Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Chiến tranh Israel-Hamas : Sự nghiệp chính trị của thủ tướng Netanyahu coi như chấm dứt

Đăng ngày:

Israel không từ bỏ quyết tâm loại trừ Hamas bất chấp những chỉ trích về vi phạm nhân quyền của cộng đồng quốc tế ; Chính trường Ấn Độ lại nổi sóng sau một tin đồn do thám phe đối lập ; Chính phủ Mỹ thông qua dự án điện gió lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ ; Hàn Quốc không bỏ được thói quen lạm dụng đồ nhựa. Trên đây là một số chủ đề trong Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Ảnh minh họa không đề ngày do Quân đội Israel cung cấp cho thấy chiến dịch tấn công trên bộ của quân đội Israel tại dải Gaza.
Ảnh minh họa không đề ngày do Quân đội Israel cung cấp cho thấy chiến dịch tấn công trên bộ của quân đội Israel tại dải Gaza. AP - HO
Quảng cáo

Israel quyết loại trừ Hamas bất chấp chỉ trích sát hại thường dân Gaza

Ngày 03/11/2023, Israel tuyên bố bao vây toàn bộ thành phố Gaza. Đây là kết quả của chiến lược « tiến công một cách bài bản » từ ngày 31/10, thay vì một « chiến dịch quy mô lớn » như lời đe dọa của thủ tướng Benjamin Netanyahu. Israel không có ý định dừng bước bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế, kể cả cảnh báo hôm 01/11 của Liên Hiệp Quốc về khả năng các vụ oanh kích trại tị nạn Jabalyia lớn nhất có thể cấu thành « tội ác chiến tranh ».

Theo đồ họa về tình hình chiến sự ngày 03/11 của nhật báo Le Monde, quân đội Israel (Tsahal) mở ba trục tấn công : hai mũi ở phía bắc Gaza, dọc bờ biển Địa Trung Hải và từ khu vực cửa khẩu Erez, mũi thứ ba từ biên giới phía đông Gaza, dọc theo đường N10 đi ra Địa Trung Hải. Bắt đầu là các trận không kích, tiếp theo là xe ủi mở đường, rồi xe tăng, xe bọc thép tiến vào cùng với bộ binh.

Mục tiêu là chia cắt dải Gaza thành hai phần và cô lập miền bắc, nơi có thành phố Gaza đặt đại bản doanh của lực lượng Hamas cùng với hệ thống đường hầm chằng chịt ở mỗi khu phố và kết nối với nhau. Trả lời đài RFI ngày 31/10, tướng Jérôme Pellistrandi, tổng biên tập tạp chí Quốc Phòng, phân tích :

« Mục tiêu không phải là chiếm toàn bộ dải Gaza mà là tiến đến những mục tiêu như các kho vũ khí của Hamas và  nhiên là các đường hầm - mục tiêu ngay từ đầu của các trận oanh kích - và cuối cùng là tất cả những gì thuộc hệ thống quân sự Hamas. 

Điều mà người ta thấy là một phần chiến dịch được tiến hành vào ban đêm. Lợi thế của các chiến dịch đêm là quân đội Israel có những kỹ thuật quan sát mà Hamas không có và điều này cũng cho phép phân biệt dễ hơn giữa chiến binh Hamas và dân thường ».

Vẫn trên đài RFI ngày 02/11, tướng Dominique Trinquand, cựu trưởng đoàn phái bộ quân sự Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh đến « mức độ nguy hiểm » của hệ thống đường hầm của Hamas :

« Mọi lực lượng trên mặt đất đều có thể bị đánh úp từ hệ thống đường hầm và điều này có thể cực kỳ nguy hiểm cho quân đội Israel bởi vì đường hầm dẫn đến phía sau hoặc bên hông lực lượng. Quân đội Israel xác định xem mục tiêu của họ là gì, nghĩa là liệu họ sẽ phá hủy 70-80% thiết bị của đối phương hay không. Quân đội Israel cũng không nắm đầy đủ về mạng lưới đường hầm, trong khi có đến 5 tầng đường hầm, sâu tới 70 m dưới lòng đất. Cho nên tất cả đều vô cùng khó khăn. 

Và cần phải nhắc lại rằng sự việc đến mức này là kết quả của chính sách của thủ tướng Nentanyahu. Chính sách đó đã phần nào ủng hộ Hamas trong nhiều năm, để gây bất lợi cho vùng Cisjordanie. Nhờ đó, Hamas đã có thể trang bị nhờ tiền đầu tư của Qatar và nhờ vũ khí do Teheran cung cấp ».

