Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Liège và kho truyện tranh công lập duy nhất ở Bỉ

Đăng ngày:

Liège không phải là trung tâm truyện tranh như Bruxelles hay Paris nhưng thành phố ở miền nam Bỉ lưu trữ 104 bản vẽ gốc của những tên tuổi lớn trong thế giới truyện tranh Pháp - Bỉ, một “Kho báu” (Trésor) theo như công nhận năm 2019 của Liên đoàn Wallonie-Bruxelles (La Fédération Wallonie-Bruxelles). Với món quà 173 bản vẽ gốc của Vink, họa sĩ - tác giả truyện tranh người Bỉ gốc Việt, Kho Bản Gốc thêm đa dạng về số tác giả từ thời vàng son của truyện tranh Bỉ đến ngày nay.

Họa sĩ Vink (P) và ông Fabien Denoël (T), phụ trách khoa học của Quỹ Di Sản thành phố Liège (Fonds patrimoniaux de la Ville de Liège) chụp ảnh với bà Isabelle Zumkir, tình nguyện viên, nhập kho 173 bản vẽ Vink tặng thành phố.
Họa sĩ Vink (P) và ông Fabien Denoël (T), phụ trách khoa học của Quỹ Di Sản thành phố Liège (Fonds patrimoniaux de la Ville de Liège) chụp ảnh với bà Isabelle Zumkir, tình nguyện viên, nhập kho 173 bản vẽ Vink tặng thành phố. © RFI / Tiếng Việt / Vink
Quảng cáo

Kho Bản Gốc truyện tranh, thuộc bảo tàng Mỹ Thuật Liège, là bộ sưu tập công duy nhất ở Bỉ, được hình thành từ cuối những năm 1970 nhờ ông Jean-Maurice Dehousse, thị trưởng Liège và phụ trách văn hóa của Cộng đồng Pháp thời kỳ đó. Hiện giờ, Kho Bản Gốc nằm trong Quỹ Di Sản Thành phố Liège (Fonds Patrimoniaux de la Ville de Liège).

Trung tâm tham khảo truyện tranh

Hai ông Fabien Denoël, phụ trách Quỹ Di Sản Thành phố Liège và ông Alain Delaunois, tùy viên khoa học các Bảo tàng của Liège, tự hào dẫn chúng tôi thăm một số khu vực chính trong quần thể Saint-Georges rộng 1.500 m2, được cải tạo lại hoàn toàn năm 2019, trong đó có 400 m2 được thiết kế chuyên biệt để bảo quản tài liệu giấy trong điều kiện tối ưu nhất. Ông Fabien Denoël cho biết hiện Quỹ Di Sản có hơn 500.000 tài liệu từ thế kỷ XIII đến nay, trong đó có bộ sưu tập bản vẽ gốc truyện tranh có một không hai ở Bỉ.

“Kho Truyện Tranh, nằm trong Quỹ Di Sản, bao gồm những bộ sưu tập từ các cơ quan bảo tàng khác nhau của thành phố Liège, trong đó có Kho Bản Gốc được công nhận là “Kho báu” vì có nhiều tác phẩm của các tác giả nổi tiếng thời hoàng kim của truyện tranh như Hergé, Jacobs, Franquin, Morris, Payo hay Comès, cũng như một bộ sưu tập quan trọng khác về “Album”, chúng tôi có một số phiên bản gốc từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Bộ sưu tập “Album” vẫn được bổ sung liên tục.

Qua đây có thể thấy một sự năng động, trước tiên là về mặt tổ chức các bộ sưu tập, tiếp theo là sự quyết tâm trong chính sách sưu tập mới, đặc biệt là cho truyện tranh, cũng như việc thành lập một nơi đề cao di sản này, một không gian nghiên cứu cho các sinh viên, nhà nghiên cứu bộ môn nghệ thuật thứ 9 và rộng hơn là cho toàn bộ công chúng. Hiện nay ở Bỉ, kể cả Bruxelles, không có một trung tâm tài liệu nào là của công và miễn phí như Quỹ Truyện Tranh của thành phố chúng tôi”.

