Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Chữ ký của dân biểu : “Cuộc đua trong bóng tối” để được tranh cử tổng thống Pháp

Đăng ngày:

Thứ Sáu 04/03/2022 là một cột mốc quan trọng, là hạn chót để những ai muốn ra tranh cử tổng thống Pháp 2022 thu thập được chữ ký giới thiệu của 500 dân biểu. Đây có thể coi là một trong những điều kiện tiên quyết để được Hội đồng Bảo hiến Pháp công nhận là ứng viên cử chính thức trong chạy đua giành chiếc ghế tổng thống Pháp.  

Một thành viên Hội đồng Bảo hiến Pháp phê duyệt hồ sơ giới thiệu ứng cử viên tổng thống, Paris, Pháp, ngày 15/02/2022.
Một thành viên Hội đồng Bảo hiến Pháp phê duyệt hồ sơ giới thiệu ứng cử viên tổng thống, Paris, Pháp, ngày 15/02/2022. © Bertrand GUAY / AFP
Quảng cáo

Theo luật bầu cử Pháp, hiện nay có khoảng 42.000 dân biểu có quyền giới thiệu một người ra tranh cử tổng thống. Đó là các thị trưởng, xã trưởng; các quận trưởng của thủ đô Paris, thành phố Lyon và Marseille ; dân biểu Hạ Viện, thượng nghị sĩ, nghị viên Pháp tại Nghị Viện Châu Âu, cũng như các cố vấn cấp tỉnh, vùng … Mỗi dân biểu được quyền giới thiệu một ứng viên, và chỉ được chọn 1 lần duy nhất, mọi thay đổi đều không được chấp nhận. Tất nhiên, các dân biểu cũng không bắt buộc phải giới thiệu ứng viên. Trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp 2017, chỉ có khoảng 34% dân biểu thực hiện thủ tục giới thiệu ứng viên.     

Nguồn gốc của thủ tục

Ông Jean-Jacques Ladet từng có có 3 nhiệm kỳ (gần 20 năm) làm thị trưởng của thị trấn Mably (với gần 8.000 dân) ở tỉnh Loire, vùng Auvergne-Rhône-Alpes, miền đông nam nước Pháp. Dù không còn làm thị trưởng, nhưng với tư cách là dân biểu cấp tỉnh, đây là kỳ bầu cử thứ 4 ông Ladet giới thiệu ứng cử viên tổng thống. Ngày 02/03/2022, trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt qua điện thoại, dân biểu Jean-Jacques Ladet giải thích : 

« Quả thực, đó là một nét đặc thù của Pháp, liên quan đến thực tế - Pháp là nước duy nhất ở châu Âu mà tổng thống được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp, từ năm 1962, đồng thời thiết lập hệ thống giới thiệu ứng viên, khi đó chỉ cần chữ ký của 100 dân biểu, nhưng nay thì cần 500 phiếu giới thiệu, để chính thức có quyền ứng cử.

Mục đích là cố gắng hạn chế số ứng cử viên và đặc biệt là hạn chế số ứng cử viên không mang tính đại diện cao. Nếu không đặt ra giới hạn, có thể có tới 30, 40 hay 50 ứng cử viên tổng thống, đây không phải là một điều tốt, với nguy cơ là có những ứng viên hơi hão huyền, những người không hề đại diện cho một luồng tư tưởng nào cả. Năm nay, chúng ta đã có 11 ứng cử viên thu được hơn 500 chữ ký giới thiệu. 11 người dường như cũng đã là nhiều rồi. »

Ban đầu, quy định là mỗi ứng viên chỉ cần 100 chữ ký giới thiệu của dân biểu, nhưng trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1974, số ứng viên trong sanh sách bầu cử lên đến 12 người, nên sau đó theo luật mới, số chữ ký giới thiệu được ấn định là 500. Và để đảm bảo tính dân chủ, tính đại diện quốc gia, tránh nguy cơ bảo vệ lợi ích vùng miền, cục bộ, còn có một điều kiện khác : các ứng cử viên phải thu thập được chữ ký của các dân biểu ở ít nhất 30 tỉnh và vùng lãnh thổ hải ngoại. Tại mỗi tỉnh hay vùng hải ngoại, mỗi ứng viên chỉ được phép thu thập tối đa 50 chữ ký (10% tổng số chữ ký giới thiệu).  