Phủi trách nhiệm, sự nghiệp của thủ tướng Israel coi như chấm dứt

Vào lúc Israel huy động lược lượng để trả đũa Hamas, thủ tướng Netanyahu đẩy trách nhiệm cho các lực lượng vũ trang về tình trạng Israel thiếu chuẩn bị khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu của Hamas ngày 07/10 với khẳng định « thủ tướng chưa bao giờ được báo động về những ý đồ khủng khiếp của Hamas ». Dù sau đó, thủ tướng Israel đã vội xóa tin nhắn đăng trên mạng xã hội X (trước là Twitter) và xin lỗi nhưng nhật báo đối lập Haaretz nhận định « ông Benjamin Netanyahu tuyên chiến với Nhà nước Israelngay lúc đang chiến đấu chống Hamas ».

Đối với ông David Rigoulet-Roze, tổng biên tập tạp chí Orients Stratégiques, khi trả lời RFI ngày 31/10, sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu đã chấm dứt vì « rũ bỏ trách nhiệm sẽ không được tha thứ ».

« Ông Netanyahu ở trong thế vô cùng khó khăn. Ông hiểu rằng người ta sẽ sớm hỏi tội ông. Hơn nữa, theo truyền thống, các cơ quan không phản ứng với tuyên bố của thủ tướng, họ giữ im lặng vì ưu tiên giữ bí mật. Nhưng các chính trị gia đã rút mọi ủng hộ và cáo buộc ông Benjamin Netanyahu làm suy yếu đất nước ngay lúc có chiến tranh. Điều này giải thích cho việc ông Benny Gantz rút sự ủng hộ. Cần phải nhắc lại rằng Benny Gantz, nằm trong liên minh, không phải là người vô danh. Ông từng làm bộ trưởng Quốc Phòng từ tháng 05/2020 đến tháng 12/2022. Ông là một sĩ quan, biết mình nói gì và việc đó cho phép ông chỉnh đốn Benjamin Netanyahu.  

Về mặt chính trị, sự nghiệp của thủ tướng Israel đã chấm dứt. Vấn đề nằm ở chỗ khác. Ông ấy phải chịu trách nhiệm bởi vì gánh nặng trách nhiệm đối với sự kiện ngày 07/10 là quá lớn. Chúng ta biết ủy ban điều tra của Israel chính xác đến mức nào và nghiêm khắc đến mức nào trong Chiến tranh Kippur năm 1973. Một thủ tướng như Golda Meir ​​đã bị buộc từ chức. Vì vậy, trong mọi trường hợp, ông Netanyahu biết rất rõ là sẽ không thể tiếp tục hoạt động chính trị. Thêm vào đó là nguy cơ bị cáo buộc một số hệ quả về mặt pháp lý ».

Ấn Độ : Thêm một tin đồn do thám đối lập làm xáo trộn đất nước

Trước thềm tổng tuyển cử năm 2024, chính giới Ấn Độ sôi sục sau tiết lộ dường như có thêm một vụ do thám mạng nhắm vào phe đối lập. Nhiều lãnh đạo đối lập được tập đoàn Mỹ Apple cảnh báo rằng điện thoại của họ là đối tượng bị nhắm đến trong một chiến dịch do thám do các thực thể Nhà nước tiến hành.

Theo tường thuật ngày 01/11 của thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại New Delhi, ngay lập tức, mọi ánh mắt dồn về chính phủ của thủ tướng Narendra Modi, từng bị cáo buộc sử dụng phần mềm do thám Pegasus.

« Nhiều dân biểu và lãnh đạo các đảng đối lập, nhà báo hoặc giám đốc một trung tâm nghiên cứu chính trị, tổng cộng có vài chục người chỉ trích chính phủ nhận được cảnh báo của Apple trong những giờ qua, báo cho họ về một vụ tấn công cấp nhà nước nhắm vào điện thoại của họ.  

Tập đoàn Mỹ cho biết là không thể chắc chắn về nguồn tin chính xác, cũng như tính chất vụ thâm nhập, nhưng Apple giải thích là việc đó có thể dẫn đến việc theo dõi các cuộc trao đổi của người bị nhắm đến. 

Dân biểu đảng Quốc Đại Rahul Gandhi, cũng nhận được cảnh báo này và cáo buộc thẳng chính phủ. Ông nói : « Tất cả những ai dám đứng lên chống chính phủ đều bị nhắm đến. Và đó là hành động của tội phạm, của kẻ cắp »

Bộ Các Công Nghệ Mới thì cho rằng chính Apple phải trả lời về việc thâm nhập vào hệ thống điện thoại của hãng. Đảng BJP cầm quyền khẳng định những cáo buộc trên nằm trong âm mưu của tỉ phú Mỹ Georges Soros.  