Quỹ Truyện Tranh của thành phố Liège là một trung tâm lưu trữ và nghiên cứu. Vai trò này được ông Alain Delaunois giải thích thêm :

“Thực ra, Liège không phải là thành phố xuất bản truyện tranh nổi bật. Nhà xuất bản Dupuis nổi tiếng nằm ở thành phố Marcinelle (gần Charleroi), còn nhà xuất bản Lombard thì ở Bruxelles. Liège không có các nhà xuất bản lớn mà chỉ có vài nhà xuất bản nhỏ, không trụ nổi trong thế kỷ XX, nhưng lại có rất nhiều họa sĩ sống trong vùng.

Thành phố chúng tôi có hai trường nghệ thuật lớn, đó là Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật nơi Vink, tác giả truyện tranh gốc Việt, theo học và Trường Nghệ Thuật Saint-Luc. Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều trường cao đẳng, đại học nơi có rất nhiều nhà nghiên cứu hay sinh viên quan tâm đến truyện tranh.

Tuy nhiên, ngay thập niên 1970, một hiệp hội của thành phố đã quyết định thu thập những bản vẽ gốc của nhiều họa sĩ truyện tranh nổi tiếng lúc đó như Hergé, Jacobs, Martin, Franquin, Maurice, Peyo. Và ý tưởng của họ được tiếp nối đến ngày nay. Tất cả những họa sĩ đó đều có mối liên hệ với người dân Liège và nhiều người trong số họ từng sống trong vùng và một số người vẫn sống quanh Liège”.

Rất nhiều nhân vật truyện tranh nổi tiếng, Tintin, Lucky Luke, Gaston Lagaffe, Schtroumpfs hay Gil Jourdan, đều có mặt trong Quỹ Di Sản Thành phố Liège. Một số bản thảo có giá trị rất lớn trên thị trường, theo thẩm định của ông Alain Delaunois, tùy viên khoa học các Bảo tàng :

“Trong số những bản vẽ gốc của Quỹ “Kho báu” truyện tranh, có hai bản gốc do họa sĩ Hergé vẽ, đó là On a marché sur la Lune (Chúng ta đã bước trên Mặt Trăng) trong tập truyện Tintin mà hiện đáng giá vài trăm nghìn euro trên thị trường. Chúng tôi cũng có một bản gốc trong tập truyện Gaston Lagaffe do Franquin vẽ, nhiều bản gốc của tác giả Peyo vẽ những người hùng của công chúng, như chủng tộc tí hon Schtroumpfs hoặc Johan và Pirlouit.

Chúng tôi cũng có bản vẽ gốc của nhiều tác giả về dòng truyện thực tế, như Hermann, hoặc đương đại hơn như Didier Comès, nổi tiếng về truyện tranh đen trắng. Ông là tác giả rất sáng tạo và tài năng trong những năm 1980. Chúng tôi có rất nhiều bản vẽ gốc của Comès trong bộ sưu tập”.

Kho truyện tranh phong phú với phong cách châu Á của họa sĩ Vink

Vink là một trong những tác giả truyện tranh đương đại gần đây nhất tặng bản vẽ gốc cho Quỹ Di Sản Thành phố Liège, vào cuối năm 2019. Những tác phẩm của họa sĩ gốc Việt giúp bộ sưu tập bản gốc thêm phong phú hơn, như nhận định của ông Fabien Denoël, vì “đó là sự ảnh hưởng và cách tô mầu kiểu châu Á, cũng như việc vẽ trực tiếp, một kỹ thuật còn khá hiếm vào lúc đó, dù Vink không phải là người đầu tiên sử dụng kỹ thuật này”. Còn ông Alain Delaunois cho biết công chúng hoàn toàn có thể đăng kí truy cập bộ sưu tập có một không hai này :

“Đây là một bộ sưu tập công lập thuộc một bảo tàng. Vì thế nhiệm vụ của chúng tôi là trưng bày, giới thiệu rộng rãi các tác phẩm đến các đối tượng công chúng khác nhau như người mê truyện tranh hay nhà nghiên cứu. Song song đó, chúng tôi cũng phải bảo quản những tác phẩm đó. Đây là nhiệm vụ rất quan trong trọng trong tất cả các bảo tàng công.

