Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hành trang hướng đến Việt Nam cho sinh viên Pháp tại đại học Paul Valéry, Montpellier

Đăng ngày:

« Tremplin pour le Vietnam » (Bàn đạp hướng tới Việt Nam) không phải là chương trình duy nhất dạy tiếng Việt tại Pháp. Nhưng điểm khác biệt của văn bằng của trường đại học Paul Valéry Montpellier 3 là sinh viên được trang bị một hành trang kiến thức trong rất nhiều lĩnh vực, từ lịch sử đến kinh tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam, đến cả những vấn đề địa-chính trị trên thế giới.

Buổi giới thiệu chương trình văn bằng Tremplin pour le Vietnam (Bàn đạp hướng tới Việt Nam) của trường đại học Paul Valéry Montpellier 3, Pháp, ngày 17/03/2022. (Hàng đầu, từ trái sang phải : Alexandre, Vincent, Caroline, Valériane).
Buổi giới thiệu chương trình văn bằng Tremplin pour le Vietnam (Bàn đạp hướng tới Việt Nam) của trường đại học Paul Valéry Montpellier 3, Pháp, ngày 17/03/2022. (Hàng đầu, từ trái sang phải : Alexandre, Vincent, Caroline, Valériane). © RFI / Thu Hằng
Quảng cáo

Khoảng 20 người đứng chờ trước một giảng đường của đại học Paul Valéry tối 17/03/2022, có học viên cũ và cả những sinh viên quan tâm đến chương trình đào tạo « Tremplin pour le Vietnam ». Hai nhà sáng lập văn bằng, Pierre Journoud, giáo sư lịch sử đương đại và Nguyễn Thanh Hoa, giảng viên bộ môn tiếng Việt, tổ chức một buổi giới thiệu để tuyển sinh cho năm học 2022-2023. Từ thử nghiệm năm 2019, thành công của năm thứ nhất đã khuyến khích hai nhà đồng sáng lập tiếp tục năm thứ hai, rồi năm thứ ba, theo giải thích của chị Thanh Hoa :

« Năm đầu tiên chúng tôi mở ra chương trình này thì chỉ định làm ở năm thứ nhất thôi, nhưng sau thành công của năm thứ nhất, có rất nhiều sinh viên, 25 sinh viên, thì chúng tôi đã quyết định là tiếp nối hành trình tìm hiểu về Việt Nam này với năm thứ hai. Đến năm thứ hai, thực sự là nhiệt huyết của sinh viên đã truyền cho chúng tôi cảm hứng để tiếp tục xây dựng năm thứ ba. Và tại thời điểm năm nay, chúng tôi đã có 3 chương trình ».

Những đam mê hướng đến Việt Nam

Valériane, Caroline, Alexandre, Vincent, bốn sinh viên, được coi là « gạo cội » nhất, lần lượt giải thích với những người quan tâm có mặt trong hội trường về mục đích khi chọn học chương trình về Việt Nam.

« Tôi tên là Valériane, 51 tuổi. Tôi đăng ký học văn bằng tiếng Việt và đang ở cấp độ 2. Tôi tò mò muốn khám phá đất nước này vì tôi nhận con nuôi là một bé gái Việt Nam. Lúc đầu chỉ là sự tò mò, xuất phát từ tình cảm, cảm xúc với đất nước nơi con nuôi của tôi sinh ra và cháu hiện 13 tuổi. Sau đó, theo thời gian, tôi ngạc nhiên khám phá những chương trình học gồm nhiều bộ môn về Việt Nam, gặp gỡ những giảng viên rất độ lượng, đầy đam mê, làm hết mình vì chúng tôi. Ngoài các bài giảng, họ mời các những người hiểu rõ về Việt Nam đến thuyết trình. Tất cả chúng tôi đều tò mò hoặc đam mê hoặc có những mối liên hệ nào đó với Việt Nam nên giữa chúng tôi đã hình thành những mối quan hệ rất đa dạng ».  