Luật bầu cử Pháp cũng có quy định rất chặt chẽ về thời hạn bắt đầu, hoàn thành và cách thức thu thập chữ ký giới thiệu của các dân biểu. Hồ sơ phải được gửi qua đường bưu điện đến Hội đồng Bảo hiến - cơ quan xét duyệt, thông qua và chính thức công bố danh sách các dân biểu giới thiệu cho mỗi ứng viên, cũng như danh sách ứng viên chính thức cho chức tổng thống Pháp. Dân biểu Ladet cho biết thêm :

« Chúng tôi cần thông báo với văn phòng tỉnh là có ý định giới thiệu ứng viên, rồi họ gửi cho chúng tôi tờ khai chính thức, chúng tôi phải tự điền bằng tay rồi gửi thư bảo đảm đến Hội đồng Bảo hiến. Hội đồng Bảo hiến xem xét và thông qua hoặc bác phiếu giới thiệu của dân biểu, năm nay việc này phải được thực hiện trước ngày 04/03, tức là trước ngày thứ Sáu tuần này. Tôi đã thực hiện việc này, điền giấy tờ, gửi thư bảo đảm và phiếu giới thiệu của tôi đã được Hội đồng Bảo hiến phê chuẩn, công chúng có thể truy cập thông tin trên mạng Internet. Mọi người đều có thể biết rằng Jean-Jacques Ladet, cố vấn tỉnh, đã giới thiệu cho một nữ ứng viên ra tranh cử tổng thống.

Về việc rút thăm, một số thị trưởng, chẳng hạn thị trưởng của Rouanne đã rút thăm chọn người mà ông ấy sẽ giới thiệu. Quyết định này đã bị phản đối, không được Hội đồng Bảo hiến phê chuẩn, họ nói rằng chuyện này có liên quan đến nhân phẩm, đên sự tôn trọng. Không thể rút thăm chọn ngẫu nhiên kiểu như vậy mà không cần quan tâm đến lý lịch của người được giới thiệu. Do đó, Hội đồng Bảo hiến đã bác phiếu giới thiệu này. »

Con đường gian nan

Có được 500 chữ ký giới thiệu của dân biểu không phải lúc nào cũng là dễ dàng với các ứng viên, kể cả những gương mặt được xem là « sáng giá », có khả năng thắng cử. Đối với đương kim tổng thống Emmanuel Macron, mọi chuyện tương đối dễ dàng : Từ trước khi chính thức tuyên bố ra tranh cử, ông Macron tính đến ngày 01/03 đã thu được hơn 1.500 chữ ký giới thiệu. Ngược lại, hai đối thủ cực hữu nặng ký của ông là Marine Le Pen và Eric Zemmour đều gặp khó khăn trong việc thuyết phục dân biểu, thậm chí còn phải tạm ngưng chiến dịch tranh cử, dồn hết nỗ lực mới có được đủ số chữ ký dân biểu đúng hạn.  

Trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp năm 2017, ứng viên cực hữu Marine Le Pen đã lọt vào vòng 2 và về nhì, chỉ sau đối thủ Emmanuel Macron. Thế nhưng, phải đến 3 ngày trước hạn chót bà mới thu thập được đủ số chữ ký giới thiệu cần thiết để chính thức có tên trong danh sách tranh cử. Năm nay mọi chuyện lại tái diễn.  