Vì thế, đối với những 173 bản vẽ gốc được họa sĩ Vink tặng, việc đầu tiên chúng tôi làm là thống kê và lưu sổ tất cả số tác phẩm này, từ việc đo kích thước đến xem xét bố cục của từng tranh… Khi thống kê xong, tranh sẽ được giữ trong lớp bảo quản đặc biệt khi không được trưng bày cho công chúng. Có nghĩa là chúng sẽ được giữ trong kho để tránh mọi hư hại do nhiệt độ và ánh sáng. Trong trường hợp được giới thiệu đến công chúng thì những tranh đó cũng không được trưng bày quá ba tháng vì lý do ánh sáng, để tránh bị phai mầu và đường vẽ.

Dĩ nhiên chúng tôi không trưng bày cùng lúc 173 bản vẽ gốc của Vink mà lần lượt giới thiệu từng phần của kho tranh này, dưới dạng album hoặc theo chủ đề. Bởi vì nhờ tất cả những tranh của Vink tặng, chúng tôi có thể tổ chức nhiều triển lãm theo từng chủ đề riêng, có thể không phải chỉ do mỗi Bảo tàng Mỹ Thuật tổ chức, mà sẽ cùng phối hợp với Quỹ Di Sản để thu hút đông đảo các thành phần công chúng khác nhau”.

Kết quả của chính sách này chính là triển lãm mang tên “Tò mò, khám phá những kho báu của Quỹ Di Sản” (Curiosités, à la découverte des trésors des Fonds Patrimoniaux, từ 29/03 đến 20/08/2021). Đây là triển lãm đầu tiên được tổ chức kể từ khi quần thể Saint-Georges được cải tạo lại và vào lúc dịch Covid-19 vẫn bùng phát mạnh ở nhiều nước châu Âu. Trong số những tác phẩm được trưng bày có một bức tranh cổ động học tiếng Việt và một bản vẽ gốc trong tập 2 của Le Moine Fou (tạm dịch : Nhà sư điên, 1984) của họa sĩ Vink, vừa được nhập sổ lưu trữ. Ông Fabien Denoël giải thích tiếp :

“Việc khai trương triển lãm có tầm quan trọng là truyền tải vai trò của Quỹ Di Sản cùng với sự đa dạng của các bộ sưu tập trong Quỹ mà công chúng hoàn toàn có thể truy cập được. Triển lãm được tổ chức để giới thiệu mỗi phần, mỗi bộ sưu tập trong kho lưu trữ quý báu, ví dụ như kho sách chép tay, tranh áp phích và những tác phẩm được biếu tặng để hình thành thư viện thành phố Liège từ thế kỷ XIX.

Trong khuôn khổ triển lãm này, chúng tôi dành một phần cho truyện tranh. Chúng tôi hướng đến hai mục đích chính : thứ nhất là để trưng bày một số bản trong những bộ sưu tập có ở đây ; thứ hai là để cho thấy sự năng động không ngừng từ hai năm nay để làm nổi bật các bộ sưu tập và đề xuất một bộ sưu tập tham khảo giúp công chúng, cũng như các chuyên gia nghiên cứu, có thể khám phá”.

Ông Alain Delaunois và ông Fabien Denoël đánh giá cao “sự hào phóng” của Vink : “173 bản vẽ gốc của Vink là món quà đặc biệt trong lịch sử của một họa sĩ tác giả truyện tranh” và là cách riêng để Vink cảm ơn thành phố quê hương thứ hai. Đây cũng là điểm tạo nên sự độc đáo của Quỹ Truyện Tranh của Liège, thành phố không phải là thủ phủ của truyện tranh nhưng muốn trở thành trung tâm lưu trữ, tra cứu và nghiên cứu quan trọng về chủ đề này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.