện công tại Paris (bibliothèque publique d’information), bảng xếp hạng Thượng Hải trở thành một công cụ gây ảnh hưởng của Trung Quốc về quyền lực mềm qua việc khẳng định sức mạnh học thuật. Trong BXH Thượng Hải, nếu xét theo chuyên ngành (khoa học tự nhiên, kỹ thuật hay khoa học xã hội), thì nhiều trường của Trung Quốc chiếm bị trí đầu bảng, thứ hai hoặc thứ ba trên thế giới, vượt xa các cơ sở như Viện Công nghệ MIT-Massachusetts, Đại học Stanford hay đại học Bách Khoa Lausanne. Sau 20 năm thành lập, BXH Thượng Hải không chỉ khẳng định vị trí của các trường đại học Trung Quốc mà còn trở thành một thước đo đánh giá học thuật tốt nhất thế giới. Qua việc đề xuất các tiêu chí đánh giá chất lượng của riêng mình, Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc chiến quốc tế về tiêu chuẩn.   

Về phần mình, nhà nghiên cứu Jean-Marc Douillard, thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho rằng BXH Thượng Hải tạo ra áp lực đối với các trường đại học ở Pháp. Nhiều trường cảm thấy bị “tổn thương” vì thứ hạng thấp và bị coi là không phải là một trường tốt. Những cải cách trong hệ thống giáo dục bậc đại học tại Pháp thường gắn với ý định làm sao để tăng thứ hạng của trường. Nhà xã hội học Alessia Lefébure thì cho rằng, Pháp trên thực tế lại chưa có chính sách cải cách hay định hướng rõ ràng để thu hút sinh viên quốc tế, trái ngược với Mỹ và Trung Quốc.    

“Nếu tôi phải nói một cách đơn giản về cuộc chiến tài năng và nghiên cứu giữa Mỹ và Hoa Kỳ thì cụ thể Hoa Kỳ, quốc gia thu hút hầu hết các nghiên cứu sinh trên thế giới và nhất là từ châu Á, cố gắng giữ họ lại làm việc để tạo ra tăng trưởng kinh tế cũng như đổi mới. Còn Trung Quốc thì lại muốn họ ra nước ngoài du học và trở về nước với bằng tốt nghiệp của các trường danh tiếng rồi tham gia và phát triển kinh tế. Hai mục tiêu này rất rõ ràng, nhưng riêng với Pháp, thì lại không như thế. Chính phủ Pháp muốn đưa nhiều trường vào trong bảng xếp hạng, chỉ là nằm trên giấy mực chứ không có sự nhất quán với tỷ lệ đầu tư tài chính vào chính sách nhập cư và chính sách giáo dục đại học. Chúng tôi vẫn đang thắc mắc rằng sự tham gia của Pháp trong cuộc chiến tài năng địa chính trị này là gì và không được giải thích một cách rõ ràng.”  

Nhà xã hội học Alessia Lefébure, hiệu trưởng viện nghiên cứu Institut Agro Rennes
Nhà xã hội học Alessia Lefébure, hiệu trưởng viện nghiên cứu Institut Agro Rennes © Hình ảnh do tác giả cung cấp

Trung Quốc và tham vọng áp đặt tiêu chí học thuật đối với thế giới 

Ba tháng trước khi công bố bảng xếp hạng Thượng Hải, ba trường đại học của Trung Quốc đã tuyên bố rút khỏi bảng xếp hạng. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một bài diễn văn ngày 25/04, đề cập đến sự cần thiết phải củng cố để phát triển các trường đại học của Trung Quốc để khiến các trường này thành cơ sở tham chiếu trên thế giới, “với những đặc điểm của Trung Quốc”. Tập Cận Bình nêu rõ, ngành học thuật của Trung Quốc không thể phát triển nếu đi theo các nước khác hoặc áp dụng các mô hình hay tiêu chuẩn của nước ngoài.    

Trong bài phân tích đăng trên trang The Conversation, nhà xã hội học Alessia Lefébure cho rằng việc rút các trường đại học khỏi bảng xếp hạng quốc tế có vẻ như là một quyết định phi lý trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Điều đáng mỉa mai đó là Tập Cận Bình tự cho mình là người muốn phá bỏ các tiêu chuẩn của phương Tây nhưng chính Trung Quốc là bên áp đặt các tiêu chí trong bảng xếp hạng các trường đại học. Thông điệp của Tập Cận Bình đó là ngành học thuật và nghiên cứu khoa học của Trung Quốc ngày càng ít phụ thuộc vào việc chuyển giao kiến thức từ nước ngoài và chuyển sang một cấp độ cao hơn.  

Nhà xã hội học Alessia Lefébure kết luận rằng, vẫn còn quá sớm để nói về những tác động từ tham vọng áp đặt tiêu chuẩn học thuật của Trung Quốc đối với thế giới.  Thế nhưng điều này có thể dấy lên lo ngại về những hạn chế đối với du học sinh, ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà nghiên cứu và sinh viên. Điều này gợi lại cuộc cách mạng văn hoá ở Trung Quốc vào giữa những năm 1960.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.