Việc hai ứng viên cực hữu Marine Le Pen và Eric Zemmour, dù theo khảo sát có tỉ lệ cử tri ủng hộ cao, vẫn gặp nhiều khó khăn mới đủ điều kiện chính thức ra tranh cử tổng thống, đã làm dấy lên nhiều tranh cãi về chữ ký giới thiệu, nhất là trong bối cảnh từ vài năm nay số dân biểu làm thủ tục giới thiệu ứng viên có xu hướng giảm. Một dân biểu đảng Những người Cộng hòa cho RFI Pháp ngữ biết đã gọi điện cho hàng trăm thị trưởng, xã trưởng mà không một ai muốn làm thủ tục giới thiệu ứng cử viên, bất kể đó là ai.  

Tình hình căng thẳng đến mức chính thủ tướng Pháp đã đích thân kêu gọi các dân biểu giới thiệu ứng viên để đảm bảo tính dân chủ trong bầu cử. Về mặt lý thuyết, như thủ tướng Jean Castex nhấn mạnh, giới thiệu cho một ứng viên ra tranh cử không nhất thiết là ủng hộ chính trị cho ứng viên đó. 

David Lisnard, thị trưởng thành phố Cannes, chủ tịch Hiệp hội các thị trưởng của Pháp, hôm Chủ Nhật 27/02 thông báo ông dành chữ ký cho ứng viên cực tả Jean-Luc Melanchon dù ông thuộc đảng cánh hữu Những người Cộng hòa. François Bayrou, chủ tịch đảng Modem, một chính khách thân cận với tổng thống Macron, mới đây đã tuyên bố dành chữ ký giới thiệu cho ứng cử viên cực hữu Le Pen, đối thủ của Macron. Chính ông Bayrou cũng là người có ý tưởng thành lập một ngân hàng chữ ký giới thiệu dành cho những ứng viên theo khảo sát sẽ thu được ý định bỏ phiếu của 10% cử tri trở lên.  

Ngày 25/02, ông cho AFP biết ngân hàng chữ ký giới thiệu đã có sự ủng hộ của 365 dân biểu, đủ để giúp hai ứng viên Le Pen và Zemmour trong trường hợp đến hạn mà vẫn không thu được đủ 500 phiếu bảo trợ. Đối với các dân biểu này, đây không phải sự ủng hộ chính trị cho các ứng viên mà chỉ là để giúp các ứng viên có cơ hội ra tranh cử, bảo đảm tính dân chủ. Cuối cùng thì hai ứng viên cực hữu cũng thở phào nhẹ nhõm: Tối 01/03, báo chí Pháp thông báo họ đã thu đủ số phiếu cần thiết. 

Ngày càng ít dân biểu muốn giới thiệu ứng viên

Theo quy định mới, từ năm 2017, để bảo đảm tính minh bạch, danh tính, chức vụ của dân biểu ký tên giới thiệu ứng viên đều được đều đặn cập nhập 2 lần 1 tuần và công khai trên trang web của Hội đồng Bảo hiến. Nhiều dân biểu không muốn tên mình gắn với một ứng viên có tiếng cực đoan, không muốn bị hiểu sai, « bị vạ lây », hoặc ngại vấp phải sự phản đối của cư dân địa phương, hoặc « va chạm » với các đồng nghiệp. Ông Ladet, cựu thị trưởng Mably, giải thích thêm : 

« Chắc chắn đó là một trở ngại, trong một chừng mực nào đó, vì xã trưởng của các xã nhỏ ở nông thôn thường không tham gia chính đảng nào. Hội đồng xã không phải lúc nào cũng được thành lập một cách dễ dàng và các thành viên cũng có định hướng chính trị rất khác nhau.

Vì vậy, có những xã trưởng không muốn tiết lộ xu hướng chính trị cá nhân của họ, một mặt để không gây căng thẳng trong hội đồng xã, mặt khác để không gây khó chịu cho người dân, những người đã bầu ra hội đồng với mục tiêu là giải quyết các vấn đề địa phương trong hoàn cảnh tương đối phi chính trị, chứ không như ở các thành phố lớn, thành lập hội đồng thành phố là để đại diện cho một đường hướng chính trị, rồi dựa theo đó quản lý thành phố.