« Tôi tên là Caroline. Tôi đăng ký học văn bằng này vì cách đây 4 năm, tôi làm tình nguyện ở Cam Bốt trong vòng 9 tháng và khám phá ngành nhân chủng học. Khi trở về Pháp, tôi theo học ngành này, đồng thời biết đến chương trình tiếng Việt do Pierre Journoux và Hoa sáng lập. Tôi quan tâm vì thấy đó là dịp để có thể hòa nhập hơn một chút với Đông Nam Á. Và giờ tôi đã học năm thứ 2 tiếng Việt. Năm tới, tôi học lên thạc sĩ nên tôi tìm một chủ đề giúp tôi đi Việt Nam và Cam Bốt chuẩn bị cho luận văn. Tôi đang nghĩ đến chủ đề làn sóng di cư trong chiến tranh Khmer Đỏ, tìm hiểu xem người dân phải bỏ Cam Bốt, cũng như từ Việt Nam đi như thế nào. Tôi dự tính đi thực tập ở Việt Nam trong hai tháng hè này để có thể thực hành tiếng Việt và khám phá đất nước ».  

« Tôi tên là Alexandre, 28 tuổi. Tôi đang học năm thứ hai trong chương trình đào tạo « Tremplin pour le Vietnam ». Tôi chọn bằng này vì tôi đang làm luận văn tiến sĩ về lính tập Đông Dương trong Thế Chiến thứ hai và Chiến tranh Đông Dương, và được giám đốc luận văn của tôi là ông Pierre Journoud khuyến khích đăng ký học. Tôi thấy đây là chương trình đào tạo rất thú vị, có một không hai ở Pháp, cho phép rất nhiều sinh viên muốn khám phá đất nước Việt Nam tới học và khám phá văn hóa, ngôn ngữ của Việt Nam. Tôi bắt đầu chương trình học từ năm 2021, có nghĩa ở cấp độ 1, tôi học tiếng Việt và học lịch sử Việt Nam từ khi lập quốc đến ngày nay ».  

Vincent, học viên thứ tư, cho biết : « Trường hợp của tôi khá đặc biệt. Tôi không chọn để học tiếng Việt mà chọn văn bằng do trường cấp. Đây là điểm khác biệt quan trọng bởi vì ban đầu, khía cạnh lịch sử, địa-chính trị, văn hóa, di sản đã thu hút tôi theo học văn bằng này. Sau đó có các giờ học tiếng Việt và dần dần tôi thấy thích.  

Tôi hướng đến Việt Nam khá muộn, trước đó tôi chẳng quan tâm. Cha tôi sống ở Việt Nam và Lào trong những năm 1950 vào thời điểm chiến tranh Đông Dương. Tôi đang theo một dự án viết sách, từ những bức thư mà cha tôi gửi cho mẹ tôi. Có khoảng 100 lá thư và tôi đã đọc hết chúng. Sau đó, tôi đi Việt Nam để lần theo dấu vết của cha trong hơn một tháng rưỡi. Rồi tôi trở lại Việt Nam để hoàn thiện và lúc đó tôi đã gặp được một hướng dẫn viên du lịch, người đã giải thích cho tôi rất nhiều về sự hiện diện của người Pháp ở Đông Dương… Cùng với người này, tôi có một dự án thứ hai, hợp tác để mở một trung tâm du lịch nhỏ ở vùng núi ở Huế để khám phá rừng núi, người dân tộc thiểu số...

Với hai lý do trên, văn bằng tiếng Việt của trường đại học Montpellier đáp ứng chính xác mong muốn của những người như tôi »

Giáo sư Pierre Journoud và giảng viên Nguyễn Thanh Hoa, đồng sáng lập bằng DU Tremplin pour le Vietnam của đại học Paul Valéry Montpellier 3, giới thiệu chương trình học ngày 17/03/2022.
Giáo sư Pierre Journoud và giảng viên Nguyễn Thanh Hoa, đồng sáng lập bằng DU Tremplin pour le Vietnam của đại học Paul Valéry Montpellier 3, giới thiệu chương trình học ngày 17/03/2022. © RFI / Thu Hằng

Đồng hành học ngoại ngữ

Điểm đặc biệt của chương trình tiếng Việt của trường Paul Valéry là ngay từ đầu, mỗi học viên có một « bạn đồng hành » người Việt, không chỉ giúp nhau thực hành tiếng, mà còn khám phá văn hóa của mỗi nước. Chị Thanh Hoa giải thích :

