Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Dưới bầu trời Paris : Phiên bản mới của Chimène Badi

Đăng ngày:

Sinh thời, nữ danh ca Édith Piaf từng ghi âm nhiều bản nhạc Pháp kinh điển. Trong số các giai điệu quen thuộc nhất, có nhạc phẩm "Sous le ciel de Paris" (Dưới bầu trời Paris) của hai tác giả Hubert Giraud và Jean Dréjac. Trong hơn nửa thế kỷ qua, đã có hàng trăm nghệ sĩ ghi âm lại bài hát này. Phiên bản gần đây nhất là của Chimène Badi ghi âm cùng với Joyce Jonathan.

Ảnh minh họa tháp Eiffel, Paris, Pháp.
Ảnh minh họa tháp Eiffel, Paris, Pháp. © AFP
Quảng cáo

Ở Pháp, nhiều người biết đến Hubert Giraud như người soạn nhạc cho Nicoletta qua các giai điệu nổi tiếng "Mamy Blue""Il est mort le soleil" (Nắng đã tắt), nhưng ngược lại, ít ai còn nhớ tác giả Jean Dréjac là ai (1921-2003), cho dù nhiều bài hát do ông viết lời, với thời gian đã trở thành một phần di sản âm nhạc Pháp.

Sinh trưởng tại thành phố Grenoble, Jean Dréjac (tên thật là Jean André Jacques Brun) ban đầu vào nghề ca hát, nhưng sau đó lại chuyển qua sáng tác, do ông say mê cầm bút, đứng ở phía sau hậu trường hơn là biểu diễn truớc công chúng dưới ánh đèn sân khấu.

Tác giả Jean Dréjac thành danh rất sớm. Tuy chưa ngoài 25 tuổi, ông đã thành công nhờ sáng tác nhạc phẩm "Ah! Le petit vin blanc" (Ôi ly rượu vang trắng). Do Lina Margy ghi âm, bài hát này từng lập kỷ lục số bán với hơn một triệu rưỡi bản vào năm 1943 (ông Jean lúc ấy mới 22 tuổi).

Sau hai lần đoạt giải nhất sáng tác nho hai nhạc phẩm "Les quais de Seine""La chanson de Paris", sự nghiệp của Jean Dréjac vươn lên một tầm cao mới. Trong số những bài hát Pháp ăn khách trên thị trường quốc tế (do ông đồng sáng tác) có nhạc phẩm "Sous le ciel de Paris", một giai điệu viết chung với Hubert Giraud vào năm 1951, cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Julien Duvivier.

Người đầu tiên ghi âm ca khúc này là nam ca sĩ Jean Bretonnière, nhưng sau đó đã có đến cả ngàn phiên bản ghi âm khác nhau. Phiên bản nổi tiếng nhất với giọng ca nam của Yves Montand, còn trong những giọng ca nữ, có hai phiên bản để đời là của danh ca Édith Piaf và Juliette Gréco, gần đây hơn nữa có phần ghi âm của các ca sĩ Patricia Kaas, Zaz, Julien Dassin hay Chimène Badi

Bài hát "Sous le ciel de Paris" (Dưới bầu trời Paris) từng được dịch sang nhiều thứ tiếng kể cả tiếng Anh là "Under Paris skies". Còn trong tiếng Việt bài có ít nhất hai lời khác nhau. Lời đầu tiên là của nhạc sĩ Nguyễn Thảo. Lời thứ nhì là của tác giả Phạm Ngọc Lân, qua phần trình bày của ca sĩ Anh Chi

Ban đầu là một khúc nhạc phim, bài hát này sau đó cũng được diễn lại theo nhiều phong cách khác nhau, từ nhạc nhe, nhạc pop, jazz Latinh, bán cổ điển cho đến nhạc hoà tấu của André Rieu. Jean Dréjac tiếp tục sáng tác trong bốn thập niên liền, hợp tác với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Michel Legrand, Serge Reggiani, Dalida, Mireille Mathieu, Marcel Amont hay Henri Salvador ..... Nhờ tính chuyên nghiệp, quen biết rộng rãi, ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch hiệp hội các tác giả Pháp Sacem, từ năm 1977 đến năm 2002.

Qua đời vì bạo bệnh vào năm 2003, hưởng thọ 82 tuổi, Jean Dréjac đã để lại một di sản âm nhạc quan trọng, hơn 400 bài hát đủ loại trong nửa thế kỷ sự nghiệp. Để vinh danh tác giả này, hiệp hội Sacem đã cho ra mắt tuyển tập 3 CD mang tựa đề "Juke Box Troubadour" bao gồm 76 bài hát quen thuộc nhất do Universal phát hành. Bên cạnh đó, còn có buổi hòa nhạc tại Café de la Danse với Romain Didier, Bertrand Louis hay Benjamin Legrand và cuốn tiểu sử "Le roman de Jean" (Tiểu thuyết của Jean), do con trai của chính tác giả là nhà văn Frédéric Brun chấp bút sáng tác.

Từ những bản viết nháp, được tìm thấy trong các quyển sổ tay cũng như từ những trang nhật ký ghi chép những hồi tưởng kỷ niệm trong gia đình, nhà văn kể lại câu chuyện và cuộc đời của thân phụ là tác giả Jean Dréjac.

Xen kẽ những giai thoại đôi khi hài hước có lúc cảm động, quyển tiểu sử phác họa chân dung của một nghệ sĩ đầy tâm huyết. Jean Dréjac đã đóng góp nhiều trong việc giúp đỡ các đồng nghiệp khi tham gia ban điều hành hiệp hội Sacem trong vòng hơn hai thập niên. Về mặt sáng tác, tác giả Jean Drejac thuộc trường phái lãng mạn, luôn dùng ngôn từ giản dị mà bàng bạc chất thơ, sao cho thật dể hiểu để truyền tải nỗi xúc động, mở rộng chân trời khát vọng nhờ niềm đam mê nóng bỏng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.