Đúng như chị nói, việc tiết lộ danh tính của các dân biểu giới thiệu ứng viên có thể là một trở ngại cho nhiều thị trưởng, xã trưởng, đặc biệt là những xã trưởng không tham gia đảng phái chính trị nào và xã trưởng ở các vùng nông thôn.

Nhưng lý do thứ hai, tôi tin rằng ngày càng phổ biến, là chúng tôi thấy các xã trưởng ở các vùng nông thôn phàn nàn, thiếu tin tưởng vào các chính sách quốc gia. Nhiều xã nhỏ lâm cảnh khó khăn, xã trưởng không được hưởng nhiều hỗ trợ từ cả các dân biểu toàn quốc, cũng như từ chính Nhà nước : ngân sách Nhà nước phân bổ từ vài năm nay thường xuyên giảm. Vì vậy, các xã trưởng có cảm giác cứ sau 5 năm (đến kỳ bầu cử) người ta mới tìm đến họ để xin chữ ký giới thiệu, rồi sau đó bỏ rơi họ.  

Tất cả những gì tôi nói ở trên thường là những điều các vị xã trưởng không tham gia đảng phái chính trị ở các xã nhỏ tại các vùng nông thôn nói ra. Ở những trị trấn quy mô trung bình hoặc những thành phố lớn thì lại khác, quy mô, cách thức quản lý đều mang dấu ấn chính trị nhiều hơn, nên các thị trưởng ít gặp vấn đề kể trên hơn.

Tôi có tham gia chính đảng, ai cũng biết điều đó. Khi tôi đắc cử, tôi được bầu đại diện cho đảng của tôi và do đó, chữ ký giới thiệu mà tôi dành cho ứng viên đại diện cho khuynh hướng chính trị của tôi không gây ngạc nhiên, không gây bất ngờ cho dân cư địa phương, mà cũng chẳng gây ngạc nhiên cho Hội đồng thị trấn, vì trong Hội đồng thị trấn, chúng tôi chiếm đa số và ứng viên mà tôi giới thiệu cũng là người cùng khuynh hướng chính trị. Vì thế, tôi không gặp vấn đề gì khi giới thiệu ứng viên.  

Thế nhưng, đối với xã trưởng của những xã chỉ có 300 cư dân, hội đồng xã có người theo cánh tả, người theo cánh hữu, có cả những người cực tả hoặc cực hữu, thì việc giới thiệu ứng viên sẽ khiến họ gặp căng thẳng với hội đồng xã và cả dân cư địa phương, những người đã bầu ra một hội đồng có thể nói là không mang tính đại diện cho các đảng phái chính trị, hay có thể nói là phi chính trị. Đó chính là điểm khác nhau giữa các xã trưởng ở nông thôn và các thị trưởng ở đô thị, những nơi có rất đông dân số, nơi mà việc chính trị hóa các cuộc bầu cử cấp thành phố cũng lớn hơn. »

Nhu cầu cải cách

Trên thực tế, những ứng viên gặp khó khăn nhất trên con đường « chinh phục » các dân biểu phải tìm mọi cách để tiếp cận họ, và vì thời cuộc thay đổi, nhóm ứng viên này ngày càng đông, nên đôi khi tạo cảm giác phiền toái. Đó cũng chính là lý do nhiều dân biểu quyết không bảo trợ cho bất kỳ ứng viên nào. Dân biểu Ladet giải thích :

« Cụ thể là các đảng có lực lượng chuyên làm việc đó. Một số xã trưởng, thị trưởng ở những địa phương nhỏ đôi khi cũng thấy khó chịu. Các nhà hoạt động của các đảng phái chính trị đề nghị trao đổi qua điện thoại, hẹn gặp mặt … cố tìm cách « giành giật » một chữ ký giới thiệu của các xã trưởng, thị trưởng. Tôi thì không gặp vấn đề vì đường hướng chính trị của tôi được công khai, tôi đã nhanh chóng thể hiện quan điểm, nên tôi rất ít khi bị các nhà hoạt động của những đảng phái khác nài nỉ tiếp cận, nhưng các đồng nghiệp của tôi ở nông thôn đôi khi rất hay bị họ nài nỉ xin chữ ký giới thiệu. 