« Các bạn trao đổi với nhau làm thế nào để chỉnh được phát âm, làm thế nào để nói đúng ngữ pháp và làm thế nào để hiểu hơn về văn hóa Việt Nam và văn hóa Pháp. Đầu tiên khi đăng ký vào chương trình là các bạn đã có cơ hội được trao đổi ngôn ngữ với những bạn Việt Nam. Tất cả các sinh viên người Việt ở đồng hành với sinh viên người Pháp ở rất nhiều trường, rất nhiều miền ở Việt Nam. Cho nên, sự trao đổi còn vượt qua cả khuôn khổ của ngôn ngữ, mà còn có cả văn hóa. Từ đó các bạn có tình bạn đẹp, rồi lại còn giúp nhau đi du lịch, rồi khám phá cả văn hóa hai nước ».

Thế mạnh thứ hai là đi thực tập, thực địa. Chị Thanh Hoa nhấn mạnh học viên của chương trình không cần phải chờ đến năm thứ ba cuối cấp mới đi thực tập làm luận văn, mà có thể đến Việt Nam thực hành ngôn ngữ vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình học và trong nhiều lĩnh vực khác nhau :

« Tôi và anh Pierre Journoud, quản lý chương trình này, là những người sẽ giới thiệu, cũng như hỗ trợ các bạn để đến Việt Nam, các bạn không bị sốc về văn hóa, vì văn hóa Việt Nam và văn hóa Pháp rất khác nhau. Các bạn Pháp đến mà không nói tiếng Việt tốt, mà lại không hiểu văn hóa nữa, thì thực sự là rất dễ cảm thấy bị cô đơn. Nên trước khi các bạn sang Việt Nam, chương trình luôn luôn cố gắng tìm bạn đồng hành ở Việt Nam hoặc gia đình đón tiếp cho học viên có thể cảm thấy mình được đón chào ở đất nước Việt Nam ».

Thế mạnh thứ ba là chương trình học được tổ chức cả dưới dạng học trực tiếp và qua ứng dụng Zoom. Sinh viên có mặt tại trường vẫn có thể tương tác với sinh viên từ xa.

« Lúc đầu tiên xây dựng chương trình, chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc làm một chương trình mà các bạn sinh viên có thể học tại chỗ hay là học thông qua hình thức trên mạng. Năm đầu tiên, chương trình không có học viên ở bên ngoài mà thường là sinh viên ở Montpellier. Sau năm đầu tiên, cũng có thể nói là nhờ vào Covid, chương trình của chúng tôi đã mở rộng ra dưới hình thức học trên mạng và từ đó, rất nhiều học viên đến từ những nơi khác nhau, ví dụ không chỉ ở Pháp, mà ở Bỉ hay là ở Việt Nam, ở Paris, Lyon, Bruxelles, Đà Lạt, Hà Nội, Cần Thơ, có rất nhiều người đã tham gia học chương trình ».

Đây chính là trường hợp của Vincent, học viên có dự án viết sách và mở một trung tâm du lịch văn hóa ở Huế :

« Đúng, tôi sống ở Paris. Một trong những lợi thế của văn bằng này là tôi chỉ cần vài lần xuống Montpellier. Sau đó là đại dịch Covid-19, tất cả các bài giảng đều được tiến hành qua hình thức trực tuyến. Với việc học tiếng Việt, người ta từng nghĩ là học trực tiếp sẽ tốt hơn nhưng tôi không chắc như vậy vì ứng dụng Zoom có rất nhiều chức năng. Chúng tôi vẫn có thể tương tác trong các giờ học trực tuyến. Vì thế không ảnh hưởng đến việc sống ở Paris và theo học ở Montpellier. Điều thú vị khác là chúng tôi hình thành một cộng đồng sinh viên nhỏ ở Paris, khoảng 5-6 người, thường hẹn nhau ở một nhà hàng Việt mà một thành viên mở ở Paris, hoặc đi xem triễn lãm, tham dự các hội thảo… »

Buổi giới thiệu văn bằng « Tremplin pour le Vietnam » cũng là dịp để Vincent gặp bạn đồng môn Alexandre, người sống ở Montpellier :

« Đó là một lợi thế, cho phép những học viên không sống ở Montpellier vẫn có thể dễ dàng theo học. Việc học được thuận lợi hơn rất nhiều. Việc học từ xa là điều rất thuận tiện. Có thể đây không phải là trường hợp của tôi, vì tôi sống ở Montpellier nên dễ dàng di chuyển, nhưng đối với nhiều bạn cùng lớp với tôi như Vincent, sống ở Paris, thậm chí có một người sống ở Việt Nam, hay ở những nơi khác trên đất Pháp, giúp họ dễ dàng theo học chương trình này ».