Theo báo Financial Times, những tháng vừa qua, New Delhi cố tìm mua một phần mềm theo dõi mới sau những tiết lộ đáng hổ thẹn về phần mềm Pegasus. Cách đây 4 năm, cũng đảng đối lập này dường như bị phần mềm của Israel, được bán cho nhiều chính phủ, theo dõi. Tuy nhiên, cuộc điều tra tư pháp về hồ sơ này chưa bao giờ có kết luận »

Chính phủ Mỹ thông qua dự án điện gió lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ

Ngày 31/10/2023, Cục Năng lượng biển Hoa Kỳ (Boem) đã chấp nhận xây khu vực điện gió ngoài khơi lớn nhất của Mỹ. Dự án khẳng định một bước tiến mới trong việc chuyển đổi sinh thái ở Mỹ.

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington cho biết thêm :

« Virginia Beach là bãi biển được du khách Mỹ ưa chuộng vào mùa hè. Đó là điểm đầu của “Outer Banks”, những hòn đảo ven biển trải dài vài trăm km. Chướng ngại vật nổi đầu tiên đối diện với Virginia Beach là quần đảo Açores (của Bồ Đào Nha), sau đó là châu Âu.

Thế nhưng quang cảnh này sắp thay đổi. Trong vài tháng nữa, cách bãi biển khoảng 40 km sẽ có những tua-bin gió, thậm chí là “vườn” tua-bin gió lớn nhất từ trước đến nay, sắp được xây ở Hoa Kỳ. Chính phủ liên bang Mỹ vừa cho phép dự án của công ty Dominion : 176 tua-bin sẽ sản xuất 2,6 gigawatt điện, đủ để cung cấp cho 900.000 gia đình.  

Cùng với nhiều dự án khác, mục tiêu là sản xuất được tổng cộng 30 gigawatt năng lượng từ đây đến năm 2030. Tuy nhiên, kế hoạch không tiến triển nhanh như Nhà Trắng mong đợi bởi hai lý do : tình trạng lạm phát và đứt gãy trong các chuỗi cung ứng.  

Chính quyền của tổng thống Biden đặt ưu tiên chuyển đổi năng lượng. Một thông báo cách đây hai tuần liên quan đến tài trợ cho sản xuất khí hydro, nhằm sản xuất năng lượng phi carbon. Tuy nhiên, điều đó cũng không cấm cản chính phủ cùng lúc cho phép nhiều dự án khổng lồ khai thác dầu ở miền bắc Alaska, một vùng ít dân hơn rất nhiều và không lộ liễu như ở bờ Đông ».

Hàn Quốc không bỏ được thói quen lạm dụng đồ nhựa

Năm 2019, Hàn Quốc là nước sử dụng nhiều nhựa thứ ba thế giới tính theo đầu người, theo báo cáo của Plastic Waste Makers index, thuộc Quỹ Mineroo của Úc. Tình hình thêm nghiêm trọng trong giai đoạn đại dịch. Dù cố gắng tái chế, chính phủ Hàn Quốc vẫn không giảm được nhu cầu dùng đồ nhựa trong nước.

Tổ chức Greenpeace Hàn Quốc cố gắng đánh động công chúng vào lúc Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (INC) chuẩn bị họp lần thứ ba (từ ngày 13-19/11/2023) tại Nairobi, Kenya, để xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý tầm cỡ quốc tế về ô nhiễm nhựa.

Thông tín viên RFI Nicolas Rocca ghi nhận qua phóng sự ở Seoul : 

« Ngay giữa khu sinh viên ở Seoul, người qua đường dừng lại, giật mình trước một khối lớn đầy góc cạnh nhiều màu với nhiều móng vuốt to, đen thò ra. Không khí thổi bên trong tạo cảm giác con quái vật đang thở.  

Kim Nara, phụ trách cuộc vận động cho Greenpeace Hàn Quốc, giải thích : « Chúng tôi tạo ra tác phẩm này và đặt tên là Con quỷ nhựa, thể hiện cho bóng tối che phủ tương lai của chúng ta nếu chúng ta tiếp tục sản xuất và sử dụng nhựa như hiện nay. Việc tái chế là một giải pháp nhưng ở giai đoạn rác thải, cho nên chúng ta cần một giải pháp ngay ở giai đoạn sản xuất để tái chế »

Với gần 60% nhựa được tái chế, Hàn Quốc nằm trong số « học trò ngoan » trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tỉ lệ này lại không đủ cho lắm. Kim Nara nhấn mạnh, điều quan trọng là phải giảm tiêu thụ. Cô cho biết thêm : « Chúng ta nói về mức độ ô nhiễm nhựa giống như chúng ta đang gặp khủng hoảng. Do đó, việc cá nhân tham gia là rất quan trọng. Nhưng chúng ta cần một chính sách kiên quyết và thông qua chính sách đó, các công ty phải giảm sản lượng »

Để chắc chắn là các doanh nghiệp và chính phủ tôn trọng những cam kết của họ, cô kêu gọi một hiệp ước quốc tế ấn định những mục tiêu bắt buộc với mục đích là giảm sản xuất nhựa đến 75% từ giờ đến năm 2040 ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.