Thế nhưng, đó cũng là một ván bài về dân chủ. Sẽ là không bình thường nếu một người có thể thu được 10%, 12% ý định bỏ phiếu của cử tri mà lại không thể ra tranh cử chỉ vì không thể thu thập được 500 chữ ký giới thiệu của dân biểu. Hiện đang có một cuộc tranh luận xung quanh tính dân chủ, về việc cho phép tất cả mọi người đều được ra ứng cử, nhất là nếu họ đại diện cho một luồng tư tưởng phổ biến.

Đây là một cuộc tranh luận thực sự bởi vì có một số thị trưởng, xã trưởng giới thiệu cho một ứng viên không có cùng xu hướng chính trị với họ. Cá nhân tôi thì tôi sẽ không thể làm vậy, tôi sẽ không thể giới thiệu một người không cùng khuynh hướng chính trị với tôi ra tranh cử. Nhưng một số đồng nghiệp của tôi, họ làm như vậy, chẳng hạn François Bayrou giới thiệu Marine Le Pen. Điều này làm tôi hơi ngạc nhiên, nhưng suy cho cùng thì đó cũng là chính trị. Bà Le Pen có tư tưởng rất cực đoan, nhưng về tính dân chủ, vì bà Le Pen có được một tỷ lệ tương đối cao về ý định bỏ phiếu nên việc bà ấy có thể được tranh cử là chuyện bình thường.

Tất cả những nhiều này đang làm dấy lên một cuộc tranh luận thực sự và khiến chúng tôi phải đặt câu hỏi về cải cách việc giới thiệu ứng viên, bởi hệ thống này đã cũ và chúng tôi phải tính đến chuyện cải cách sâu rộng. Nhưng phải làm thế nào ? Cải cách ra sao ? Tất nhiên là có tranh luận. Rõ ràng là không phải ai cũng đồng ý. Có người đề xuất tăng số phiếu giới thiệu, bởi vì có 11 ứng viên như năm nay là quá nhiều. Làm như vậy hơi khó. Nhưng có một số người nói rằng cần phải có 1.000 chữ ký cần thiết mới được ra ứng cử. 

Một số khác thì hướng tới một hình thức phối hợp, nghĩa là vẫn duy trì phiếu giới thiệu của các dân biểu, nhưng bổ sung thêm phiếu giới thiệu của công dân, các ứng viên sẽ phải thu thập được một số chữ ký giới thiệu nhất định từ các công dân, chẳng hạn 100.000, 150.000 hay 200.000. Đại khái là có những ý kiến như vậy. Có khá nhiều giải pháp. Có thể là trong nhiệm kỳ tổng thống tới đây, các dân biểu ở Nghị Viện sẽ xem xét vấn đề này để tìm giải pháp. Điều quan trọng là chọn lựa được các ứng viên cho kỳ bầu cử tổng thống. Và đây là một thời điểm quan trọng trong đời sống chính trị Pháp. »  

Thủ tục giới thiệu ứng viên là sản phẩm của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp từ 60 năm nay. Đối với nhiều người nước ngoài, giới thiệu ứng viên là một nét đặc biệt của kỳ bầu cử tổng thống Pháp, nhưng dường như đã đến lúc cần có nhưng cải cách cho phù hợp với thời đại, mà vẫn đảm báo tính dân chủ trong bầu cử.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.