Ombeline, chủ tịch hội 9.316, tham khảo chương trình học Tremplin pour le Vietnam, ngày 17/03/2022, đại học Paul Valéry Montpellier 3, Pháp.
Ombeline, chủ tịch hội 9.316, tham khảo chương trình học Tremplin pour le Vietnam, ngày 17/03/2022, đại học Paul Valéry Montpellier 3, Pháp. © RFI / Thu Hằng

Hỗ trợ và kết nối

Điểm đặc biệt cuối cùng của văn bằng này là sự kết nối Pháp-Việt. Nhờ sự năng động của hai nhà đồng sáng lập Thanh Hoa và Pierre Journoud, rất nhiều giảng viên, chuyên gia được mời giảng dạy, tạo nên sự đa dạng và có cái nhìn đa chiều về sự việc.

Hai nhà đồng sáng lập còn vận động và hỗ trợ để Hội 9.316 ra đời. Ombeline, chủ tịch hội cho biết phải suy nghĩ rất lâu để tìm ra một cái tên ý nghĩa thể hiện mối quan hệ giữa hai bên : 9.316 km chính là khoảng cách giữa Montpellier và Hà Nội. Mười tình nguyện viên của hội luôn sẵn sàng giúp du học sinh Việt Nam tại trường hòa nhập với môi trường học tập mới và cuộc sống ở Pháp, như trường hợp của Phương Anh, du học sinh Việt Nam :

« Em sang đây từ đầu tháng 01/2022. Lúc mới sang, em gặp khá nhiều vấn đề, thứ nhất là về giao tiếp, bởi vì cách người Pháp nói trong cuộc sống khá là khác so với những gì chúng em được học trên trường. Ngoài ra, chúng em cũng gặp khó khăn về hành chính, vì thủ tục hành chính ở Pháp nói chung là khá phức tạp. Hiệp hội 9.316 km giúp đỡ chúng em khi mới sang đây, từ việc đưa đón từ ga tầu về ký túc xá, rồi giúp đỡ trong việc chỉ đường, chỉ cách đi tầu xe, mua đồ và giúp đỡ em làm thủ tục hành chính ».

Ombeline cho biết, ngoài hỗ trợ hành chính, hội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa khác :

« Chúng tôi có nhiều hoạt động trao đổi, như tổ chức lễ hội theo truyền thống Việt Nam, Tết Trung thu, Tết nguyên đán, tiếp theo là các dịp lễ của Pháp, như Giáng sinh. Vào năm đầu tiên khi có 6 sinh viên của trường đại học Khoa học Xã hội-Nhân văn Hà Nội tới, chúng tôi đã đưa họ đến dự lễ Giáng Sinh với các gia đình Pháp trong 1, 2 ngày. Các bạn rất thích và hòa nhập rất tốt vào văn hóa Pháp. Chúng tôi muốn là khi các bạn đến đây, các bạn không chỉ quanh quẩn với nhau. Đó là mục đích chính của hội. Từ tháng 01/2022, có 4 bạn sinh viên Việt Nam đã đến đại học Paul Valéry và ở lại đến tháng 09. Trong thời gian tới, chúng tôi dự định tổ chức một chuyến du lịch Paris, có thể vào mùa hè này ».  

Một sự trợ giúp đầy giá trị  mà tất cả tân sinh viên du học nói chung đều trân trọng. Chương trình « Tremplin pour le Vietnam » bế giảng năm học vào tháng 06/2022. Các học viên đã chuẩn bị một buổi họp mặt chia tay trước khi một số người có thể đến thực tập ở Việt Nam.

Tờ giới thiệu chương trình của bằng Tremplin pour le Vietnam, đại học Paul Valéry Montpellier 3, Pháp.
Tờ giới thiệu chương trình của bằng Tremplin pour le Vietnam, đại học Paul Valéry Montpellier 3, Pháp. © RFI / Univ. Paul Valéry Montpellier 3

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.